| Hotline: 0983.970.780

Về nghi vấn vàng, bạc 'bay hơi' của tượng Quốc Tổ Quốc Mẫu:

Hiện vật cung tiến chạy sang túi khác?

Thứ Ba 21/04/2015 , 10:54 (GMT+7)

Một nhân vật "bí ẩn" bỗng được vời về Thái Nguyên chủ trì toàn bộ khâu đúc tượng, để rồi ông có những thỏa thuận kinh tế quá thoáng dẫn đến sự nghi ngờ của dư luận.

Sau khi NNVN đăng tải 4 bài viết, phản ánh về cách làm mập mờ của Ban Tổ chức Đại lễ đúc tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ diễn ra tại chùa Phù Liễn TP Thái Nguyên vào ngày Giỗ Tổ năm Giáp Ngọ 2014, cho đến hôm nay 21/4/2015, cả 2 pho tượng vẫn chưa đưa về cho người dân Thái Nguyên thờ phụng, càng làm cho người dân thêm bức xúc trước cách làm việc của Ban Tổ chức Đại lễ đúc tượng.

Đặc biệt là sự chấp nhận im lặng của Chính quyền TP Thái Nguyên trước nỗi lo của người dân là tượng thật đúc tại TP Thái Nguyên có lẫn nhiều vàng, bạc rất có thể đã bị đánh tráo, càng làm cho dư luận băn khoăn, bức xúc.

Càng khó hiểu hơn khi có sự xuất hiện của một nhân vật “bí ẩn” là ông Nguyễn Đình Lợi, người được giao làm Trưởng Ban tổ chức Đại lễ đúc tượng.

Ông Lợi không nằm trong danh sách Ban trị sự Giáo Hội phật Giáo tỉnh Thái Nguyên, không có hộ khẩu thường trú tại Thái Nguyên và không phải công chức, viên chức của TP Thái Nguyên, cũng chưa thực hiện “dự án” nào liên quan đến đúc tượng tại Thái Nguyên.

Với một nhân vật “bí ẩn” như vậy, không hiểu sao lại được chính quyền TP Thái Nguyên tin dùng tuyệt đối, “hạ bút phê” để bổ nhiệm ông làm Trưởng Ban tổ chức Đại lễ đúc tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ.

Điều đó được thể hiện tại quyết định số 3977/QĐ-UBND, ngày 3/4/2014 do ông Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên ký, ngay tại mục 1, của điều 1 đã chỉ rõ: “Ông Nguyễn Đình Lợi – Ủy viên Quản lý Quỹ Tu bổ Đền Hùng Phú Thọ - Trưởng Ban” và Đại đức Thích Nguyên Thành – Trưởng Ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Thái Nguyên làm Phó Ban, ông Vũ Xuân Cường – Trưởng Phòng Văn hoá thông tin TP làm Phó Ban cùng nhiều cấp Phó Phòng của TP và Chủ tịch UBND Phường, chỉ được mời tham gia Uỷ viên…

Liệu cái danh “Ủy viên Quản lý Quỹ Tu bổ Đền Hùng Phú Thọ” đã đủ để ông Nguyễn Đình Lợi được bổ nhiệm sang Thái Nguyên làm Trưởng Ban tổ chức Đại lễ đúc tượng Quốc Tổ và Quốc Mẫu? Để rồi ông được toàn quyền vừa phân công nhiệm vụ cho các thành viên điều hành công việc Đại lễ, vừa là người trực tiếp đi thực hiện đồng kinh tế với DNTN Cơ khí Đúc Tân Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Trong hợp đồng có ghi rất rõ về quy cách tượng đó là: Tượng ngồi, cao 205 cm. Chất lượng đồng đỏ 92%, thiếc 5%, chì 3%. Mỗi pho tượng có trọng lượng khoảng từ 1.100 ki lô gam đến 1.200 ki lô gam. Với tổng số tiền 2 pho tượng là 980 triệu đồng.

Nếu nhìn vào Bản Hợp đồng kinh tế, đã thấy ông Nguyễn Đình Lợi, Trưởng Ban tổ chức Đại lễ đúc tượng Quốc Tổ và Quốc Mẫu tại chùa Phù Liễn TP Thái Nguyên rất thoáng với bên B (Bên thuê đúc tượng), được thể hiện như sau:

Trong đại lễ đúc tượng, nhiều người bỏ vàng, bạc, kim loại quý vào nồi đúc, nhưng ông Nguyễn Đình Lợi đã không ghi rõ lượng vàng, bạc vào trong bản hợp đồng nói trên.

Cũng trong buổi lễ đúc tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ tại chùa Phù Liễn TP Thái Nguyên, chính ông Lợi là người thay mặt Ban Tổ chức, đón nhận cả khay đựng kim loại quý, toàn là vàng, bạc, sau đó chuyển vào nồi đúc trước sự chứng kiến của đông đảo người dân, nhưng trong các điều khoản của hợp đồng không hề nhắc đến lượng vàng, bạc.

Không những thế, hợp đồng còn cho phép doanh nghiệp đưa tượng về tận nhà xưởng của họ tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Nam Định để hoàn thiện. Do đó, sau khi bị “mài gọt” suốt gần 1 năm, ai dám chắc số vàng, bạc nằm trong tượng không bị “bay hơi”?

Với nhiều cái thoáng như vậy, phía Giáo Hội phật giáo tỉnh Thái Nguyên và chính quyền địa phương muốn tiến hành giám định chất lượng đối với 2 pho tượng, chắc sẽ “hoà cả làng” vì hợp đồng không có ghi chữ nào là tượng có đúc lẫn vàng, bạc.

Do đó, nếu phát hiện trong mỗi pho tượng không còn tí vàng, bạc nào, thì bên A là Giáo Hội phật giáo tỉnh Thái Nguyên sẽ không có căn cứ để khiếu nại doanh nghiệp. Cuối cùng, chỉ có những nhà hảo tâm cung tiến vàng, bạc chịu thiệt thòi.

Cũng trong khoản mục của hợp đồng thuê đúc, ông Nguyễn Đình Lợi còn rất thoáng ở chỗ cân nặng của mỗi pho tượng không rõ ràng, rất dễ thiệt thòi cho bên A. Vì trong thoả thuận gữa bên A và bên B, phần cân nặng cho phép giao động từ 1,1 tấn đến 1,2 tấn. Có nghĩa là doanh nghiệp đúc xong, mài gọt sạch sẽ rồi cân nặng đạt 1,1 tấn đã đủ điều kiện bàn giao cho bên A. Nếu thế, sẽ chẳng ai dại gì làm đủ 1,2 tấn, để vừa khiêng nặng, vừa tốn thêm đồng.

Giả thiết đặt ra rằng, nếu DNTN cơ khí Đúc Tân Tiến thực hiện chuẩn chỉ đối với cả 2 pho tượng, đó là mỗi pho chỉ nặng đủ 1,1 tấn. Vậy số lượng đồng dôi dư mỗi pho khoảng 1 tạ đồng đỏ, người dân Thái Nguyên sẽ mất là bao nhiêu tiền?

Phải chăng chính quyền TP Thái Nguyên đã tạo cơ chế cho ông Nguyễn Đình Lợi được phép tự “bốc ù” số tiền, vàng, bạc của các phật tử, các nhà hảo tâm cung tiến? Phải chăng “tiền chùa” nên Ban Tổ chức Đại lễ đúc tượng muốn chi tiêu thế nào cũng được?

Những quyết định của ông Nguyễn Đình Lợi cho thấy sự ăn khớp với câu nói “bất hủ” của Đại đức Thích Nguyên Thành - Trụ trì chùa Phù Liễn, Phó Ban tổ chức Đại lễ đúc tượng Quốc Tổ và Quốc Mẫu TP Thái Nguyên trong lúc nổi khùng với phóng viên: “…Phật tử người ta phát tâm hiến tặng, chứ có phải tiền nhà nước các ông đâu mà các ông hỏi...”.

Có thể nhận thấy rằng, những việc làm mập mờ của Ban Tổ chức và cách chấp nhận im lặng của chính quyền TP Thái Nguyên, cùng với sự né tránh trả lời báo chí của Đại đức Thích Nguyên Thành, càng làm cho dư luận rộng đường suy đoán: Tiền, vàng, bạc “bay hơi” khỏi nồi đúc tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ, tại chùa Phù Liễn TP Thái Nguyên có lẽ đã được toan tính kỹ lưỡng.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.