| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang giải quyết gần 12.000 việc làm trong bối cảnh dịch bệnh

Thứ Hai 06/09/2021 , 08:17 (GMT+7)

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 8 tháng năm 2021, tỉnh Hậu Giang đã giải quyết và tạo việc làm mới cho 11.752/15.000 lao động, đạt 78,3% kế hoạch năm.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, để góp phần tích cực vào mục tiêu giải quyết việc làm bền vững cho người lao động, tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng tập trung đầu tư, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tích cực nghiên cứu, tìm kiếm thị trường.

Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động Hậu Giang bị mất việc do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.

Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động Hậu Giang bị mất việc do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.

Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về việc phối hợp tuyển dụng, đào tạo và cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong năm 2021. Bao gồm: HTX Kim Ngân, HTX Thanh Tú, Công ty CP May Nhà Bè – Hậu Giang, Công ty TNHH Jia Zhi, Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, Công ty CP chế biến thủy sản Minh Phú – Hậu Giang,.. Theo biên bản ghi nhớ, tỉnh sẽ hỗ trợ tuyển dụng 10.900 lao động, hỗ trợ đào tạo 3.650 lao động cho doanh nghiệp.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo cần quan tâm đến lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: TL.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo cần quan tâm đến lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: TL.

Trong buổi sơ tuyển người lao động đang học tập tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang, ông Trần Văn Tráng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sen Đại Dương (trụ sở tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM) đánh giá cao về chất lượng giảng dạy của Trung tâm và tác phong của các học viên Hậu Giang. Tại Trung tâm, các học viên được tư vấn về những ngành nghề đang được công ty tuyển dụng để sang Nhật làm việc, như: dịch vụ mặt đất tại sân bay, vận hành máy, in ấn, công nghệ ô tô và chế biến thực phẩm... Sau khi được làm bài test IQ cơ bản để đánh giá năng lực bước đầu, đã có 20/22 học viên tham gia bài test IQ đạt, trong đó có 18 học viên tham gia sơ tuyển đạt yêu cầu.

Kết quả, trong 7 tháng năm 2021, Sở đã hỗ trợ tuyển dụng được 1.452 lao động cho các doanh nghiệp và hỗ trợ giới thiệu, cung ứng được 1.049 lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó, Công ty TNHH Lạc Tỷ II 1.247 lao động, Công ty TNHH MTV Bách Mỹ Nội Y 40 lao động, Công ty TNHH MTV Giáp Quán Thăng 165 lao động… Qua đó, góp phần nâng tổng số lao động đã giải quyết việc làm và tạo việc làm mới trong 8 tháng năm 2021 lên 11.752/15.000 lao động, đạt 78,3% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, Hậu Giang có khoảng 17.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, như mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...

Để đạt được các mục tiêu về giải quyết việc làm, hoạt động tuyên truyền, tư vấn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được Trung tâm Giới thiệu việc làm Hậu Giang quan tâm đẩy mạnh. Tháng 7/2021, các đơn vị có liên quan của tỉnh thực hiện 9 cuộc tư vấn về hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản cho đối tượng bộ đội xuất ngũ năm 2021 với 972 người tham dự.

Tổ chức cho 11 người lao động tham gia phỏng vấn đơn hàng đi làm việc Nhật Bản tại Công ty TNHH Nhân Lực Mirai và Công ty TNHH Tập toàn Quốc tế Sài Gòn (kết quả đã có 5 lao động trúng tuyển). Bên cạnh đó còn phối hợp hỗ trợ tuyển dụng 11 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, đề nghị cung ứng 107 lao động. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Hậu Giang triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa người lao động tỉnh Hậu Giang đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó có việc thống nhất về cách hỗ trợ chi phí ban đầu và giải ngân vay vốn cụ thể cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.

Có thể khẳng định, những nỗ lực giải quyết việc làm trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19 của Hậu Giang đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của chính người lao động.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.