| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt công trình nước sạch ở Quảng Ngãi kém hiệu quả

Chủ Nhật 27/08/2023 , 12:00 (GMT+7)

Được đầu tư hàng tỷ đồng để phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân nhưng các công trình này lại nhanh chóng 'chết yểu’ sau một thời gian ngắn.

Công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) chỉ hoạt động được 1 thời ngắn, đến nay đã không còn nước. Ảnh: L.K.

Công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) chỉ hoạt động được 1 thời ngắn, đến nay đã không còn nước. Ảnh: L.K.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 513 công trình cấp nước nông thôn tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong số này có 29 công trình hoạt động bền vững, 13 công trình tương đối bền vững, 345 công trình kém bền vững và 126 công trình không hoạt động.

Việc hàng loạt công trình nước sạch được đầu tư nhưng không phát huy được hiệu quả không chỉ gây lãng phí mà còn tạo bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt là ở những khu vực miền núi khi nhu cầu nước sạch sinh hoạt của bà con là vô cùng bức thiết.

Trong số hàng trăm công trình nước sạch kém hiệu quả hoặc không hoạt động khắp nơi ở tỉnh Quảng Ngãi, riêng trên địa bàn huyện Ba Tơ thống kê có khoảng 75 công trình cấp nước sạch nông thôn thì có đến 40 công trình không có nước. Số còn lại lâm cảnh lúc có lúc không. Có thể kể đến như công trình cấp nước sinh hoạt thôn Măng Đen (xã Ba Vì, huyện Ba Tơ).

Theo người dân địa phương, công trình này đã hoàn thành được gần 3 năm qua. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các hộ dân có nhu cầu vẫn chưa được sử dụng. Nguyên nhân là do đường ống dẫn nước bị vỡ. Giờ đây, bể chứa nước đang trong tình trạng bị cỏ dại, đất đá phủ lấp.

Ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, nguyên nhân công trình cấp nước sinh hoạt thôn Mang Đen bị hư hỏng là do đợt mưa lũ năm 2020, khiến một đoạn đường ống dẫn nước bị cuốn trôi nên không thể dẫn nước từ suối về các bể chứa.

Một công trình nước sạch ở huyện miền núi Quảng Ngãi bỏ hoang để cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: L.K.

Một công trình nước sạch ở huyện miền núi Quảng Ngãi bỏ hoang để cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: L.K.

“Hiện tại chính quyền huyện Ba Tơ đang duy tu, sửa chữa lại công trình này để sớm có nguồn nước sạch cho người dân sử dụng. Còn đối với những công trình khác trên địa bàn chưa phát huy được hiệu quả là do nguồn nước ngầm không đảm bảo hoặc một số công trình nước sạch thiếu nguồn vốn để duy tu, sửa chữa lại dẫn đến bỏ hoang”, ông Nam thông tin.

Tương tự, công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân ở thôn 3 (xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) đầu tư với tổng kinh phí hơn 370 triệu đồng, được đưa vào sử dụng năm 2020 nhưng được một thời gian sau đó, công trình này lâm vào tình trạng không còn nước để phục vụ cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Giêng (trú xã Trà Thủy) chia sẻ, lúc đầu xây dựng công trình, chính quyền địa phương đã khảo sát và hỗ trợ kinh phí tìm nguồn nước ngầm, khoan giếng. Trung bình mỗi giếng khoan cung cấp nước cho 5 đến 6 hộ gia đình ở đây và đường ống kéo riêng về từng hộ. Thế nhưng được một thời gian công trình lại bị hư hỏng, đường ống và nguồn nước ngầm cạn kiệt.

“Do hư hỏng đường ống dẫn nước của công trình nước sạch và để lâu ngày không có người đến sửa chữa nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Để có nước dùng sinh hoạt cho gia đình tôi phải bỏ tiền ra mua ống kéo nước trên núi về dùng cho cả nhà. Vào mùa nắng, nước khan hiếm nên muốn có nước sạch sử dụng thì hết sức vất vả”, chị Giêng nói.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện nay có hàng trăm công trình cấp nước hoạt động không hiệu quả trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân là rất lớn. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện nay có hàng trăm công trình cấp nước hoạt động không hiệu quả trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân là rất lớn. Ảnh: L.K.

Không chỉ miền núi mà ngay cả ở huyện đồng bằng cũng có nhiều công trình nước sạch đầu tư xong rồi “đắp chiếu”. Tại xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi) hiện có 2 công trình nước sạch với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng nhưng sâu 1 thời gian ngắn thì đình trệ và bỏ hoang nhiều năm qua. Điều này khiến người dân địa phương rất bức xúc khi phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Được biết, 2 công trình này xây dựng trong giai đoạn 2011-2013, cung cấp khoảng 550m3 nước/ngày đêm và được kỳ vọng cung cấp nước sạch cho 5 khu dân cư dân cư ở xã Tịnh Long với khoảng 350 hộ dân. Theo kế hoạch, hai công trình này sẽ mở rộng cung cấp nước sạch cho gần 2.000 hộ dân. Năm 2018, 2 công trình được giao cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Tịnh Long quản lý. Đến năm 2020 thì hư hỏng nhưng không có kinh phí sửa chữa, hiện đang xuống cấp nặng; nhiều thiết bị bên trong hoen gỉ, mục nát.

Theo ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân dẫn đến các công trình nước sạch trên địa bàn hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót. Nhiều công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế; không có quy trình quản lý, vận hành; không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành.

“Nhiều công trình thường xuyên bị thiếu nước do nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt ngày càng bị khô cạn vào mùa khô. Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh cần ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước”, ông Võ Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi thông tin.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.