| Hotline: 0983.970.780

Hàng chục công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn

Thứ Tư 13/12/2023 , 08:22 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, 2 bờ sông Sài Gòn oằn mình chịu trận với hàng chục công trình lấn hành lang bảo vệ sông. Cơ quan chức năng cũng vào cuộc, cũng xử lý, nhưng…

Mới đây, Thanh tra TP. Thủ Đức, TP.HCM đã ban hành Kết luận thanh tra trong lĩnh vực xây dựng, trong đó nêu rõ hàng chục công trình xây dựng không phép, sai phép và lấn chiếm mặt nước, hàng lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn, kênh, rạch tại phường Thảo Điền trong thời gian từ năm 2021-2022. Bằng mắt thường có thể thấy, sông Sài Gòn bị thu hẹp chiều ngang đáng kể và có đôi bờ thẳng đều, nguyên do là nhiều công trình đã lấn ra sông ở những đoạn mặt nước lấn vào bờ.

Kết luận thanh tra nêu một số điển hình vi phạm như: Công trình do bà N.T.T làm chủ đầu tư thuộc dự án khu nhà ở tại phường Thảo Điền của Công ty TNHH P.N, xây dựng không phép lấn chiếm hành lang bảo vệ rạch Ông Dí và xây dựng bờ kè lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn với tổng diện tích gần 250m2. Công trình này đã đưa vào sử dụng và vẫn chưa lập hồ sơ xử lý, tháng 5/2022 UBND phường Thảo Điền đã có báo cáo về vướng mắc trong lập hồ sơ xử lý vi phạm.

Công trình do bà N.N.D.H làm chủ đầu tư có tổng diện tích hơn 230m2, xây dựng từ năm 2013 và hoàn thiện, xây dựng không phép lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn.

Một công trình lấn sông ở khu nhà giàu Thảo Điền. Ảnh: Hồng Thủy.

Một công trình lấn sông ở khu nhà giàu Thảo Điền. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo Thanh tra TP. Thủ Đức, gần 30 công trình nhà không phép, sai phép và lấn chiếm sông, rạch ở phường Thảo Điền được phát hiện. Trong đó, có 8 công trình xây dựng không phép. Các công trình vi phạm này đã bị lập biên bản, xử phạt, và có quyết định cưỡng chế, bắt buộc khắc phục hậu quả.

Trong đó, dự án biệt thự Thảo Điền Sapphire (nay là Holm Residences) vi phạm xây dựng tăng tầng, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa, đã bị UBND TP phạt mức cao nhất là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết các công trình vi phạm này đến nay vẫn “án binh bất động”.

“Quy định lộ giới hành lang bảo vệ sông Sài Gòn mỗi bên là 50m tính từ mép nước vào đến công trình xây dựng. Tuy nhiên, phần lớn 2 bờ sông Sài Gòn, nhất là khu vực P. Thảo Điền, Q.2, không có hành lang”, kỹ sư Tường nói.

Theo Kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường, tình trạng lấn chiếm lộ giới sông không chỉ gây ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, phá vỡ quy hoạch đô thị, mà còn gây nguy cơ gây ngập lụt cục bộ. Khi mưa đổ xuống, khu vực Thảo Điền thường xuyên bị ngập, do nước không thể thoát ra sông bởi sự lấn chiếm lộ giới của các công trình xây dựng trái phép.

Nói về sông Sài Gòn, Kỹ sư Trần Văn Tường, người vừa có đề án về việc cải tạo sông Sài Gòn trình UBND TP.HCM, cho biết, sông Sài Gòn đoạn qua TP.HCM dài 80km, trong lịch sử phát triển, từ thế kỷ 20, dòng sông này đã là một thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông, là cửa ngõ ra thế giới.

Dọc bờ sông Sài Gòn có những công trình mang tính biểu tượng như bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, cảng Ba Son, Tân Cảng… khung cảnh “trên bến dưới thuyền” ấy không chỉ là trụ cột nền kinh tế Nam bộ từ hàng trăm năm trước, mà còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử vùng đất Sài Gòn.

Theo quy định, hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn là 50m mỗi bên, nhưng phần lớn không có hành lang. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo quy định, hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn là 50m mỗi bên, nhưng phần lớn không có hành lang. Ảnh: Hồng Thủy.

Không quá lời nếu nói rằng tương lai thành phố cũng gắn với biểu tượng con sông nơi đó, Seoul (Hàn Quốc) khi phát triển vượt bậc về kinh tế thì truyền thông thế giới gọi “kỳ tích sông Hàn”. Thượng Hải (Trung Quốc) quy hoạch phố Đông trở thành trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu thế giới được gọi là “kỳ tích sông Hoàng Phố”….

Nhưng, thực trạng sông Sài Gòn hiện nay rất đáng buồn, bởi tình trạng vi phạm xây dựng, lấn chiếm bờ sông, mặt nước tràn lan. Rất nhiều công trình nhà cao tầng, biệt thự kiên cố đã lấn chiếm hàng trăm m2 bờ sông, mặt nước. Trong khi, ngay cả những công trình tạm, khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý đã khó chứ chưa nói đến những công trình kiên cố, mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Một vấn đề liên quan đến hàng triệu người dân thành phố, đó là nguồn nước. Gần 9 triệu người dân thành phố dùng nước 2 con sông là Sài Gòn và Đồng Nai, nếu xảy ra ô nhiễm, hậu quả khó lường, việc khắc phục không chỉ phức tạp mà còn rất tốn kém. Vì thế, hạn chế các khu dân cư và nhà cao tầng dọc hai bên bờ chính là biện pháp ngăn ngừa việc dòng sông trở thành nơi “hứng” đủ loại chất thải chưa qua xử lý.

Một hệ lụy khác mà những công trình nhà ở cao tầng, những khu dân cư san sát dọc 2 bờ sông có thể mang lại, đó là vấn đề thoát nước. Những tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Võ Duy Ninh, Ngô Tất Tố, Tôn Đức Thắng… ngày xưa hiếm khi bị ngập dù mưa lớn, bởi đường Nguyễn Hữu Cảnh vốn là con đường dẫn dòng thoát nước tự nhiên ra sông Sài Gòn cho những tuyến đường xung quanh. Nhưng từ khi hàng loạt dự án bất động sản, nhà cao tầng mọc lên, trở thành “bức tường” ngăn giữa sông Sài Gòn và đường Nguyễn Hữu Cảnh, khiến nhiều con đường xung quanh khu vực này trở thành sông mỗi khi mưa lớn hay triều cường.

Dự án biệt thự Holm Residences Thảo Điền lấn sông, lấn rạch Ông Hóa, bị UBND TP.HCM phạt 1 tỷ đồng. Ảnh: Hồng Thủy.

Dự án biệt thự Holm Residences Thảo Điền lấn sông, lấn rạch Ông Hóa, bị UBND TP.HCM phạt 1 tỷ đồng. Ảnh: Hồng Thủy.

“Xây dựng những khu dân cư hiện đại mà không tính đến những những vấn đề tối cần thiết như thoát nước, mỗi khi mưa là ngập, khiến đi lại khó khăn, giao thông ách tắc, chất lượng cuộc sống kém, thì những căn nhà hiện đại đầy đủ tiện ích bên trong đâu còn ý nghĩa? Đâu có ai chỉ ở trong căn nhà hiện đại đó, không bước ra ngoài đâu? Vì thế, việc xây dựng nhà cửa, công trình hiện đại dọc 2 bờ sông Sài Gòn cần phải theo quy hoạch lâu dài, và tuyệt đối không được xâm lấn diện tích hành lang bảo vệ 2 bờ, đặc biệt là không được phép chiếm dụng mặt nước”, kỹ sư Tường nhấn mạnh.  

“Trước tiên, cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ quỹ đất dọc sông Sài Gòn, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang sông, bất kể công trình nào vi phạm, dù tạm hay kiên cố, cũng buộc cưỡng chế tháo dỡ, tuyệt đối không để tồn tại hay hợp thức hóa”, Kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường nói.

Xem thêm
Chiều 2/5, Quốc hội họp bất thường lần thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất