| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang: Chủ động giảm nhanh diện tích canh tác lúa kém hiệu quả

Thứ Ba 15/06/2021 , 15:26 (GMT+7)

Tỉnh Hậu Giang đã giảm nhanh diện tích canh tác lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả

Mặc dù là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa và cây ăn trái nhưng ngành nông nghiệp Hậu Giang đã chủ động giảm dần diện tích canh tác lúa. Tỉnh Hậu Giang đã triển khai đề án phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. 

Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn, mặn, sạt lở và dịch bệnh trên động, thực vật. Vào mùa khô, phần lớn các huyện trong tỉnh đều bị mặn xâm nhập hay hạn hán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rõ đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang, nhất là canh tác lúa, làm giảm năng suất, chất lượng. Ảnh: Trọng Linh.

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rõ đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang, nhất là canh tác lúa, làm giảm năng suất, chất lượng. Ảnh: Trọng Linh.

Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp của tỉnh như: làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng, cơ cấu nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi có thể bị thay đổi, giảm đa dạng cây trồng.

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã chủ động giảm diện tích canh tác lúa, nhất là đối với các khu vực sản xuất kém hiệu quả, để chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác. Ảnh: Trọng Linh.

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã chủ động giảm diện tích canh tác lúa, nhất là đối với các khu vực sản xuất kém hiệu quả, để chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác. Ảnh: Trọng Linh.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, bà Nguyễn Thị Giang cho biết, tỉnh hiện có diện tích đất trồng lúa là 77.000/140.457 ha đất nông nghiệp toàn tỉnh. Hàng năm, sản lượng lúa hàng hóa cung cấp ra thị trường trên 1 triệu tấn. Mặc dù năng suất sản xuất lúa bình quân hàng năm khá cao nhưng hiệu quả sản xuất lại không cao do một số diện tích đất lúa kém hiệu quả.

Hằng năm, tỉnh Hậu Giang vẫn có diện tích sản xuất lúa vụ 3 trên 30.000 ha. Việc sản xuất lúa 3 vụ/năm ngày càng có nhiều khuyết điểm, như: rủi ro do thiên tai, mưa bão, dịch hại, năng suất không cao. Chi phí cho sản xuất ngày càng tăng, làm đội giá thành, đất trồng lúa có dấu hiệu suy thoái về chất lượng, giảm độ màu mỡ... Vì vậy, việc giảm diện tích gieo trồng lúa kém hiệu quả là nhu cầu tất yếu.

Tập trung cho cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ

Để phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp Hậu Giang luôn chủ động đề ra kế hoạch phù hợp, đặc biệt với cây lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh. Từ nhiều năm qua, tỉnh đã tham gia và thụ hưởng từ nhiều chương trình, dự án về phát triển sản xuất lúa. Từ đó, giúp nông dân nâng cao năng lực và ý thức về canh tác lúa an toàn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là sự hợp tác đầu tư sản xuất tập trung theo các mô hình cánh đồng lớn, cung ứng trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa tại Hậu Giang, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Trọng Linh.

Ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa tại Hậu Giang, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Trọng Linh.

Khi mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa phát triển ở ĐBSCL, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tại huyện Vị Thủy và Châu Thành A. Đến nay, Hậu Giang đã mở rộng trên nhiều vùng và thu hút sự tham gia của người dân, thiết lập lên chuỗi giá trị hiệu quả giữa người nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng khuyến khích người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trên cây lúa để đạt được hiệu quả cao hơn. Các mô hình lúa chất lượng cao, mô hình lúa hữu cơ, mô hình canh tác lúa tiên tiến như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp IPM và mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái được lãnh đạo tỉnh khuyến khích triển khai và nhân rộng.

Hậu Giang phát triển mạnh cánh đồng lớn sản xuất lúa và đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với quy mô 32.000 ha. Ảnh: Trọng Linh.

Hậu Giang phát triển mạnh cánh đồng lớn sản xuất lúa và đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với quy mô 32.000 ha. Ảnh: Trọng Linh.

Theo bà Giang, đến nay tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với quy mô 32.000 ha. Theo quy hoạch đến năm 2025, Hậu Giang tiếp tục vận động để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho dự án sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu của nhà đầu tư nước ngoài với quy mô 1.000 ha tại hai huyện Vị Thủy và Châu Thành A. Năm 2020, toàn tỉnh có 30.502 ha/27.179 hộ được ký hợp đồng bao tiêu bởi 25 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Từ năm 2017 về trước, lũy kế hàng năm tỉnh có hơn 200.000 ha diện tích gieo trồng lúa. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, diện tích sản xuất lúa của tỉnh đều giảm, nhất là ở những khu vực hoặc vụ sản xuất cho hiệu quả kinh tế kém. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh có 198.525 ha giảm 8.064 ha so năm 2017. Năm 2019 tiếp tục giảm và chỉ đạt 196.125 ha. (Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp có vốn nhà nước

Sáng 23/11, Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền tự chủ cho đơn vị.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.