| Hotline: 0983.970.780

Hết ô nhiễm nhờ biogas và cống thoát nước thải

Thứ Hai 28/11/2016 , 08:58 (GMT+7)

Nhờ các hộ chăn nuôi đẩy mạnh phong trào làm hầm biogas và xây hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi khép kín nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại Tân Thạnh Đông đã được giải quyết một cách cơ bản.

14-31-20_het-o-nhiem-nho-biogs-v-cong-thot-nuoc-thi
Một đoạn cống vừa được lắp đặt của hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi khép kín ở Tân Thạnh Đông (Ảnh: PV)
 

Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM) là xã có đàn bò sữa rất lớn. Cách đây không lâu, môi trường là vấn nạn lớn của xã. Nhưng mấy năm qua, nhờ các hộ chăn nuôi đẩy mạnh phong trào làm hầm biogas và xây hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi khép kín nên tình trạng ô nhiễm môi trường đã được giải quyết một cách cơ bản.
 

Đi đâu cũng thấy mùi hôi

Mấy năm trước, về Tân Thạnh Đông, đi đâu cũng thấy mùi hôi, mùi khai, mùi khăm khẳm của phân bò, nước tiểu bò. Trên những con đường trong xã, phân bò rơi rải rác đây đó. Phân bò, nước tiểu bò từ các trang trại chảy tràn vào hệ thống mương thoát nước thải khi bà con tắm cho bò, rửa dọn chuồng trại cho chúng.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Tân Thạnh Đông, thừa nhận: “Hồi ấy, các hộ chăn nuôi cứ vô tư xả nước tắm bò mà trong đó có lẫn cả phân, nước tiểu, rác rưởi..., ra đường. Do số hộ chăn nuôi quá nhiều, hộ nào cũng làm như vậy, nên không có ai phản ứng, khiếu nại lên xã. Mọi người cứ mặc nhiên chấp nhận”.

Tân Thạnh Đông hiện có hơn 8.000 hộ, khoảng 37.000 nhân khẩu mà số lượng bò sữa lên tới khoảng 20.000 con, trong khi ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường của người chăn nuôi còn thấp, thì tình trạng ô nhiễm từ chăn nuôi như trên là khó tránh khỏi. Nhưng không thể sống chung mãi với ô nhiễm.

Trước thực trạng đó, cộng với việc phải đạt được tiêu chí môi trường để công nhận xã NTM, UBND xã Tân Thạnh Đông đã nỗ lực tìm các giải pháp giải bài toán môi trường chăn nuôi. 2 phương án được đưa ra là mỗi hộ chăn nuôi phải có một hầm biogas và xây dựng hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi kép kín.
 

Mỗi hộ 1 hầm biogas

Với chương trình mỗi hộ chăn nuôi 1 hầm biogas, xã có một thuận lợi là có sự hỗ trợ từ Dự án RRA cho những hộ nuôi bò sữa xây dựng hầm biogas. Theo đó, mỗi hộ làm hầm biogas sẽ được dự án hỗ trợ 4,2 triệu đồng, phần còn lại, nông dân bỏ ra.

Ông Phạm Đăng Bảo, một hộ nuôi bò sữa ở ấp 9B nhận xét: “Mỗi hầm biogas có chi phí 15 triệu đồng. Nông dân đã được RRA hỗ trợ 4,2 triệu, chỉ còn phải bỏ ra khoảng 11 triệu, là số tiền không lớn đối với người nuôi bò sữa. Trong khi đó, lợi ích từ hầm biogas thì ai cũng thấy rõ.

Như gia đình tôi, nuôi hơn 20 con bò sữa. Từ khi làm xong hầm biogas, bao nhiêu nước tiểu, nước tắm cho bò cho hết xuống đấy, hơi gas sản sinh ra dùng thoải mái cả ngày không hết, kể cả những hôm nấu tiệc. Đúng là một công đôi việc.

Bình thường, một hộ có 5 - 6 con bò sữa, lượng phân, nước thải đưa xuống hầm biogas cũng đã đủ tạo khí gas dùng cả ngày. Cái lợi lớn hơn từ khi có hầm biogas là người chăn nuôi không còn xả phân, nước thải thẳng ra đường, mương rãnh như trước nữa. Nhờ đó mùi hôi thối giảm hẳn. Thật kỳ diệu”.

Chính nhờ lợi ích thiết thục như vậy mà phong trào xây dựng hầm biogas đã phát triển mạnh mẽ ở Tân Thạnh Đông. Theo bà Dương Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông, đến nay đã có khoảng 80% hộ chăn nuôi trên địa bàn xã làm hầm biogas. Kết quả, lượng chất thải chăn nuôi thải ra của các ấp đã giảm thiểu rất nhiều.
 

Cống thoát nước thải chăn nuôi

Chương trình xây dựng hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi khép kín trên toàn xã Tân Thạnh Đông được thực hiện theo hình thức vận động các hộ chăn nuôi tham gia làm cống.

14-31-20_het-o-nhiem-nho-biogs-v-cong-thot-nuoc-thi-nh-2
Một điểm tập kết nước thải chăn nuôi (Ảnh: PV)
 

Theo đó, hệ thống cống này sẽ bám theo từng con đường trong xã. Hệ thống cống đi qua phần đất nhà nào, nhà ấy sẽ tự bỏ tiền làm phần cống ấy theo thiết kế, quy định chung. Hệ thống cống có các điểm tập kết nước thải chăn nuôi để nông dân lấy nước tưới cho các ruộng trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

Tuy không được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước hay một dự án nào đó, nhưng phần lớn các hộ chăn nuôi ở Tân Thạnh Đông đã tự bỏ tiền túi ra đầu tư làm cống. Bởi làm cống không chỉ cải thiện môi trường sống của gia đình, môi trường chung của ấp, của xã, mà còn là cơ hội để các hộ chỉnh trang lại phía trước nhà cho sạch đẹp, thẩm mỹ hơn.

Thế là sau mấy năm thực hiện, hệ thống cống thoát nước thải chăn nuôi đã được khép kín trên phần lớn các con đường trong xã. Đó quả là một kỳ tích.

Từ khi có hệ thống cống, các hộ chăn nuôi bò sữa đã thực hiện khá nghiêm túc quy định nước tắm bò đưa vào xử lý trong hầm biogas đến khi không còn lẫn phân, nước trong ..., mới được đưa vào hệ thống cống để dẫn tới nơi tập kết nước thải.

 

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…