| Hotline: 0983.970.780

Trồng hoa ly và tulip thương phẩm trên đèo Sa Mù

Thứ Tư 11/12/2019 , 07:17 (GMT+7)

Khu vực đèo Sa Mù có tiểu khí hậu ôn đới, quanh năm mây phủ nên được gọi là tiểu Đà Lạt của Việt Nam. 

Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng - Thông tin Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị vừa xuống giống 26 nghìn cây hoa ly và tulip thương phẩm chất lượng cao ở đèo Sa Mù chuẩn bị phục vụ thị trường tết Nguyên đán 2020.

Sau khi trồng thử nghiệm thành công hoa ly và tulip vào năm trước ở khu thực nghiệm đèo Sa Mù giữa núi rừng Trường Sơn, có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, Trung tâm đang xuống giống 16 nghìn củ hoa ly giống Chi Lê, Hà Lan và 10 nghìn củ hoa tulip Hà Lan có năm màu ( đỏ, gạch, vàng, cam, xanh).

Việc trồng thử nghiệm thành công các loại hoa cao cấp ở khu vực đèo Sa Mù và năm nay tỉnh Quảng Trị bắt đầu triển khai trồng hoa thương phẩm là một khám phá thú vị lớn của địa phương này cũng như khu vực miền Trung.

Ông Đào Ngọc Hoàng giữa vườn hoa ly thực nghiệm tại Sa Mù.

Đèo Sa Mù là một vùng đất huyền bí với lớp sương mù bện chặt, ngày nào nếu có nắng cũng chỉ những tia le lói, còn trên những tán cây thường bảng lảng mây trắng tinh. Ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm cho biết địa điểm Sa Mù thuộc xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa, có nhiệt độ lý tưởng trung bình 18 đến 23 độ C vào ban ngày, 12 đến 15 độ C vào đêm nên hoa ly, tulip và các loại lan như hồ điệp, nghinh xuân trồng ở đây đều sinh trưởng tốt, cây to, mập, nhiều nụ, nở đúng tết, được nhiều người đánh giá cao.Ở khu thực nghiệm này được đầu tư công phu, hiện đại, mọi công đoạn được điều khiển bằng công nghệ 4.0.

 Xuống giống hoa ly và tulip phục vụ tết sắp đến.

Hiện trung tâm đã chọn được bốn giống hoa ly phù hợp nhất, cho cây cao từ 1,2 đến 1,5m, trổ hoa to, cánh dày và hương thơm để phát triển, nhân rộng. Hoa ly từ khi xuống giống đến khi cho thu hoạch có thời gian 82 ngày; còn hoa tuylip thời gian trồng đến thu hoạch gần hai tháng.

Ngoài ra, trung tâm đã nhân thành công giống lan hồ điệp và hiện đang trồng đại trà trên 13 nghìn cây gồm bảy màu rực rỡ, quyến rũ, chuẩn bị phục vụ người tiêu dùng. Tất cả các khâu chăm sóc hoa ở Sa Mù đều theo quy trình công nghệ cao.  

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị Trần Ngọc Lân cho biết, tiềm năng đất đai, khí hậu ở khu vực đèo Sa Mù rất phù hợp phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Trung tâm ngoài nghiên cứu, trồng thử nghiệm thành công các loại hoa cao cấp như ly, tulip, lan hồ điệp…đã nghiên cứu cho ra đời được 12 sản phẩm chính mang dấu ấn khoa học công nghệ, chế biến sâu từ dược liệu được đánh giá cao. Đó là đông trùng hạ thảo, cà gai leo-linh chi hòa tan, chè vằng hòa tan, tỏi đen, các loại nấm linh chi, chế phẩm vi sinh vật xử lý môi trường.

Vườn lan hồ điệp tại Sa Mù đẹp mê mẩn.

Tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở KH-CN, trung tâm này tiếp tục nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy hiệu quả khu thực nghiệm sản xuất chất lượng cao, mở rộng với diện tích 20 ha; phối hợp với các nhà đầu tư chuyển giao quy trình trồng các sản phẩm đã nghiên cứu thành công thành sản phẩm thương mại.

Với việc trồng thành công các giống hoa cao cấp, cây dược liệu ở Sa Mù sẽ giúp Quảng Trị biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái rộng lớn hấp dẫn và vùng trọng điểm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.