| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ người dân ổn định sản xuất trước Tết Nguyên đán

Thứ Năm 12/01/2023 , 18:44 (GMT+7)

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương bằng mọi giá, mọi cách, mọi nguồn lực để hỗ trợ cho bà con tiếp tục xuống giống trước những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nhiều diện tích lúa ở Quảng Ngãi bị ngập úng do mưa liên tục nhiều ngày qua. Ảnh: L.K.

Nhiều diện tích lúa ở Quảng Ngãi bị ngập úng do mưa liên tục nhiều ngày qua. Ảnh: L.K.

Bước vào vụ đông xuân 2022 – 2023, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng hướng dẫn về cơ cấu giống, lịch thời vụ, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết, sinh vật gây hại đối với các cây trồng chính. Hướng dẫn các địa phương gieo trồng đúng thời vụ, tích cực chăm sóc bảo vệ cho cây lúa.

Đồng thời, tăng cường công tác dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại trên cây trồng, thông tin dự tính, dự báo được cập nhật thường xuyên và có hướng dẫn kịp thời tới người nông dân; tuyên truyền khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng ở những diện tích trồng lúa không chủ động nước, kém hiệu quả sang cây trồng cạn ngắn ngày nhằm nâng cao được giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

“Chúng tôi cũng hướng dẫn nông dân tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất như chương trình IPM, IPHM, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, chương trình “1 phải, 5 giảm”… sử dụng giống lúa kỹ thuật, chọn giống thích hợp mùa vụ, gieo sạ mật độ hợp lý, diệt trừ cỏ dại kịp thời, bón phân cân đối...”, ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi thông tin.

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ được 36.088,7ha/37.767,8ha lúa vụ đông xuân (đạt 95,6% kế hoạch). Hầu hết các địa phương đều sử dụng giống ngắn và trung ngày, bao gồm một số loại giống chủ lực như: ĐH 815-6, DT45, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, TBR225, ML232, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, HN6, TBR1,…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (áo nâu) đề nghị các địa phương hỗ trợ người dân để ổn định sản xuất sau những thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: L.K.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (áo nâu) đề nghị các địa phương hỗ trợ người dân để ổn định sản xuất sau những thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: L.K.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, nếu như cùng thời điểm này vào năm trước xuất hiện lũ làm hơn 8.000ha lúa bị ngập úng thì năm nay vào đầu vụ sản xuất chỉ có mưa. Mặc dù mưa không lớn nhưng kéo dài liên tục nhiều ngày cũng khiến nước trên các sông dâng lên, một số diện tích lúa đông xuân ở vùng trũng bị ngập.

Qua thống kê sơ bộ ban đầu, vụ đông xuân 2022 – 2023 tỉnh Quảng Ngãi có 1.356,8ha lúa ngập úng phải gieo sại lại (huyện Sơn Tịnh: 169ha, Nghĩa Hành: 8,8ha, Tư Nghĩa: 250ha, Mộ Đức: 929ha); diện tích lúa ngập úng: 668ha (huyện Mộ Đức: 368ha, Đức Phổ: 300ha). Cùng với đó, một ít diện tích cũng bị chuột và ốc bươu vàng phá hoại phải gieo sạ lại.

Qua khảo sát tình hình thực tế sản xuất vụ đông xuân tại tỉnh Quảng Ngãi, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho rằng, trong 4 ngày vừa qua, khu vực từ Quảng Trị cho đến Ninh Thuận có tổng lượng mưa rất lớn, có nơi lên đến 400mm đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của khu vực. Trong đó, Quảng Ngãi và Phú Yên là 2 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất với nhiều diện tích lúa bị ngập úng.

Nhận định tình hình, Cục Trồng trọt và các địa phương đều đồng quan điểm rằng việc ngập úng ngoài do mưa trái mùa với lưu lượng cao thì còn phụ thuộc vào địa hình sản xuất, không phải xuất phát từ việc bố trí lịch thời vụ hay người dân gieo sạ không đúng theo chỉ đạo, quy trình kỹ thuật. Đây là tác động của yếu tố thiên tai.

Ông Tùng đề nghị các địa phương bằng mọi giá, mọi cách, mọi nguồn lực để hỗ trợ cho bà con tiếp tục xuống giống. Nếu những diện tích nào không thể xuống giống nữa thì buộc phải lùi lịch thời vụ lại. Với những thiệt hại của bà con thì sẽ có hình thức hỗ trợ theo Nghị định 02 do ảnh hưởng của thiên tai hoặc chính sách hỗ trợ giống dự trữ quốc gia.

“Việc hỗ trợ theo 2 chính sách này không thể giải quyết trong thời gian nhanh được vì phải qua nhiều bước nên cần cân nhắc và tìm cách thích ứng linh hoạt. Các huyện có thể mua của các doanh nghiệp tạm ứng trước sau đó chờ Nghị định 02 để trả lại, làm sao cho người dân ổn định sản xuất trước Tết Nguyên đán.

Đối với những trà lúa nước có thể rút và vượt qua được thì ngành chức năng cũng nên có thông báo, hướng dẫn quy trình chăm sóc càng sớm càng tốt đến bà con nông dân trên các phương tiện truyền thông, lồng ghép các giải pháp khắc phục gửi đến các địa phương”, ông Tùng nói.

Xem thêm
Chuỗi chăn nuôi gà '3 chung' Gò Công

TIỀN GIANG Các thành viên của HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công cùng nhau chăn nuôi gà theo 3 chung, đó là mua chung, nuôi chung và bán chung.

Đến tận nhà tiêm vacxin phòng dại cho chó, mèo

CẦN THƠ Dại là loại bệnh rất nguy hiểm xuất hiện trên các loại vật nuôi như chó, mèo và có thể truyền nhiễm sang người gây nguy hại đến tính mạng.

Chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Cần giám sát độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch trước khi vận hành đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.