| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt dự án trọng điểm ở Kon Tum nguy cơ chậm tiến độ

Thứ Ba 11/06/2024 , 06:32 (GMT+7)

Địa phương chưa ban hành giá đất, chưa có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ triển khai và giải ngân vốn.

Vướng mặt bằng, dự án đường trục chính phía Tây TP. Kon Tum nguy cơ chậm tiến độ. Ảnh: Tuấn Anh.

Vướng mặt bằng, dự án đường trục chính phía Tây TP. Kon Tum nguy cơ chậm tiến độ. Ảnh: Tuấn Anh.

Vướng giải phóng mặt bằng do chưa ban hành giá đất

Thời gian qua, rất nhiều dự án lớn có tổng vốn hàng trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư xây dựng tại TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Hiện các dự án này đang triển khai thi công nhưng rất cầm chừng do chưa có đầy đủ mặt bằng. Điều này khiến các dự án có nguy cơ chậm tiến độ không thể hoàn thành như kế hoạch, ảnh hưởng đến quá trình giải ngân các nguồn vốn đầu tư. 

Theo tìm hiểu được biết, việc các dự án chưa có mặt bằng là do TP. Kon Tum đến nay vẫn chưa ban hành giá đất cụ thể phục vụ công tác lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Ghi nhận thực tế tại dự án đường trục chính phía Tây TP. Kon Tum, nơi gặp nhiều khó khăn nhất trong giải phóng mặt bằng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương. Dự án đi qua 3 xã, phường của TP. Kon Tum với hơn 500 hộ gia đình, tổ chức bị thu hồi đất với diện tích hàng trăm ha.

Điều đáng nói, trong tổng số 11km phải giải phóng mặt bằng thì đến nay mới thực hiện được gần 3km. Do không có mặt bằng nên hiện các nhà thầu chỉ thi công cầm chừng để chờ động thái từ chủ đầu tư. Dự án hàng nghìn tỷ đồng kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt thành phố đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ và không thể giải ngân hết nguồn vốn được giao hàng năm.

Nhà thầu thi công cầm chừng do chưa có đầy đủ mặt bằng. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhà thầu thi công cầm chừng do chưa có đầy đủ mặt bằng. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự, dự án cầu số 3 tại sông Đăk Bla nối xã Vinh Quang với phường Nguyễn Trãi (TP. Kon Tum) với chiều dài hơn 330m, rộng 12m. Dự án cầu số 3 có tổng mức đầu tư hơn 121 tỷ đồng, được triển khai xây dựng năm 2019 và đã hoàn thành. Tuy nhiên, dự án chưa thể đưa vào sử dụng do chưa có đường dẫn vào 2 bên đầu cầu.

Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định đầu tư dự án đường dẫn 2 bên cầu với tổng chiều dài khoảng 1,6km, vốn đầu tư 87 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng liên quan đến giải phóng mặt bằng đã khiến dự án đường dẫn 2 bên cầu chưa thể triển khai xây dựng.

Dự án kè chống lũ lụt, sạt lở tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla (TP. Kon Tum) có tổng mức đầu tư hơn 473 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ) đang “án binh bất động” bởi mặt bằng vẫn chưa được bàn giao xong.

Ngoài ra, dự án đường Trường Chinh, đoạn từ Phan Đình Phùng đến Đào Duy Từ thuộc phạm vi cầu nối qua sông Đăk Bla (TP. Kon Tum) có tổng vốn đầu tư hơn 457 tỷ đồng hiện đang thi công cũng bị vướng liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Theo tìm hiểu được biết, bên cạnh việc chưa có giá đất cụ thể thì việc xác định nguồn gốc đất của các hộ dân có tranh chấp gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vẫn còn nhiều hộ dân chưa đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều dự án tại TP. Kon Tum có nguy cơ chậm tiến độ và ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn đầu tư…

Nút thắt cần được tháo gỡ

Theo tìm hiểu được biết, các dự án đang triển khai nhưng có nguy cơ chậm tiến độ đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.

Theo lý giải của chủ đầu tư, có nhiều nguyên nhân khiến các dự án có nguy cơ chậm tiến độ, không hoành thành theo đúng kế hoạch. Cụ thể, đối với dự án cầu số 3 tại sông Đăk Bla, tổng diện tích đất thu hồi thực hiện dự án hơn 7,3ha của hơn 100 hộ dân. Trong đó, tại xã Vinh Quang có hơn 2,5ha của 53 hộ bị ảnh hưởng nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt phương án bồi thường. Còn tại phường Nguyễn Trãi có 48 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng hiện còn 10 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Lý do được người dân đưa ra là đơn giá bồi thường thấp và không thống nhất phạm vi khai thác quỹ đất.

Đường dẫn nối vào cầu số 3 xã Vinh Quang cũng chưa thể triển khai do chưa đền bù, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tuấn Anh.

Đường dẫn nối vào cầu số 3 xã Vinh Quang cũng chưa thể triển khai do chưa đền bù, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tuấn Anh.

Đối với dự án kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla có hơn 18ha của 229 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, UBND TP. Kon Tum đã phê duyệt phương án bồi thường cho 130 hộ với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Hiện UBND TP. Kon Tum đã tổ chức chi trả tiền bồi thường cho 129 hộ, còn 1 hộ chưa thống nhất nhận tiền. Chính vì vướng mặt bằng, đến nay chủ đầu tư dự án mới nhận được mặt bằng 2,3km, trong khi tổng diện tích thức hiện dự án là /4,4km.

Theo Ban quản lý dự án, khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay là chưa có hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, do vậy Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum chưa thể hoàn thiện hồ sơ phương án bồi thường.

Ông Phùng Văn Long, Phó trưởng Phòng Quản lý dự án thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao giông, dân dựng và công nghiệp tỉnh Kon Tum cho biết, gần như toàn bộ khối lượng, diện tích bồi thường giải phóng mặt bằng tại các dự án đã được kiểm đếm. Hiện chỉ còn chờ TP. Kon Tum ban hành giá đất cụ thể sẽ lấy ý kiến người dân để lập phương án và tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng. Nút thắt này được giải quyết sớm sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại các dự án. 

“Không có mặt bằng, nhà thầu không thể thi công được, đồng nghĩa với việc không có khối lượng và sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng như việc giải ngân nguồn vốn đầu tư”, ông Long chia sẻ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ẩn họa từ việc người dân lấn đường để phơi thóc

Nhiều tuyến đường bị người dân chiếm dụng để làm nơi phơi thóc. Tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.