| Hotline: 0983.970.780

Hộ Khmer thoát nghèo sau 2 năm làm nông nghiệp tuần hoàn

Thứ Sáu 25/11/2022 , 16:22 (GMT+7)

Một gia đình dân tộc Khmer ở tỉnh Hậu Giang đã vươn lên thoát nghèo sau 2 năm xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, giúp giảm tối đa chi phí, tăng lợi nhuận.

Nằm sâu trong vùng nông thôn ở ấp Tân Qưới Kinh, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Men theo con đường đá nhỏ, chỉ vỏn vẹn đủ lọt một chiếc xe máy, chúng tôi tìm đến gia đình anh Tô Hùng, hộ dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo nhờ xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Trên diện tích hơn 8 công đất (1 công là 1.000m2) từng là nơi anh Hùng phát triển kinh tế khá thành công nhờ trồng dưa hấu và nấm bào ngư. Anh được xem là người đi tiên phong, mang loại trái cây này đến với vùng đất Tân Qưới Kinh. Theo lời anh Hùng, trồng dưa hấu ổn định và “ngon lắm”.

Thế nhưng năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, đầu ra dưa hấu bấp bênh, nguồn nguyên liệu trồng nấm bào ngư lại thiếu hụt. Từ đó anh quyết định chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế sang nuôi bò. Anh Hùng mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng, vay vốn ngân hàng chính sách thêm 100 triệu đồng để đầu tư một cách bài bản cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng nguồn phế, phụ phẩm.

20220904_102717

Khu đất đang trồng cỏ voi của gia đình anh Tô Hùng. Ảnh: Kim Anh.

3 công đất được anh sử dụng để trồng cỏ voi, tạo nguồn thức ăn ổn định để nuôi 6 con bò. Qua lứa đầu tiên xuất bán, lãi hơn 100 triệu đồng. Từ nguồn lãi này, 50% anh dùng để trả nợ ngân hàng, 50% còn lại được tái đầu tư mua thêm 7 con bò. Đến nay, tổng đàn bò đã lên đến 9 con. Mặt khác anh đầu tư nuôi thêm 10 con dê để khai thác triệt để cỏ voi làm thức ăn. Anh Hùng cho biết, hiện tại anh đang nghiên cứu kỹ thuật cho bò sinh sản, để phát triển quy mô đàn bò và tiết kiệm được chi phí đầu tư con giống.

Anh Hùng tính toán, trung bình mỗi ngày, mỗi con bò ăn 40kg cỏ, chia thành 6 cử ăn, tương đương chi phí thức ăn khoảng 20.000 đồng/con. Nhờ trồng cỏ voi “nhẹ chi phí phân bón, nuôi bò tận dụng phế phẩm nên mới thu lãi cao”, anh Hùng chia sẻ.

Ảnh 1

Khu chuồng đang nuôi bò, mở đầu cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn của gia đình anh Tô Hùng. Ảnh: Kim Anh.

Công đoạn tiếp theo trong mô hình nông nghiệp tuần hoàn này, anh Hùng tận dụng nguồn phân của bò và dê kết hợp với men vi sinh, ủ trong thời gian 1 tháng. Nguồn phân hữu cơ sau khi được ủ sẽ trở thành nguồn thức ăn cho trùn quế. Từ trùn quế, anh Hùng có thể khai thác gấp đôi giá trị mà nó mang lại. Trùn quế vừa là nguồn thức ăn chính cho 3.000 con lươn, phân trùn quế trở thành phân bón hữu cơ bón cho khu vườn đang trồng mướp và một số loại cây ăn trái khác.

Ảnh 3

Trùn quế vừa là nguồn thức ăn cho lươn, phân trùn quế còn được tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Ảnh: Kim Anh.

Điểm đặc biệt của những con lươn này chính là lươn đồng, được bắt từ sông, sau đó được anh thuần nuôi lại trong bể xi măng. Anh Hùng chia sẻ, hiện nay mô hình nuôi lươn đang rất phát triển, anh đang tìm hiểu, nghiên cứu “bí quyết” cho lươn sinh sản.

20220904_103349-01

3.000 con lươn đồng được anh Tô Hùng mang từ sông lên thuần nuôi trong bể xi măng. Ảnh: Kim Anh.

Dẫn chúng tôi đến tham quan vườn mướp Nhật rộng 5 công đất, anh Hùng khẳng định đây là nguồn thu nhập hàng ngày của gia đình. Trung bình mỗi ngày, gia đình cung cấp cho các thương lái từ 200 - 300kg mướp, với giá bán khoảng 7.000 đồng/kg. Mướp phát triển xanh tốt, nhờ tận dụng nguồn phân từ trùn quế để đắp cho các bờ rẫy. Hơn nữa, còn giúp anh Hùng giảm chi phí đầu tư phân hóa lên đến 50%.

Bên cạnh đó, hiện nay anh cũng tận dụng phần đất trống trồng xen 38 gốc sầu riêng. Những bước đi đột phá này, đã giúp anh Hùng tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, hiệu quả, giảm thiểu tác hại đến môi trường, đặc biệt là giúp gia đình có được nguồn thu nhập ổn định hơn 120 triệu đồng/năm. Thành công mô hình mang lại, giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn, từ đó anh mạnh dạn xin thoát nghèo, san sẻ sự hỗ trợ lại cho bà con dân tộc Khmer trong ấp.

Ảnh 2

Khu vườn đang trồng mướp Nhật, mang về thu nhập ổn định cho gia đình anh Hùng. Ảnh: Kim Anh.

Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Hùng tự tin khẳng định sẽ nhân rộng mô hình, xây dựng thêm chuồng trại để mở rộng quy mô nuôi bò. “Nếu phát triển tốt, hy vọng sang năm 2023, có thể xây dựng được ngôi nhà mới khang trang hơn”, anh Hùng cười, nói về dự tính sắp tới.

Hiện nay, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn đang ngày càng phát triển và mở rộng tại huyện Phụng Hiệp. Đặc biệt, mô hình đã lan rộng mạnh mẽ đến đông đảo bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn, giúp bà con thay đổi cách làm, hướng đến tự chủ kinh tế, ổn định cuộc sống.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất