| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống thủy lợi An Kim Hải 'oằn mình' ngăn chặn xả thải

Thứ Sáu 17/11/2023 , 13:29 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Công ty An Hải đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn hàng trăm điểm xả thải vào hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hàng trăm điểm xả thải không phép

Hệ thống thủy lợi An Kim Hải phục vụ tiêu, thoát nước cho 20.000 ha sản xuất nông nghiệp khu vực huyện An Dương, thành phố Hải Phòng và huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Đồng thời cung cấp nguồn nước thô cho sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu dân sinh và các ngành kinh tế.

Hệ thống thủy lợi An Kim Hải phục vụ tưới tiêu cho khoảng 20.000ha sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng và Hải Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống thủy lợi An Kim Hải phục vụ tưới tiêu cho khoảng 20.000ha sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng và Hải Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Thời gian qua, do tác động của đô thị hóa, nhiều tuyến kênh xây dựng đã lâu và nguồn kinh phí cho việc trùng tu, nâng cấp kênh, mương có hạn nên việc đảm bảo nguồn nước trong hệ thống thủy lợi An Kim Hải vẫn còn nhiều thách thức.

Về phía Hải Dương, hiện nay nguồn nước thải sinh hoạt tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành đang gây ô nhiễm cho tuyến kênh trục chính từ cống Quảng Đạt tới ngã ba Kim Khê nên nhiều thời điểm cống Quảng Đạt không lấy được nước bổ sung cho hệ thống.

Về phía Hải Phòng, theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải (Công ty Thủy lợi An Hải) hiện nay có khoảng 369 điểm xả thải vào công trình thủy lợi An Kim Hải, trong đó có 333 điểm xả thải của các doanh nghiệp, 36 điểm xả thải khu chung cư, dân cư.

Đáng nói, tuy số lượng các điểm xả thải lớn như vậy nhưng từ năm 2015 cho đến nay, mới chỉ có 39 doanh nghiệp đã thỏa thuận cấp phép và được cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thuộc địa bàn công ty này quản lý.

Nước thải khu dân cư đổ ra làm đen sì một đoạn kênh, công ty thủy lợi buộc hoành triệt và bơm ra kênh tiêu nhưng nếu mưa lớn thì vẫn tràn vào hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Nước thải khu dân cư đổ ra làm đen sì một đoạn kênh, công ty thủy lợi buộc hoành triệt và bơm ra kênh tiêu nhưng nếu mưa lớn thì vẫn tràn vào hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Về cơ bản, đa số các doanh nghiệp đã chấp hành các quy định của pháp luật về xả thải vào công trình thủy lợi nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chấp hành quy định về xả thải chưa nghiêm túc, tự giác. Nước thải trong quá trình sản xuất chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn đã xả thải trực tiếp ra hệ thống kênh thủy lợi.

Cùng với đó, cơ bản lượng nước thải sinh hoạt của các khu dân cư tập trung, chợ dân sinh chưa được thu gom, xử lý mà xả thải trực tiếp xuống kênh, đây là tác nhân gây ô nhiễm cho nguồn nước trong hệ thống thủy lợi An Kim Hải, nhất là những đợt xảy ra mưa lớn.

Trong hệ thống thủy lợi An Kim Hải, chỉ tính riêng địa bàn huyện An Dương và phường Hùng Vương, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng đã có gần 120 điểm xả thải trực tiếp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và 800 hộ dân sinh sống hai bên sông Rế xuống dòng sông.

Từ ngày 1/1/2023 đến ngày 6/11/2023 Công ty đã phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, lập biên bản 88 trường hợp vi phạm Luật Thủy lợi, đã xử lý, giải tỏa được 61 trường hợp, còn tồn tại 27 trường hợp chính quyền địa phương đang xử lý.

Nỗ lực ngăn chặn xả thải

Trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Rế, thời gian qua, thành phố, huyện An Dương tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Công ty Thủy lợi An Hải vào cuộc triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn nước.

Hoành triệt và bơm nước thải sinh hoạt ra hệ thống tiêu thoát nước là giải pháp tạm thời để ngăn chặm ô nhiễm hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Hoành triệt và bơm nước thải sinh hoạt ra hệ thống tiêu thoát nước là giải pháp tạm thời để ngăn chặm ô nhiễm hệ thống thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, thành phố Hải Phòng, Công ty Thủy lợi An Hải đã tập trung đầu tư, nâng cấp nhiều công trình kênh mương, cống, đập, trạm bơm điện để ngăn chặn, đưa nguồn nước thải từ các khu dân cư, doanh nghiệp đang đổ thẳng vào sông Rế ra khỏi hệ thống.

Bên cạnh đó, Công ty Thủy lợi An Hải phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát tình hình xả thải, công tác chấp hành các quy định xả thải vào công trình thủy lợi của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý.

Đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các nguồn xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng chất lượng nguồn nước hệ thống. Tăng cường kiểm tra hệ thống sông Rế, chất lượng nguồn nước, kịp thời phát hiện các vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước để triển khai dự án thu gom nước thải từ các khu dân cư, các làng nghề.

Để ngăn chặn nguồn nước thải xâp nhập hệ thống thủy lợi, Công ty thủy lợi An Hải đã thực hiện hoành triệt, đóng chặn cống điều tiết hai bên bờ sông Rế để ngăn nguồn thải. Mặt khác, thường xuyên vận hành các trạm bơm tiêu trong hệ thống để bơm chuyển nguồn nước thải sinh hoạt của các khu dân cư theo hướng tiêu khác, không xả vào sông Rế.

Việc đảm bảo nguồn nước sông Rế đang được Công ty Thủy lợi An Hải và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ảnh: Đinh Mười.

Việc đảm bảo nguồn nước sông Rế đang được Công ty Thủy lợi An Hải và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ảnh: Đinh Mười.

Với các cống khác như: An Trì, Bà Nhị, Quỳnh Hoàng,... được công ty vận hành theo đúng quy trình vận hành hệ thống, thường xuyên đóng kín và chỉ mở cống khi tháo cống Cái Tắt để tháo tiêu, thau rửa nguồn nước hệ thống.

Bà Nguyễn Thị Bích Diệp – Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy lợi An Hải cho biết, thời gian qua, công ty đã quán triệt tới toàn thể cán bộ, công nhân lao và giao nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể đến từng bộ phận, lãnh đạo và lực lượng lao động. Cùng với đó, công ty đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền người dân các địa phương nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, không xả rác, chất thải, nước thải vào nguồn nước.

Để nâng cao chất lượng nguồn nước, thời gian tới cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí tiếp tục cho kè gia cố hoàn thiện và làm hàng rào bảo vệ hai bên bờ sông Rế, kênh Hòa Phong, kênh Tân Hưng Hồng. Đồng thời triển khai lắp đặt các thiết bị giám sát lưu lượng và chất lượng nước, kết nối và truyền tải dữ liệu quan trắc, giám sát về việc khai thác, sử dụng nguồn nước.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.