Hệ thống thủy lợi Liễn Sơn trải dài trên 7 huyện, thị của tỉnh Vĩnh Phúc là huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, TP. Vĩnh Yên, Yên Lạc, Bình Xuyên và TP. Phúc Yên. Ngoài ra còn cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của phường Bạch Hạc TP. Việt Trì - Phú Thọ và huyện Mê Linh TP. Hà Nội.
Rác thải vào công trình thủy lợi tại ranh giới xã Văn Tiến và Phú Xuân, huyện Yên Lạc |
Theo kết quả điều tra của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, chất thải rắn và nước thải nông thôn được xả trực tiếp ra hệ thống thủy lợi không qua xử lý, đáng báo động tại các cơ sở làng nghề đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho hệ thống thủy lợi Liễn Sơn, nhất là tại các vị trí cầu Cơ Khí, Cầu Đất, Cầu Vàng,… Ngoài ra, nước thải tại nhiều Cty tại các khu công nghiệp chưa được xử lý triệt để đang gây ô nhiễm trực tiếp cho kênh tiêu thuộc hệ thống thủy lợi Liễn Sơn.
Chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm cho hệ thống. Các kênh mương của hệ thống đi qua khu dân cư có lượng ô nhiễm nghiêm trọng hơn các tuyến kênh không qua khu vực nông thôn, đặc biệt là các khu vực có trại chăn nuôi tập trung, việc chất thải không qua xử lý được thải vào hệ thống thủy lợi không phải hiếm.
Nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Liễn Sơn phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã tiến hành lấy 5 đợt mẫu nước trong 3 tháng mùa kiệt trong năm nay bao gồm các tháng 1, 2, 3, (tổng số mẫu nước là 75 mẫu).
Qua các đợt quan trắc của Viện cho thấy chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi Liễn Sơn bị ô nhiễm chủ yếu bởi các thông số: DO, COD, BOD5, NH4+ và Coliform.
Đối với các chất ô nhiễm hữu cơ như COD, BOD5 khi so sánh kết quả với QCVN 08-MT:2015 cột B1 (Quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng cho tưới tiêu, thủy lợi) thì tỷ lệ vượt TCCP vào mùa khô cao hơn so với mùa mưa. Nhưng ngược lại, đối với các thông số như NH4+ và coliform thì mùa mưa lại có tỷ lệ vượt TCCP cao hơn so với mùa khô.
Và tỷ lệ số điểm có hàm lượng COD, BOD5 vượt tiêu chuẩn cho phép trong mùa khô cao hơn mùa mưa, nhưng không quá chênh lệch. Điều này cho thấy sự thay đổi của khí hậu và diễn biến thời tiết trong các mùa mưa, mùa khô càng trở nên khó lường.
Đoàn khảo sát thực địa của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tiến hành lấy mẫu tại điểm cầu Đất |
Cũng căn cứ vào kết quả quan trắc và dự báo có thể nhận thấy chất lượng nước tại tất cả các điểm qua các đợt quan trắc đều có các thông số vượt tiêu chuẩn cho phép; các thông số thường xuyên vượt và vượt ở mức độ cao như COD, BOD5; NH4+ và Coliform và có nhiều điểm hàm lượng oxy hòa tan trong nước không đạt yêu cầu. Những điểm có mức ô nhiễm nặng như: Cầu Cơ Khí, Cầu Đất, cống điều tiết Vũ Di. Và trong các tháng mùa khô đặc biệt là tháng 2, tháng 3, tháng 4 nước bị ô nhiễm nặng ở tất cả các điểm quan trắc.
Để giảm thiểu ô nhiễm nước sông trong hệ thống Liễn Sơn, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đưa ra môt số kiến nghị: Cần phải xử lý toàn bộ nước thải trước khi xả ra sông, kênh. Theo dõi thường xuyên chất lượng nước tại các vị trí đã được lựa chọn trong mạng giám sát và tại các điểm xả nước thải trực tiếp ra hệ thống, nhằm đánh giá đầy đủ và toàn diện những thay đổi thường xuyên và bất thường trên mạng quan trắc chất lượng nước của hệ thống Liễn Sơn.
Cùng đó phải mở rộng phạm vi quan trắc để có dữ liệu đánh giá chất lượng nước trong hệ thống tại một số vị trí phát sinh ô nhiễm như: Vị trí trên sông Phan, sông Cà lồ - nơi tiếp nhận nước thải của TP. Vĩnh Yên và khu công nghiệp. Chính quyền các địa phương trong thệ thống cần quan tâm và phải có biện pháp mạnh trong việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến Luật Thủy lợi.
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong phạm vi hệ thống thủy lợi Liễn Sơn phải làm thủ tục cấp phép và nghiêm túc thực hiện theo đúng các nội dung trong quyết định cấp phép. |