| Hotline: 0983.970.780

Giá thuốc bảo vệ thực vật tăng cao

Thứ Năm 28/10/2021 , 08:30 (GMT+7)

Cùng với phân bón, giá nhiều loại thuốc BVTV cũng đang tăng cao, nhất là nhóm thuốc trừ cỏ... Trong khi đó, nông dân đang vào giai đoạn cao điểm sử dụng thuốc BVTV.

Các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở ĐBSCL đang nhập lượng hàng lớn thuốc BVTV để phục vụ cho vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở ĐBSCL đang nhập lượng hàng lớn thuốc BVTV để phục vụ cho vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá tăng từ 10 - 30%

Bên cạnh giá phân bón tăng cao kỷ lục chưa từng có, giá các loại thuốc BVTV hiện cũng đang đua nhau "chảy múa". Theo ghi nhận, giá nhiều loại thuốc BVTV ở ĐBSL thời gian qua đã tăng trung bình từ 10 - 30% so với mọi năm, một số loại thuốc cá biệt tăng đến 50%, điển hình như thuốc trừ cỏ.

Ở một số tỉnh ĐBSCL như TP Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp..., giá thuốc BVTV tăng do trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các phương tiện vận chuyển khó khăn, làm cho chi phí vận chuyển tăng cao, kéo theo giá thuốc BVTV cũng tăng theo khi đại lý kinh doanh ở các địa phương nhập hàng trong mùa dịch. Trong đó, chủ yếu là nhóm thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn và vi khuẩn tăng khoảng 10%; thuốc trừ rầy tăng khoảng 30%. Với các địa phương còn sản phẩm tồn trong kho, mức giá chỉ tăng nhẹ từ 5-7%.

Cụ thể như thuốc trừ sâu, rầy: Chess 15WG 15gram giá từ 38.000 - 42.000 đồng; Virtako 40WG 3gram 18.000 – 20.000 đồng; Kinalux 25EC 480 ml 90.000-92.000 đồng; Radiant 60Sc 15 ml 28.000-29.000 đồng; Applaud 10WP 100gram 18.000-19.000 đồng; Pexena 106SC từ 95.000 – 100.000 đồng; Nitenpy Ram 50%, giá 35.000 đồng/gói...

Còn thuốc trừ bệnh như: Nativo 750WG 6gram từ 15.000-16.000 đồng; Amistar Top 325SC 250ml từ 275.000 - 305.000 đồng; Beam 75WP 100gram từ 92.000 - 100.000 đồng; Tilt super 300EC 250ml từ 195.000 - 215.000 đồng; Fuan 40EC 480ml từ 47.000-75.000 đồng; Filia 525SE 250ml từ 140.000 - 150.000 đồng; Antracol 1kg từ 240.000 - 250.000 đồng…

Nông dân Phạm Văn Tuấn có ruộng ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) than thở cho biết: Giá phân bón tăng chưa hết nóng thì giá thuốc BVTV cũng lại tăng theo. Hiện nay, đang vào vụ đông xuân 2021 - 2022. Các loại thuốc sử dụng nhiều đều có giá tăng mạnh, loại nào ít sử dụng thì giá tăng ít hơn. Mỗi chai thuốc tăng từ 10 – 20 ngàn đồng.

"Cái gì cũng tăng nên chi phí sản xuất lúa đội lên quá trời. Vụ này sao thấy phập phồng quá, không biết làm lúa có lời không nữa. Giá thuốc BVTV tăng như vậy, tôi cũng không dám mua các loại thuốc đắt tiền để xài mà chỉ dám mua loại rẻ rẻ về xài đỡ. Bây giờ mình xài tiết kiệm, cần lắm mới mang ra phun để tiết giảm chi phí được đồng nào hay đồng nấy...”, anh Tuấn lắc đầu ngao ngán.

Hiện nay các loại thuốc BVTV tăng giá trung bình từ 10 - 30%, một số loại thuốc cá biệt tăng đến 50%, điển hình như thuốc trừ cỏ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay các loại thuốc BVTV tăng giá trung bình từ 10 - 30%, một số loại thuốc cá biệt tăng đến 50%, điển hình như thuốc trừ cỏ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn anh Lê Văn Triều ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ chuẩn bị xuống giống 1,5 ha lúa đông xuân ngán ngẩm: Mấy năm gần đây, nông dân làm lúa không còn lãi cao như trước nữa, vì làm bao nhiêu đều đổ vào phân bón và thuốc BVTV, thậm chí có vụ còn lỗ.

Năm nay, giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh thật sự là một gánh nặng lớn đối với nông dân trồng lúa nói riêng và bà con sản xuất nông nghiệp nói chung. Bởi chi phí đầu tư sẽ tăng nhiều hơn, trong khi giá lúa ngày một giảm. 

Giá thuốc BVTV tuy không tăng mạnh như phân bón nhưng cũng tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm nay. Tuy nhiên, mức giá trên là do anh Triều mua bằng hình thức trả tiền liền với chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp, còn những hộ mua thiếu thì mức giá đội lên cao hơn...

Giá thuốc trừ cỏ tăng giá 50% vẫn "cháy hàng"

Anh Nguyễn Nhi Phương, chủ Đại lý kinh doanh Vật tư nông nghiệp Phương Xuyên ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) cho hay: Hiện nay, do một số mặt hàng thuốc BVTV bắt đầu khan hiếm cục bộ nên giá tăng trung bình từ 10 - 30%.

Hầu hết các mặt hàng này nông dân đều có nhu cầu sử dụng cao khi vụ đông xuân đang sắp tới. Cá biệt, một số mặt hàng nhóm thuốc trừ cỏ gốc Glufosinate Amonium tăng đến 50% (tăng khoảng 50.000 đồng/sản phẩm) mà không có hàng để bán. Nguyên nhân do tình hình sản xuất của các công ty tại TP. HCM gặp khó khăn về nhập nguyên liệu, dẫn đến khan hiếm nguồn hàng.

Giá thuốc BVTV tăng cao cũng đang gây áp lực cho nông dân vì phải bỏ ra chi phí đầu tư nhiều. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá thuốc BVTV tăng cao cũng đang gây áp lực cho nông dân vì phải bỏ ra chi phí đầu tư nhiều. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Delta (TP Cần Thơ) cho biết: Thông thường vào thời điểm này, Công ty sản xuất số lượng lớn thuốc BVTV để cung ứng cho thị trường ĐBSCL và miền Đông Nam bộ phục vụ cho vụ đông xuân.

Thế nhưng đến thời điểm này, Công ty chỉ có thể sản xuất khoảng 60 - 70% sản lượng thuốc BVTV so với mọi năm. Nguyên nhân là trong thời gian dịch bệnh Covid-19, nguyên liệu nhập từ nước ngoài về gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, nguồn hàng trong nước khan hiếm cục bộ nên giá có chiều hướng tăng cao hơn trước đây. Trong đó 2 nhóm thuốc có tỷ lệ tăng giá cao nhất là thuốc trừ cỏ, thuốc diệt ốc… Đây lại là 2 nhóm thuốc BVTV mà nông dân ai cũng phải xài để sử dụng đầu vụ lúa đông xuân.

Theo ông Cường, kể từ tháng 8 đến nay, nhiều đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông dân điện thoại đến Công ty đặt hàng trước do sợ đến cận kề vụ lúa đông xuân giá thuốc BVTV tiếp tục tăng nữa, nhưng Công ty cũng không có đủ hàng để đáp ứng nên đành phải từ chối rất nhiều đơn hàng.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh An Giang cho biết: Hiện nay giá vật tư đầu vào đang tăng mạnh khiến nông dân trồng lúa gặp khó khăn, trong khi đầu ra sản phẩm nông sản, đặc biệt là giá lúa không tăng.

Để bình ổn giá vật tư nông nghiệp, thời gian tới ngành nông nghiệp cùng các ngành liên quan trong tỉnh sẽ có nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ và tích trữ, góp phần ổn định giá phân bón và thuốc BVTV.

Theo ông Hiền, với chi phí đầu vào như hiện nay, nông dân trồng lúa khó có lợi nhuận. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật như: IPM, “3 giảm 3 tăng” và  "1 phải 5 giảm"... Đồng thời, phải tưới nước tiết kiệm, khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp để sử dụng hiệu quả phân bón và thuốc BVTV nhằm tiết kiệm giảm chi phí...

Với chi phí nhiều loại vật tư tăng cao như hiện nay, nông dân làm lúa khó có lãi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Với chi phí nhiều loại vật tư tăng cao như hiện nay, nông dân làm lúa khó có lãi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long cho biết: Bên cạnh giá phân bón tăng mạnh, giá thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh cũng tăng cao. Một số mặt hàng có biên độ tăng cao vài chục ngàn đồng/sản phẩm. Chẳng hạn như thuốc trừ cỏ Sofit vụ trước đại lý bán ra khoảng 230.000 đồng/chai thì vụ này bán ra khoảng 260.000 – 270.000 đồng/chai.

Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh thời gian qua đã đẩy mạnh khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm hơn, tránh lãng phí và tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách khi phun). Khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom bao bì thuốc để đúng nơi quy định nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Theo ông Phúc, tính đến cuối tháng 10, diện tích lúa thu đông 2021 ở Vĩnh Long đã xuống giống được 42.318 ha, đạt 91% so kế hoạch vụ, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Các trà lúa đang sinh trưởng và phát triển khá tốt qua các giai đoạn đòng - trỗ - chắc xanh - chín.

Cao điểm về nhu cầu sử dụng thuốc BVTV

Lúa thu đông 2021 của Vĩnh Long hiện đã thu hoạch 14.960 ha với năng suất bình quân 5,87 tấn/ha. Một số nơi đang chuẩn bị làm đất xuống giống vụ đông xuân 2021 - 2022. Sinh vật gây hại trong tuần qua chủ yếu ở mức nhẹ trên lúa giai đoạn chắc xanh - chín.

Trước tình hình giá thuốc BVTV tăng cao, ngành nông nghiệp các địa phương DDBSCL khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, tránh lãng phí và tuân thủ theo nguyên tắc '4 đúng'. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trước tình hình giá thuốc BVTV tăng cao, ngành nông nghiệp các địa phương DDBSCL khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, tránh lãng phí và tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng". Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long, tuần qua, diện tích lúa nhiễm bệnh trong tuần 4.050 ha, tăng 357 ha so với tuần trước do tình hình thời tiết hiện nay mưa liên tục, ẩm độ không khí tăng cao. Đồng thời kết hợp giai đoạn lúa trỗ - chín rất thích hợp cho bệnh hại phát sinh và phát triển mạnh (nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá) nhưng tỷ lệ nhiễm nhẹ đến trung bình.

Bệnh đạo ôn diện tích nhiễm 1.169 ha, giảm 125 ha so với tuần trước, trong đó đạo ôn cổ bông nhiễm trên 959 ha, tỷ lệ nhiễm chủ yếu 5 - 8% trên lúa giai đoạn trỗ - chín. Bệnh cháy bìa lá diện tích nhiễm 745 ha, tăng 19 ha so với tuần trước, tỷ lệ nhiễm phổ biến 6 - 12%, có nơi nhiễm đến 20% tại huyện Vũng Liêm, phổ biến trên lúa giai đoạn đòng - trỗ. Bệnh lem lép hạt diện tích nhiễm 1.638 ha, tăng 401 ha so với tuần trước, tỷ lệ nhiễm 5 - 10% trên trà lúa trỗ - chín.

Ngoài ra, các đối tượng khác như: Rầy nâu, sâu cuốn lá, chuột, sâu đục thân, bọ xít hôi, sâu cắn chẽn, đốm vằn, vàng lá chín sớm, lúa cỏ… có xuất hiện nhưng chỉ gây hại nhẹ. Vì vậy nhu cầu sử dụng thuốc BVTV hiện nay của nông dân đang tăng cao nhằm bảo vệ năng suất lúa thu đông và chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân tới.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.