Chờ đợi thượng đỉnh Mỹ-Triều
Theo kết quả cuộc gặp tại Bàn Môn Điếm hôm 27/4, Tổng thống Moon Jae-in và ông Kim Jong-un đã đồng ý về một thoả thuận hoà bình lâu dài, thay vì chỉ là một hiệp ước đình chiến như hiện nay giữa 2 miền Triều Tiên. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chắc chắn còn phụ thuộc rất nhiều vào hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ, dự kiến có thể tổ chức cuối tháng 5 này, hoặc chậm hơn là qua tháng 6.
Hàn Quốc và Triều Tiên đang đứng trước thời khắc lịch sử cho hoà bình và thống nhất. |
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) hôm qua dẫn nguồn tin riêng cho biết, ông Kim Jong-un đã nhất trí với gợi ý được báo chí Mỹ đưa, về việc cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Donald Trump có thể diễn ra ngay tại Bàn Môn Điếm, thuộc khu vực phi quân sự (DMZ) giữa biên giới Triều Tiên với Hàn Quốc. Với phương án này, ông Donald Trump sẽ trở thành Tổng thống đầu tiên của Mỹ đặt chân vào lãnh thổ Triều Tiên. Giới chức Mỹ dù vậy cho biết, phương án lựa chọn một quốc gia thứ 3 khác làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn được xem xét.
Đến thời điểm hiện tại, tín hiệu phát đi từ các bên đều rất tích cực. Triều Tiên mới đây vừa trả tự do cho 3 công dân Mỹ gốc Hàn Quốc. Những người này gồm ông Kim Dong Cheol, mục sư người Mỹ sinh ra ở Hàn Quốc và ông Kim Sang Deok, Kim Hak Seong. Ông Kim Dong Cheol bị Triều Tiên bắt năm 2015 với cáo buộc làm gián điệp và sau đó phải nhận án 10 năm tù khổ sai vào năm 2016. Hai trường hợp sau bị bắt giữ khi đang làm việc tại Đại học Khoa học và Công Nghệ Bình Nhưỡng với cáo buộc có hoạt động thù địch chống chính quyền Triều Tiên. Trước đó, Triều Tiên cũng cho biết sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở phía bắc. Đây được đánh giá là những động thái thiện chí của chính quyền ông Kim Jong-un nhằm chuẩn bị cho phiên họp thượng đỉnh với Mỹ.
Vai trò của Trung Quốc
Sau cuộc gặp của ông Kim Jong-un với Tổng thống Moon Jae-in cũng như trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, chính quyền Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang phải hoạt động “hết công suất”. Văn phòng Nhà Xanh (phủ Tổng thống Hàn Quốc) hôm qua cho biết, ông Moon Jae-in vừa có cuộc làm việc với một loạt quan chức cao cấp trong chính quyền. Số này gồm Chủ tịch quốc hội Chung Sye-kyun và Thẩm phán toà Hiến pháp Lee Jin-sung, Thủ tướng Lee Nak-yon và Chủ tịch Uỷ ban bầu cử quốc gia Kwon Soon-il. Nếu không bận công du nước ngoài, Thẩm phán toà Tối cao Hàn Quốc Kim Meong-soo cũng tham dự.
Tại cuộc họp này, ông Moon Jae-in đã thông báo với những người tham dự về kết quả buổi hội đàm ở Bàn Môn Điếm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là bước đi trong kế hoạch của ông Moon Jae-in trong nỗ lực thiết lập hoà bình giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Trước đó vào hôm 1/5, ông Moon Jae-in được biết đã có cuộc điện đàm 30 phút với TTK Liên Hợp Quốc, Antonia Guterres. Theo Yonhap, Ông Moon Jae-in mong muốn Liên Hợp Quốc sẽ giữ vai trò trong việc quan sát hiệp ước hoà bình và quá trình phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên. Trong tuần tới, Tổng thống Moon Jae-in sẽ tới Tokyo, nơi ông có cuộc gặp 3 bên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Trong một diễn biến khác, hôm qua Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng tới Bình Nhưỡng. Trung Quốc được nhận định sẽ giữ vai trò quan trọng đối với quá trình tái lập hoà bình và phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doánh cho biết, Trung Quốc “bảo vệ hoà bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên mọi thời gian…”, đồng thời tán thành việc thiết lập thoả thuận hoà bình vĩnh viễn thay vì hiệp ước đình chiến tạm thời hiện tại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.