Ngay từ đầu vụ năm 2023, ngành mía đường của tỉnh Tuyên Quang đã phải đối mặt với khó khăn do thời tiết gây ra. Nắng nóng, hạn hán kéo dài trong nhiều ngày khiến 320ha mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có hơn 200ha bị chết, không thể mọc được.
Gia đình chị Đỗ Thị Thùy Vân ở thôn Đào Tiến, xã Hào Phú (huyện Sơn Dương) vụ năm nay trồng hơn 2ha mía. Do đầu vụ thời tiết khô hạn kéo dài nên đã có 1,2ha mía trồng mới của gia đình chị bị chết. Trong số 1,2ha mía bị chết của gia đình chị Vân do hạn hán kéo dài, phần lớn là diện tích mía trồng mới. Đây là những diện tích được gia đình chị trồng vào dịp cuối tháng 12/2022. Khi biết Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương sẽ cung ứng mía giống để hỗ trợ bà con trồng lại những diện tích bị chết, gia đình chị Vân đã chủ động đăng ký để trồng lại. Đến giữa tháng 3/2023, toàn bộ diện tích 1,2ha đã được trồng lại.
Chị Vân cho biết, để trồng lại 1,2ha mía bị chết do hạn hán, chị phải bỏ tiền mua thêm 9 tấn mía giống với giá 1,28 triệu đồng/tấn, tổng chi phí lên tới hơn 11,5 triệu đồng. Cộng cả tiền thuê nhân công trồng lại và các khoản chi phí khác, vụ năm nay chị phải bỏ ra chi phí phát sinh khoảng 20 triệu đồng.
Trong khi đó, mía trồng sai khung thời vụ chắc chắn sẽ không đảm bảo năng suất và sản lượng. Như vậy, vụ năm nay nếu năng suất đạt như năm 2022 thì trừ các khoản chi phí, gia đình chị Vân gần như hòa vốn, hoặc nếu có lãi chắc cũng không quá 10 triệu đồng.
Cũng giống như gia đình chị Vân, gia đình anh Trương Văn Long, thôn Đào Tiến, xã Hào Phú (huyện Sơn Dương) có hơn 1ha mía không thể lên được do hạn hán kéo dài. Anh Long cho biết, trước tình trạng mía chết, gia đình đã chủ động liên hệ với Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương đăng ký giống để trồng lại. Anh Long mong muốn Công ty có chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng bà con trong giai đoạn khó khăn do thiên tai gây ra như hiện nay.
Theo Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương, diện tích mía bị ảnh hưởng do hạn hán diễn ra ở hầu hết các vùng nguyên liệu tại tỉnh Tuyên Quang. Trong đó nghiêm trọng nhất là tại các xã Hào Phú, Hồng Lạc, Phú Lương, Bình Yên, Lương Thiện của huyện Sơn Dương… Nhiều diện tích mía chết chiếm từ 50 đến 90% diện tích trồng. Những vụ trước, đến tháng 5 cây mía đã đạt chiều cao trung bình từ 50cm đến 1m và vào dóng. Tuy nhiên hiện nay, do hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới sinh trưởng nên hiện tại, kể cả những diện tích mía không bị chết thì phần lớn cũng chỉ đạt từ 20 đến 50cm.
Ông Hầu Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Phú Lương (huyện Sơn Dương) cho biết, trước tình hình hạn hán kéo dài, xã có 15ha mía bị ảnh hưởng, nhiều diện tích bà con phải thực hiện trồng lại, tập trung nhiều nhất tại thôn Gia Lập và thôn Hưng Tiến. Ông Huy tính toán, việc mía không mọc đều sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như thu nhập của bà con nông dân. Mọi năm thời tiết thuận lợi, mía mọc đều thì năng suất sẽ đạt từ 65 đến 80 tấn/ha, trong khi đó mía không mọc đều, sinh trưởng kém thì năng suất chỉ đạt 50 tấn/ha, thậm chí còn thấp hơn.
Trước tình hình mía bị chết do hạn hán kéo dài, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương đã phối hợp với các địa phương bám địa bàn, nắm bắt tình hình để có giải pháp khắc phục và hỗ trợ nông dân. Công ty đã triển khai tìm nguồn mía giống tại các tỉnh Nghệ An và Sơn La với hơn 1.000 tấn mía giống để bà con trồng dặm lại.
Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, với việc bán mía giống giá 1,28 triệu/tấn, Công ty đã phải bù lỗ 1,72 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên trong số 300ha mía bị chết, Công ty cũng chỉ hỗ trợ được khoảng 200ha để trồng lại, còn lại 100ha gần như đành phải để trống, nguyên nhân một phần do hết nguồn giống và một phần nếu trồng cũng quá khung thời vụ, không thể đảm bảo năng suất. Như vậy, 100ha bỏ trống sẽ khiến sản lượng mía nguyên liệu giảm khoảng 6.000 tấn.
Cũng theo ông Dũng, trước tình hình hạn hán, những diện tích mía trồng lại không đúng thời vụ khiến sản lượng mía nguyên liệu thu hoạch trong vụ ép tới dự kiến sẽ giảm khoảng 30% so với tổng sản lượng dự kiến, đây cũng là thiệt hại rất lớn cho công ty. Ban lãnh đạo công ty đang bàn giải pháp và cân đối tài chính để có thể tiếp tục hỗ trợ cho bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Niên vụ mía năm 2023 - 2024, vùng nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương khoảng 1.900ha, trong đó diện tích trồng mới là khoảng 300ha. Niên vụ mía năm 2022 - 2023, tổng sản lượng mía nguyên liệu của công ty đạt 76.000 tấn.
Đầu vụ, công ty dự kiến niên vụ mía năm 2023 - 2024 sản lượng mía sẽ đạt hơn 100.000 tấn. Tuy nhiên đến thời điểm này, cùng với việc 100ha mía không thể trồng lại do hạn hán và bị mất trắng, nhiều diện tích mía sống sót cũng sinh trưởng phát triển kém. Vì vậy, công ty dự báo sản lượng mía niên vụ 2023 - 2024 may mắn lắm chỉ có thể đạt bằng hoặc thấp hơn so với niên vụ năm 2022 - 2023, mặc dù diện tích tăng hơn 200ha. Như vậy, nhà máy có thể bị thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng trong vụ ép 2023 - 2024.