| Hotline: 0983.970.780

Hạn hán 'đe dọa' Bình Phước

Thứ Sáu 08/03/2019 , 08:48 (GMT+7)

Mới đầu tháng 3, nước trữ tại nhiều hồ đập ở huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đã rút xuống mức báo động.

Hồ đập cạn từng ngày

Đi dọc quanh hồ Thủy điện Cần Đơn, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp những ngày này dễ dàng bắt gặp hàng loạt máy bơm đang hoạt động hết công suất, hệ thống ống tưới dày đặc. Đang hì hục lắp máy bơm để lấy nước ở góc hồ tưới cho 2.000 trụ tiêu của gia đình, anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ xã Thiện Hưng) cho biết: “Gần 3 tháng nay trên địa bàn không có mưa. Thông thường mỗi tuần gia đình tưới 1 lần nhưng đợt này phải tưới liên tục vì thời tiết nắng gắt quá, nếu không giữ ẩm cho đất thì chỉ vài ngày là vườn tiêu khô héo hết. Do nước rút thấp, ra xa ngoài lòng hồ nên tôi phải mua ống dài cả trăm mét mới ra đến chỗ có nước. Nhiều người cũng đang lo đối phó với hạn bằng cách đào ao, đào giếng”. Theo anh Thắng, khoảng dăm bảy năm trước, thời điểm này, nước lòng hồ Cần Đơn vẫn đầy. Nhưng càng ngày nước càng rút thấp hơn.

14-39-28_nh_1
Từ 3 tháng nay Bình Phước không có mưa, nước tại nhiều hồ đập đang cạn mỗi ngày

Tại khu vực ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, chúng tôi chứng kiến hàng chục ao hồ cạnh suối dài khoảng 2 cây số đã cạn trơ đáy. Dưới lòng suối chỉ còn đọng lại vài vũng nước nhỏ. Anh Nguyễn Văn Hiếu, sống gần suối, cho biết: “Chưa có năm nào mới ra tết mà nắng nóng khủng khiếp như năm nay”.

Đập M26 nằm trên địa bàn xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp từng được nạo vét, nâng cấp với tổng kinh phí 7,7 tỷ đồng ứng phó với khô hạn. Sau hoàn thành, đập có diện tích mặt nước hơn 18ha, dung tích nước đạt 240.000m3, phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích cây trồng quanh hồ và gần 100ha lúa thuộc các cánh đồng của 2 xã Phước Thiện, Thiện Hưng. Tuy nhiên, hiện mực nước cũng đang giảm nhanh, nhiều khu vực đã rút xuống hơn 1m so với bờ.

Ông Nguyễn Văn Bình, hộ dân sống gần đập, cho biết: “Nhà nước đầu tư nâng cấp đập M26, người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, năm nay thời tiết khắc nghiệt, mùa này toàn bộ diện tích đất trồng lúa nơi đây vẫn phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Song, nhờ có đập đã làm cho mạch nước ngầm ổn định nên nước sinh hoạt của người dân vẫn còn”.
 

Chủ động ứng phó

Số liệu báo cáo của cơ quan Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Phước cho thấy, trong 3 tháng (từ tháng 12/2018 đến cuối tháng 2/2019), tuy một số khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa nhưng lượng mưa đo được không đáng kể. Các xã Đăng Hà, Đắk Nhau, Phú Sơn của huyện Bù Đăng; Lộc Thành, Lộc Khánh của huyện Lộc Ninh và một số xã của huyện Đồng Phú từ đầu tháng 1/2019 đến nay không có mưa. Nước trên các hồ đập thấp hơn mức dâng bình thường. Toàn tỉnh chỉ có 4 hồ chứa đạt, còn lại 43 hồ chứa mực nước thấp hơn mức dâng bình thường. Nước ở các công trình thủy điện chính trên sông Bé đều ở dưới mực tối thiểu.

Trong đó, hồ thủy điện Thác Mơ đạt cao trình 211,9m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 6,1m; hồ thủy điện Cần Đơn đạt cao trình 104,76m, thấp hơn mức dâng bình thường 5,24m; hồ thủy điện Srok Phu Miêng thấp hơn mức dâng bình thường 0,5m. Hiện tượng Enso có xu hướng chuyển sang El Nino từ những tháng cuối năm 2018, đầu năm 2019. Tổng lượng mưa từ tháng 11-2018 đến tháng 4-2019 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-50%. Dòng chảy sông suối khu vực Nam bộ thấp hơn từ 10-30%. Do đó, nguy cơ thiếu nước, khô hạn cục bộ xảy ra ngay từ những tháng đầu năm 2019.

14-39-28_nh_4
Dù vẫn còn giải pháp đối phó là mua thêm ống nước, đào giếng, nhưng người dân Bình Phước vẫn lo lắng, không biết “trụ” được bao lâu khi hạn kéo dài

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có công văn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các công trình dẫn và trữ nước; rà soát các khu vực có khả năng thiếu nước, qua đó xây dựng kế hoạch phòng, chống và giải pháp cấp nước trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt. Đặc biệt, trên cơ sở cân đối nguồn nước, có biện pháp hướng dẫn nhân dân gieo trồng, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý. Đối với những vùng không đảm bảo nguồn nước suốt vụ, phải khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp... Ông Lê Văn Quyết, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh kêu gọi: “Người dân cần nâng cao ý thức tiết kiệm nước, tận dụng các nguồn nước có thể để tưới cây trồng, hạn chế tối đa lãng phí nước”. 

Ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp cho biết, đã phối hợp Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước, Nhà máy thủy điện Cần Đơn xả nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất cho 4.548ha đất nông nghiệp cho các xã Tân Tiến, Tân Thành, Thanh Hòa, thị trấn Thanh Bình. Nước được xả luân phiên từ kênh N1 đến kênh N18, mỗi ngày xả nước ra 4 kênh, mỗi kênh xả 4 tiếng, với lưu lượng tối thiểu từ 1-3m3/giây.

Bình Phước hiện có 54 công trình thủy lợi (do Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, khai thác), gồm 47 hồ chứa, 5 đập dâng, 1 trạm bơm tưới và hệ thống kênh cung cấp nước tưới. Trong đó, 9 công trình được xây dựng trước khi tái lập tỉnh, 37 công trình xây mới sau khi tái lập tỉnh.

Trong đó, một số công trình đã xuống cấp, không phát huy hết công năng như: Tuyến kênh xã Lộc Quang (Lộc Ninh) dài 4,4km, nhiều đoạn tường và đáy kênh bị hư hỏng nặng. 3 máy bơm chìm ở trạm bơm xã Đăng Hà (H.Bù Đăng) thường xuyên hư hỏng, “đắp chiếu”. Công trình hồ Đa Bo ở huyện Bù Đăng mái hạ lưu từ cơ đập trở xuống đến chân đập bị thấm mạnh; một số công trình đầu tư không đồng bộ, có đập, tràn, cống nhưng thiếu hệ thống kênh mương như hồ Lộc Thạnh, đập suối Nuy (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh)...

 

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất