Gian nan tạo giống
Nằm giữa non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh), đường Xích Tùng nổi tiếng với cây 700 năm tuổi mang nhiều giá trị, vừa là di sản, vừa góp phần tạo nên những giá trị văn hóa, linh thiêng ở nơi được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.
Đường Xích Tùng ở Yên Tử dài hơn 100m, nằm trên trục đường chính hành hương lên cõi Phật, hiện có 230 cây xích tùng còn sống, được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt bởi Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử. Tuyến đường này còn được coi là hàng cây trồng cổ nhất ở Việt Nam.
Tương truyền, trước đây Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng đệ tử của ngài và các thế hệ tu hành của Thiền phái Trúc Lâm đã trồng cây Xích Tùng ở đây và nhiều nơi trên núi Yên Tử. Đường Xích Tùng là di sản quý, vừa là chứng tích lịch sử, vừa là biểu tượng văn hóa; thể hiện tình yêu sự sống, tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên - một giá trị cốt lõi của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Tuy nhiên, vào nhiều năm trở về trước, Ban quản lý Khu di tích Yên Tử và chính quyền địa phương đã trăn trở, tìm mọi biện pháp để làm thế nào lưu giữ, bảo tồn được những cây Xích Tùng cuối cùng trước dấu hiệu “ăn mòn” sự sống. Nhiều cây Xích Tùng cổ bắt đầu rụng lá, tán cứ thế rụng dần và không mọc lại, để lại thân cây trơ trọi giữa khung cảnh hùng vĩ. Một thời gian, gốc rễ của chúng bắt đầu trồi lên, mục nát.
Vào đầu những năm 2000, chính quyền địa phương lên kế hoạch bảo tồn cây Xích Tùng, phát động cuộc thi cho những người có phương án cụ thể bảo tồn giống cây này. Khi đó, anh Phạm Văn Sự đang công tác tại Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cũng bắt tay vào công việc, cặm cụi thử mình “cứu vớt” giống cây thiêng.
Dựa vào vốn kinh nghiệm anh tích lũy qua thời gian công tác, anh hiểu rõ về nhiều loài động thực vật có trên vùng núi Yên Tử, tuy nhiên chỉ riêng loại cây Xích Tùng, các tài liệu, dẫn chứng về nó rất ít. Công nghệ thông tin chưa phát triển, anh tìm mua nhiều cuốn sách có đề cập đến chúng. Thuận theo lẽ tự nhiên, tưởng chừng cây sinh ra sẽ có cách tự sinh sản, thế nhưng, hàng trăm năm qua chưa có bất kỳ cây Xích Tùng con mọc lên sau mùa rụng quả.
Càng tìm hiểu anh tỏ ra buồn bã vì nghĩ rằng những nỗ lực của mình như “muối bỏ biển”. Cầm trên tay cuốn sách “Cẩm nang cây thuốc cần bảo vệ ở Việt Nam” đã cũ, các số trang trong cuốn sách mờ trắng in hằn vết ngón tay, anh Sự bàng hoàng khi tiếp cận thông tin chúng chỉ xuất hiện ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, và 4 nước trong khu vực Đông Nam Á.
Vậy chỉ còn cách khôi phục giống từ chính những cây Xích Tùng đang có. Kể từ hôm đó, anh sự bắt đầu lên núi nhặt hạt Xích Tùng. Cầm trong tay hạt cây bé chỉ bằng hạt thóc, anh Sự cho rằng đây là phương pháp duy nhất để có thể nhân giống loài cây này. Nhưng mùa rụng quả của Xích Tùng chỉ vọn vẹn 2 tháng, nếu chưa tìm ra phương pháp nào khác, anh buộc phải đợi mùa rụng quả năm sau.
Nói là làm, ngày nào anh cũng cố gắng thu lượm nhiều nhất có thể hạt Xích Tùng, anh ưu tiên sử dụng hạt từ những cây có tuổi đời lớn nhất đem về ươm. Trong cả quá trình, anh ươm ở nhiều vùng đất, thời tiết, môi trường có tác động ngoại cảnh khác nhau để so sánh cây non phát triển, song gần 1 năm, anh mới có thể chứng kiến mầm non Xích Tùng đầu tiên nhú lên khỏi mặt đất.
Trong khoảng thời gian chờ đợi cây mọc mầm, những ý tưởng của anh Sự cho việc ươm giống Xích Tùng đôi khi “bế tắc”, nhiều người thân trong gia đình hoài nghi về tính khả thi của công việc anh Sự đang làm, nhưng vẫn ủng hộ. Lúc đó anh Sự không suy nghĩ nhiều, chỉ muốn tìm cách cùng chính quyền địa phương tìm ra phương pháp bảo tồn cây.
“Ngay từ bé, được đặt chân đến từng ngóc ngách trong khu di tích, tôi sớm bị loài cây Xích Tùng thu hút, bởi nó tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của một vị quân tử” anh Sự kể lại.
Thời điểm đầu, hạt nảy mầm rất tốt, nhưng chỉ được một thời gian là chết do phần rễ bị thối, nhưng sau đó rễ non hay bị thối, nên tỷ lệ sống rất thấp. Không nản lòng, anh Sự vẫn lặng thầm gieo hạt, chăm bẵm bất kể thời gian. “Bất kể công việc gì, chỉ cần mình có niềm tin và dành thời gian cho chúng, thì trờ sẽ không phụ lòng người”, anh Sự tếu táo nói.
Xích Tùng Yên Tử (Hồng Tùng, Thông vảy, Thông đuôi chồn, Thông chàng, Hoàng đàn giả. Tên khoa hoc: Dacrydium elatum(Roxb) Wall. Ex Hook., 1832. Họ Kim giao - Podocarpaceae) không chỉ có ý nghĩa về mặt giá trị văn hóa lịch sử, ý nghĩa tâm linh mà còn là loài thực vật đã được đưa vào sách Đỏ Việt Nam (1996) và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (1996, 2001, 2006). Tinh dầu của gỗ thân dùng làm thuốc xoa bóp, chữa sưng tấy, đau nhức khớp xương, chống nhiễm trùng ở các vết thương. Vỏ sắc uống chữa đau bụng, rửa vết thương. Gỗ hoàng đàn giả không bị mối mọt, có mùi thơm, được dùng làm cầu phà, xây dựng nhà, đóng đồ gia dụng. Lõi thân và rễ có chứa tinh dầu dùng làm bột hương (nhang).
Hướng phát triển cho Xích Tùng
Khoảng thời gian từ năm 2003 - 2005 là thời điểm Phạm Văn Sự đầu tư nhiều thời gian, công sức nhất cho những cây Xích Tùng con. Đến năm 2008, anh mới tự khẳng định thành công khi nhân giống Xích Tùng Yên Tử. Cũng từ bước ngoặt này, bất kể ngày nắng hay mưa anh Sự và các cán bộ trong BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử bắt đầu trồng mới thành công nhiều cây Xích Tùng.
Đến ngày 25/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử”. Đến nay, qua hơn 3 năm triển khai, đến nay cây xích tùng đã được nghiên cứu và nhân giống thành công bởi anh Phạm Văn Sự. Hiện có 50 cây xích tùng nhân giống được Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử trồng tại những vị trí cây xích tùng cổ bị gãy đổ trước đó dọc trên đường Xích Tùng cổ và nhiều vị trí khác trên Yên Tử.
Sở hữu lên tới 1.000 mầm Xích Tùng, và hơn 200 cây Xích Tùng con, anh Phạm Văn Sự tiếp tục phát triển chúng dựa vào tiềm năng khai thác dược liệu, chế biến, chúng hoàn toàn có thể được trồng rộng dãi để sản xuất, tạo ra sản phẩm gắn với du lịch ở địa phương, góp phần bảo tồn, lưu giữ, phủ xanh rừng núi, tạo cảnh quan vùng núi Yên Tử.
Nói về quy trình ươm cây, anh Phạm Văn Sự cho biết: Kỹ thuật gieo ươm cây Xích Tùng Yên Tử phải lựa chọn hạt giống đảm bảo các hạt lấy từ những cây mẹ khỏe mạnh, không sâu bệnh, cây mẹ để lấy hạt có tuổi cây từ 22 năm trở lên. Xử lý hạt giống là một bước quan trọng trong qúa trình nhân giống Xích Tùng sau đó mới có thể gieo ươm từ hạt. Xử lý hạt giống tốt sẽ tránh lẫn tạp các giống, kích thích hạt nảy mầm nhanh, tỷ lệ nảy mầm cao, đồng đều và rút ngắn thời gian ngủ nghỉ của hạt giống xử lý mầm mống sâu bệnh còn tồn tại trong hạt. Việc xử lý hạt giống cần thực hiện ngay sau khi lựa chọn, tránh phơi khô hoặc để lâu khiến hạt khó nảy mầm và dễ bị nấm, mốc làm hỏng” anh Sự nói rõ.
“Khi gieo trực tiếp hạt giống, hạt sẽ nảy mầm sau khoảng tháng 7 – 8, cần ngâm hạt giống sau đó mới gieo bằng các chế phẩm thiên nhiên như nhựa chuối, gừng… sử dụng phân bón hữu cơ có thể giảm thiểu bệnh cho cây Xích Tùng vào giai đoạn ươm như bệnh vàng còi, bệnh rơm lá”, anh Sự cho hay.