Nhiều doanh nghiệp muốn "Sở nào quản lý sở đó tiếp nhận"
Mới đây, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản số 777 kèm bản dự thảo quyết định về việc quy trách nhiệm quản lý nhà nước với lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn gửi các Sở ngành liên quan để đóng góp ý kiến thay thế quyết định số 27 đã ban hành năm 2018.
Theo đó, Sở y tế sẽ là đơn vị tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thuộc diện tự công bố trên địa bàn TP Hải Phòng.
Về việc này, 1 số doanh nghiệp chịu sự quản lý về vấn đề an toàn thực phẩm của Sở NN-PTNT và Sở Công thương Hải Phòng đã có văn bản đề nghị “Sở nào quản lý thì sở đó tiếp nhận bản tự công bố” như Quyết định số 27 ban hành năm 2018 của UBND TP Hải Phòng.
Lý do được đưa ra là liên quan đến hướng dẫn xây dựng bản tự công bố và đảm bảo nguyên tắc 1 doanh nghiệp chỉ chịu sự quản lý của 1 cơ quan quản lý nhà nước theo quy định (Nghị định số 15 năm 2018 của Chính phủ).
Theo Công ty CP Đồ Hộp Hạ Long, thực hiện việc nộp bản tự công bố sản phẩm theo Quyết định số 27 ban hành năm 2018 của UBND thành phố Hải Phòng, lĩnh vực của Sở nào Sở đó quản lý là hợp lý. Bởi lẽ Sở nào trực tiếp quản lý và tiếp nhận còn có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp về chuyên ngành để khi doanh nghiệp thực hiện các quy định tránh được sai sót cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đồ Hộp Hạ Long cho hay: “Trước khi xây dựng bản tự công bố, doanh nghiệp đã mất 1 khoảng thời gian để nghiên cứu, nếu khi tự công bố có sai sót trong trình tự thủ tục và mất thời gian thì gây khó khăn cho kinh doanh và ảnh hưởng đến tính nhanh nhẹn trong sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp thực phẩm. Nếu nhiều bước quá thì sẽ ảnh hưởng đến tính nhanh nhẹn trong sản xuất kinh doanh”.
Còn theo công ty CPTM Thực phẩm Trường Xanh, doanh nghiệp vừa sản xuất mặt hàng rượu vừa sản xuất mật ong hoa rừng Cát Bà, sản phẩm do 3 Sở quản lý là Nông nghiệp, Công thương và Y tế. Nhưng do mặt hàng rượu chiếm phần lớn nên đã chọn Sở Công thương đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chịu sự quản lý của Sở này suốt thời gian qua.
Cũng theo công ty Trường Xanh, nếu giao cho 1 Sở làm đầu mối tiếp nhận bản tự công bố thì doanh nghiệp chúng tôi phải mất thời gian vừa đi làm việc với Sở NN-PTNT, Sở Y tế đồng thời lại phải mất thời gian làm việc với Sở Công thương xong mới nộp bản tự công bố tại Sở Y tế. Như vậy chưa đảm bảo nguyên tắc 1 cửa, 1 sản phẩm, 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của 1 cơ quan quản lý nhà nước quy định tại Nghị định 15 của Chính phủ.
Cũng đồng quan điểm với các doanh nghiệp nói trên, khi được hỏi, lãnh đạo Công ty TNHH Nước mắm Quang Hải cũng có đề nghị giữ nguyên việc tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm như cũ, Sở nào quản lý thì Sở đó tiếp nhận.
2/3 Sở không đồng tình
Về đề xuất giao cho Sở Y tế là đơn vị tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm của các sản phẩm thuộc diện tự công bố trên địa bàn Hải Phòng, theo tìm hiểu của PV, cả Sở NN-PTNT và Sở Công thương đểu không nhất trí và đã có ý kiến tham gia bằng văn bản.
Theo đó, cả 2 Sở đề nghị giữ nguyên như quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND với lý do để có cơ sở giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và đảm bảo nguyên tắc quy định tại khoản 5 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Tức là tổ chức tiếp nhận bản tự công bố đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố do Sở nào quản lý thì Sở đó tiếp nhận.
Một cán bộ thuộc đơn vị liên quan đến việc hậu kiểm sản phẩm của 1 số doanh nghiệp thuộc diện tự công bố theo phân cấp trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho hay: Việc tiếp nhận và lưu giữ hồ sơ cũng là 1 hình thức quản lí Nhà nước, do đó nếu việc này xảy ra thì doanh nghiệp vẫn chịu sự quản lý Nhà nước của 2 cơ quan. Nếu giao cho Sở y tế tiếp nhận tất cả bản tự công bố sản phẩm thực phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ trái với Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
“Theo như báo cáo giải trình của Sở Y tế, sau khi tiếp nhận xong, bên tiếp nhận sẽ lưu trữ hồ sơ và đăng tải những thông tin cơ bản lên hệ thống thông tin điện tử. Trong khi trên cơ sở bản tự công bố mới có thể xây dựng kế hoạch hậu kiểm, nếu không được tiếp nhận bản tự công bố, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực được phân cấp ngoài Sở Y tế không nắm bắt được các doanh nghiệp mình quản lý công bố cái gì sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch hậu kiểm. Vậy tại sao không để cho cơ quan quản lí trực tiếp quản lí hồ sơ? Mục tiêu của tự công bố và gửi cho cơ quan nhà nước là để quản ly và giám sát chứ đâu phải chỉ để lưu trữ?” – người này đặt câu hỏi.
NNVN sẽ tiếp tục thông tin…
Tự công bố sản phẩm chính là việc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký các sản phẩm hàng hóa nằm trong hoạt động kinh doanh của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP có ghi rõ nhưng đối tượng nằm trong danh sách tự công bố chất lượng sản phẩm gồm: Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; các loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; dụng cụ chứa/ bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Đối với những sản phẩm hoặc nguyên liệu trong sản xuất, nhập khẩu dùng để sản xuất hay gia công hàng xuất khẩu, để phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của doanh nghiệp không tiêu thụ ra thị trường bên ngoài sẽ được miễn làm thủ tục tự công bố.