| Hotline: 0983.970.780

Hoa ly đổi đời những làng hoa Hà Nội

Thứ Ba 07/03/2023 , 10:45 (GMT+7)

Hương thơm, sắc đẹp, hoa ly ngày càng chiếm trọn thị hiếu của người tiêu dùng. Nhờ cây hoa ly, nông dân ngoại thành Hà Nội đã phất lên nhanh chóng những năm gần đây.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, làng hoa Mê Linh (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đã rất chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào canh tác rất nhiều giống hoa mới, được thị trường ưa chuộng. Trước đây, nói tới Mê Linh, thường người ta chỉ nghĩ đến một làng hoa chuyên canh một giống hoa hồng, thế nhưng những năm gần đây, làng hoa này đã không còn “độc canh” chỉ hoa hồng, mà thay vào đó là rất nhiều giống, loài hoa đẹp, có giá trị kinh tế cao. Một trong số các giống hoa đã và đang giúp nhiều nhà vườn ở Mê Linh ăn nên làm ra, đó là cây hoa ly.

Nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên những năm gần đây, những nông dân chuyển đổi sang trồng hoa ly ở Hà Nội đã giàu lên nhanh chóng.

Nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên những năm gần đây, những nông dân chuyển đổi sang trồng hoa ly ở Hà Nội đã giàu lên nhanh chóng. Ảnh: Lê Kết.

Hoa ly đẹp, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, tiêu thụ mạnh quanh năm, giá trị kinh tế lại cao nên mặc dù không “dễ tính” giống như hoa hồng hay các loài hoa khác, nhưng nhiều nhà vườn ở đây vẫn quyết định đầu tư trồng bởi họ biết rằng nếu thành công thì chắc chắn sẽ… đổi đời. Và thực tế đã có rất nhiều hộ dân đã trở nên khấm khá chỉ sau vài ba năm làm bạn với cây hoa ly, điển hình là chị Lê Thu Hà, năm nay 46 tuổi ở thôn Liễu Trì, là một trong số những người đầu tiên của xã đưa cây hoa ly về trồng.

Chi Hà cho biết, ấp ủ đam mê làm giàu từ nông nghiệp và chút ít kinh nghiệm học hỏi được qua vài người bạn ở làng hoa Quảng Bá, Nhật Tân nên chị đã quyết tâm phá bỏ một số diện tích hoa hồng cho thu nhập kém hiệu quả để chuyển sang trồng ly. Bước đầu, việc trồng hoa ly gặp rất nhiều khó khăn vì đầu tư vốn liếng mua giống lớn, kinh nghiệm thực tế chưa có, đầu ra của hoa chỉ phụ thuộc vào việc cắt mang bán tại các phiên chợ sáng chứ chưa có thương lái bao tiêu ổn định… Chính vì vậy những lứa hoa đầu hiệu quả còn rất thấp, thậm chí “lõm vốn”.

Thế nhưng với ý chí làm giàu, chị đã kiên trì học hỏi các nơi cũng như qua mạng internet; tìm nguồn cung cấp giống tốt và mạnh dạn dốc toàn tâm toàn ý vào đầu tư vào mô hình trồng hoa ly. Không chỉ trồng trên diện tích 3 sào đất của gia đình, sau khi các ruộng hoa ly đã cho thu nhập khá, chị Hà còn thuê thêm 3 sào của hàng xóm để mở rộng trang trại hoa, tiện cho việc đầu tư.

Hiện nay, giá hoa ly đã phần nào

Hiện nay, giá hoa ly đã phần nào "hạ sốt", tuy nhiên đây vẫn là loài hoa được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: Lê Kết.

Sau khoảng 3 năm vất vả trên đồng ruộng, với nguồn củ giống nhập từ Pháp, Hà Lan, Nhật và một vài giống nội của Đà Lạt, trang trại hoa ly đã mang lại cho gia đình chị Hà nguồn thu nhập khá, rất ổn định. Giá bán hoa ly tại ruộng thường từ 15.000 - 20.000 đồng/cành. Một số giống ly hoa trắng gân xanh, có mùi thơm tựa như loài hoa oải hương giá rất cao, có khi tới 30 - 50.000 đồng/cành vào dịp lễ Tết.

Chừng vài ba năm trở về trước, khi đó giá hoa ly còn “sốt nóng”, những đợt cao điểm, các ngày lễ, dịp Tết loại hoa ly to, nhiều nụ giá bán buôn tại ruộng đã là 30.000 - 40.000 đồng/cành, loại ly cành ngắn giá cũng trên dưới 20.000 đồng/cành.

Theo chị Hà, trong khoảng 5 năm trở lại đây, với khoảng diện tích 6 sào đất trồng hoa ly, doanh thu của gia đình chị mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động trong xã với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Vụ hoa ly Tết Quý Mão mới đây, dẫu giá bán hoa ly không được cao như các năm trước, khi chỉ đạt từ 15 - 30.000 đồng/cành (tuỳ loại), nhưng thu nhập của gia đình chị Hà vẫn rất khá.

Ngoài gia đình chị Hà, một số gia đình khác ở địa phương có mô hình trồng hoa ly nhỏ hơn, chỉ từ 1 - 2 sào cũng trở nên khá giả, mức thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Có thể kể tới như hộ bà Nguyễn Thị Bảy, anh Trần Văn Nam (thôn Hạ Lôi); chị Lê Thị Thuý (thôn Ấp Hạ)... Gia đình anh Nam, mặc dù 7 năm nay chỉ trồng 1 sào hoa ly nhưng năm nào cũng có nguồn thu lên tới gần 200 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí đầu tư vẫn còn lãi ròng khoảng 150 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, giá trị kinh tế của cây hoa ly cao gấp nhiều lần trồng hoa hồng, thậm chí cao gấp vài chục lần so với canh tác rau màu.

Empty

Cây hoa hồng ngày càng lùi dần để nhường chỗ cho hoa ly. Ảnh: Lê Kết.

Nhờ trồng hoa ly mà năm ngoái vợ chồng anh Nam đã tích cóp xây được căn nhà mái bằng 2 tầng, mua sắm được một số tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Ngoài ra, cũng nhờ tiền thu từ hoa ly mà 2 đứa con anh Nam, đứa học đại học năm 2, đứa học cấp 3 được chu cấp đầy đủ, không còn túng thiếu như trước kia khi gia đình chưa “làm bạn” với cây hoa này.

Chuyển đổi cây trồng từ diện tích canh tác hoa hồng, rau màu cho giá trị kinh tế thấp sang trồng hoa ly không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở làng hoa Mê Linh mà khoảng gần chục năm trở lại đây cũng được bà con nông dân ở các xã lân cận trong huyện Mê Linh như Tiền Phong, Tráng Việt, Thạch Đà… đưa vào sản xuất. 

Một số hộ ở xã Tiền Phong do diện tích đất canh tác ít còn qua huyện Đông Anh (Hà Nội) ở kế bên thuê đất nông nghiệp, vốn lâu nay chỉ chuyên canh cấy lúa để chuyển qua trồng hoa ly. Tiêu biểu là trường hợp của anh Nguyễn Văn Đàn, năm nay 43 tuổi (nhà ở thôn Do Hạ, xã Tiền Phong) đã đầu tư trồng hoa ly trên diện tích đất thuê ở xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) từ 5 năm nay.

Anh Đàn kể rằng gia đình anh thuê 2 sào đất nông nghiệp của một hộ dân ở đây để trồng ly với giá 2.000.000 đồng/sào/năm. Vài năm đầu thu nhập chỉ đủ chi trả cho tiền đầu tư mua củ giống, trả tiền thuê đất…, nhưng vài năm trở lại đây, mỗi năm ruộng hoa ly trên đất thuê đã mang lại cho gia đình anh Đàn khoảng 300 triệu đồng, một số tiền khá lớn mà nếu cấy lúa, trồng màu có khi phải mất tới cả hơn chục năm cũng không thể làm ra. Cũng nhờ trồng hoa ly mà kinh tế gia đình anh Đàn “phất” lên trông thấy.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.