| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang: Tăng tối đa diện tích lúa thu đông

Thứ Hai 31/08/2020 , 06:30 (GMT+7)

Thời gian gieo sạ lúa thu đông của Hậu Giang được tăng thêm, kéo dài tới tháng 9, nhằm tăng tối đa diện tích và tăng thêm giá trị sản xuất nông nghiệp.

Kéo dài lịch thời vụ đến tháng 9

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, vụ lúa thu đông (TĐ) 2020, ngành có kế hoạch sản xuất với diện tích xuống giống toàn tỉnh đạt 38.500ha, tổng sản lượng thu hoạch gần 213 ngàn  tấn. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và căn cứ tình hình dự báo nguồn nước, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường xuống giống lúa TĐ, nhằm tận dụng được thời cơ giá cao, lũ thấp, góp phần tăng thêm giá trị sản xuất của tỉnh trong năm 2020.

Nông dân Hậu Giang đang tích cực làm đất, xuống giống vụ lúa thu đông 2020 khi lịch thời vụ được kéo dài thêm. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân Hậu Giang đang tích cực làm đất, xuống giống vụ lúa thu đông 2020 khi lịch thời vụ được kéo dài thêm. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể, thời vụ xuống giống lúa TĐ 2020 được Sở NN-PTNT khuyến cáo thời gian gieo sạ tập trung thành 3 đợt: Đợt 1 từ ngày 8 - 16/6, đợt 2 từ ngày 2 - 10/7 và đợt 3 từ ngày 30/7 - 7/8. Tuy nhiên, tùy theo tình hình rầy nâu di trú vào đèn tại địa phương và tình hình thực tế về thời tiết, thủy văn và tiến độ thu hoạch lúa hè thu, từng địa phương theo dõi để quyết định thời gian xuống giống lúa TĐ cho hợp lý.

“Hiện nay, toàn tỉnh đã xuống giống được trên 36 ngàn ha, lúa phát triển tốt, đang trong các giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng. Riêng diện tích xuống giống sớm đã bước vào giai đoạn trổ chín, khoảng gần 1.400ha. Ước tổng diện tích xuống giống toàn tỉnh vụ TĐ 2020 là 41.660ha, sản lượng trên 232 ngàn tấn”, bà Giang cho biết. 

Dự kiến Hậu Giang sẽ có thêm đợt xuống giống lúa thu đông vào tháng 9, từ 2.000 - 3.500ha, nhằm tăng tối đa diện tích gieo trồng. Ảnh: Trung Chánh.

Dự kiến Hậu Giang sẽ có thêm đợt xuống giống lúa thu đông vào tháng 9, từ 2.000 - 3.500ha, nhằm tăng tối đa diện tích gieo trồng. Ảnh: Trung Chánh.

Nhằm tăng tối đa diện tích, ngành nông nghiệp Hậu Giang cho hay tháng 8 xuống giống thêm hơn 2.000ha, thời gian thu hoạch vào tháng 11/2020. Và tháng 9 dự kiến xuống giống gần 3.500ha, dự kiến thu hoạch vào tháng 12/2020, chủ yếu tập trung ở huyện Long Mỹ.

Nông dân Hậu Giang mở rộng diện tích xuống giống và tích cực chăm sóc lúa thu đông, nhằm tận dụng được thời cơ giá cao, lũ thấp, góp phần tăng thêm giá trị sản xuất của tỉnh. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân Hậu Giang mở rộng diện tích xuống giống và tích cực chăm sóc lúa thu đông, nhằm tận dụng được thời cơ giá cao, lũ thấp, góp phần tăng thêm giá trị sản xuất của tỉnh. Ảnh: Trung Chánh.

Về cơ cấu giống, ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm như: Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng Hoa 9, VD20, Đài Thơm 8… Nhóm giống lúa chủ lực xuất khẩu như: OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900... (chiếm tỉ lệ 50-60% trong cơ cấu giống). Hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình như: IR 50404, OM576… (tỉ lệ 10-20%). 

Vẫn chưa đạt diện tích tối đa

Mặc dù đã kéo dài lịch thời vụ, nhưng tăng cường xuống giống vụ lúa TĐ 2020 của Hậu Giang vẫn còn hạn chế, khó đạt được bằng diện tích tối đa mà nông dân từng gieo sạ. Cụ thể, vụ lúa TĐ 2017, nông dân toàn tỉnh đã xuống giống tới gần 52.000ha.

Theo bà Giang, diện tích đất nền sản xuất lúa ước thực hiện trong vụ TĐ là 41.660ha. Ngoài ra, còn có diện tích chuyển sang nuôi thủy sản trên đất ruộng là 6.171ha, trồng các loại cây khác như sen, súng, ấu, rau màu các loại với diện tích 235ha và 29.457ha không canh tác. Các diện tích không xuống giống đa số thuộc những khu vực đất trũng, các diện tích đất ruộng nhỏ lẻ, manh mún nằm cạnh các vườn cây ăn trái, khó bơm tưới tập trung, dễ bị chuột cắn phá làm giảm năng xuất nên bà con nông dân cũng hạn chế xuống giống. 

Ngoài diện tích lúa thu đông, nông dân Hậu Giang còn chuyển sang nuôi thủy sản trên đất ruộng và trồng các loại cây khác như sen, súng, ấu, rau màu... với diện tích hàng ngàn ha. Ảnh: Trung Chánh.

Ngoài diện tích lúa thu đông, nông dân Hậu Giang còn chuyển sang nuôi thủy sản trên đất ruộng và trồng các loại cây khác như sen, súng, ấu, rau màu... với diện tích hàng ngàn ha. Ảnh: Trung Chánh.

Nguyên nhân do tập quán canh tác 2 vụ/năm tại một số địa phương. Bên cạnh đó, ở một số địa phương hằng năm chịu ảnh hưởng của hạn, mặn nông dân chỉ sản vụ đông xuân và hè thu, không sản xuất vụ TĐ. Mục đích là để xuống giống vụ đông xuân sớm nhằm tránh tránh ảnh hưởng của hạn mặn ở cuối vụ. Một số vùng đê bao khép kín xuống cấp chưa được tu bổ, chưa thành lập tổ bơm tưới tập trung. Thời tiết vụ TĐ gặp nhiều mưa bão, tỷ lệ lúa đổ ngã cao, nông dân sợ ảnh hưởng năng suất, làm gia tăng chi phí giá thành sản xuất nên rất ngại xuống giống.

Một số bộ phận nông dân vẫn chưa tuân thủ lịch thời vụ xuống giống tập trung, do tập quán canh tác, điều kiện khí hậu, thủy văn... Vẫn còn có diện tích lúa xuống giống ngoài lịch gây khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Một số diện tích lúa TĐ dự kiến xuống giống trễ vào cuối tháng 9 (do thu hoạch lúa hè thu trễ) sẽ làm ảnh hưởng đến thời gian xuống giống của vụ lúa đông xuân 2020 - 2021.

Một số diện tích lúa thu đông ở Hậu Giang mới xuống giống bị mưa, bão gây ảnh hưởng, nông dân đang tích cực chăn sóc, cấy dặm lại để đảm bảo năng suất. Ảnh: Trung Chánh.

Một số diện tích lúa thu đông ở Hậu Giang mới xuống giống bị mưa, bão gây ảnh hưởng, nông dân đang tích cực chăn sóc, cấy dặm lại để đảm bảo năng suất. Ảnh: Trung Chánh.

Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa bão kéo dài nên ảnh hưởng đến những diện tích lúa đang xuống giống. Cụ thể, trong những ngày qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ và cơn bão số 2, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra mưa lớn kéo dài, kết hợp với dông lốc kèm theo đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất vụ lúa TĐ. Theo ghi nhận, đã có 1.788 ha lúa TĐ đang trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh bị ngập úng. Trong đó, có 1.459ha lúa chưa ghi nhận thiệt hại, diện tích bị thiệt hại dưới 30% là 127ha và thiệt hại từ 30 - 70% là 167ha, thiệt hại trên 70% là 35ha.

Để phát triển sản xuất lúa, Sở NN-PTNT Hậu Giang đề nghị Cục Trồng trọt tham mưu Bộ NN-NTNT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết để thực hiện Nghị định 62/2019/NĐ-CP về định mức cụ thể để hỗ trợ bảo vệ đất lúa, đồng thời ban hành danh mục giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất lúa, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả và đúng mục tiêu.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm