| Hotline: 0983.970.780

Hoài niệm đường ray sang Lào

Thứ Sáu 16/02/2024 , 06:21 (GMT+7)

Quảng Bình Tuyến đường sắt nối từ Quảng Bình đi Lào vẫn còn con đường hầm và những mố trụ cầu như nhân chứng đã đi qua năm tháng…

Tôi còn nhớ như in, đó là vào một buổi sáng trời se lạnh, sương mù còn vương trên ngọn mấy cây trẩu ở góc vườn. Anh Cu Tịch (thôn Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), đã lay dựng tôi dậy và bảo: “Vào rẫy ở khe Ka Tang nhổ sắn với anh. Sắn này ngon lắm, nấu hay nướng chi cũng ngon như chả phượng ấy”. Dẫu lười lạnh nhưng tôi phải dậy. Anh Cu Tịch dẫn tôi đeo gùi, đi băng qua mấy con đường dốc nhỏ, qua một hồ nước rộng gió thổi ù ù rồi băng qua một khe nước đến trước một con đường hầm dài hun hút. Thấy tôi thực sự ngạc nhiên, anh Cu Tịch cười khà: “Cái đường hầm xe goòng ngày xưa đó. Có chi lạ mô mà mắt cứ ba trợn lên dữ rứa. Hồi nhỏ đi miết”.

Con đường dẫn vào hầm Thanh Lạng phía đông. Ảnh: T.Đức.

Con đường dẫn vào hầm Thanh Lạng phía đông. Ảnh: T.Đức.

Ký ức về tuyến đường sắt đi ngang…

Đến trước cửa hầm mà tôi có cảm giác như một cái hang khổng lồ, sâu hun hút, anh Cu Tịch chặt một nắm cây lồ ô loại nhỏ đã khô (bà con còn gọi là cây ná), bó thành đuốc đốt lên rồi dẫn tôi theo. Bước chân người và ánh đuốc chập chờn hắt lên vách hầm làm lũ dơi hoảng buông người đập cánh rộn lên bay loạn xạ. Trên nền đất, dấu vết một tuyến đường sắt còn rõ với lớp đất dăm mấp mô giữa lớp cây cỏ.  Những thanh tà vẹt sắt đã bị lấy đi còn để lại những dấu hằn đều đặn tựa như có chiếc xe xích khổng lồ mới chạy qua hôm trước. Anh Cu Tịch đi vào sát bên vách hầm, nơi có lối bê tông úp lên rãnh thoát nước. “Bên này dễ đi hơn, chớ đi trên nền đường dễ bị hụt chân đó”, anh nhắc tôi.

Được một lúc thì cây đuốc cũng tắt, bóng tối chụp nhanh như bưng kín hai mắt. Tôi cúi xuống để mong nhìn rõ đường đi mà chỉ thấy hình đen tối thui. Anh Cu Tịch nhắc bên tai: “Phải nhìn thẳng phía cửa hầm trước mặt mà đi, chớ nhìn xuống là không thấy gì đâu”. Quả thật, nhìn ra cửa hầm trước mắt là thấy một khoảng sáng hình vòm phía bên kia. Bước chân như tự tin hơn dù vẫn ngay ngáy lo hụt chân xuống hố hay vấp phải đá, vướng cây dại.

Ngã ba nơi suối Hầm chảy dọc về và uốn dòng chảy theo tuyến đường goòng xưa. Ảnh: T. Đức

Ngã ba nơi suối Hầm chảy dọc về và uốn dòng chảy theo tuyến đường goòng xưa. Ảnh: T. Đức

Đó là vào những ngày đầu năm 1986, khi đó, tôi rời thủ đô Hà Nội, về lại quê sau mấy năm học hành. Đó cũng là những năm đầu tiên nước nhà thực hiện xóa cơ chế bao cấp. Thay vì được phân công công tác về các địa phương có nhu cầu như các anh chị khóa trước thì chúng tôi phải tự đi xin việc. Bởi không xin được việc, tôi theo bạn bè dấn thân đi tìm trầm hương trong những cánh rừng già Trường Sơn. Chuyến đầu tiên theo bạn trầm, lên tàu chợ ở ga Đồng Hới rồi xuống ở ga Tân Ấp (huyện Tuyên Hóa), chúng tôi theo đường tuyến (nghe nói đường này có từ thời Pháp thuộc) để vào Thanh Lạng. Qua một nhánh sông có chiếc cầu bắc bằng những thanh ray đường tàu tôi đã ớn lạnh.

Cầu cao, chênh vênh… khiến tôi chưa biết làm sao. Một bà mẹ đi cùng cô con gái trạc tuổi tôi nhìn vẻ mặt thất thần của người lần đầu đi cầu kiểu này, nói: “Con đi chưa quen thì nên bò trên ray mà qua là được”. Cô gái có nét đẹp sơn nữ với  khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt to sáng liếc nhìn sang tôi và cười một mình. Lời bà mẹ kèm theo cái nhìn thích thú của cô gái khiến tôi bạo dạn bò chầm chậm mà vẫn toát mồ hôi. Qua bên cầu, cô gái trả lại tôi chiếc ba lô rồi nói như động viên: “Bữa sau anh đi là được đó. Không quen lần đầu thôi, chớ lần sau thì…”, cô gái bỏ lửng câu nói với cái nhìn xéo qua mặt tôi dài hơn cả cây cầu khó đi ấy.

Khi vào đến Thanh Lạng thì trời cũng xâm xẩm tối. Thấy chúng tôi là người lạ, bà mẹ ái ngại chút rồi bảo: “Mấy con về nhà mẹ mà nghỉ đêm”. Nghe mẹ nói, cô gái bước sát bên tay giật giật áo mẹ như nhắc sao lại cho người lạ về nhà. Bà mẹ nói nhè nhẹ: “Người ta đi làm ăn lỡ đường chớ có chi mô mà lo”. Hôm sau, tôi mới biết, anh Cu Tịch là con đầu của mẹ và cô gái tên Niệm là em của anh Cu Tịch. Lúc đó, anh Cu Tịch là giáo viên (bây giờ xin được gọi là thầy Tịch, tên đầy đủ là Trịnh Quốc Tịch, cho phải lẽ).

Những ngày trú tại Thanh Lạng trước khi lên rừng hay từ rừng về, tôi đều nghỉ lại nhà thầy Tịch. Từ đó, anh em thân thiết nhau. Thầy Tịch hơn tôi 5 tuổi, sau khi đi bộ đội về, đi học sư phạm và thành ông giáo trường làng. Tôi cũng khoái anh vì ông thầy mà râu, tóc cứ dài ngợp, tiếng nói cứ oang oang như chẳng sợ ai bao giờ.

Cửa hầm Thanh Lạng phía đông. Ảnh: T. Đức.

Cửa hầm Thanh Lạng phía đông. Ảnh: T. Đức.

Có hôm, thầy Tịch rủ tôi đi chợ Thanh Lạng. Chợ nằm trên một ngọn đồi thấp giáp ranh với thôn Bắc Sơn. Xung quanh chợ, người ta chọn những thanh tà vẹt bằng sắt như để làm hàng rào. “Hàng rào đó là tà vẹt của đường ray tuyến đường sang Lào đó chớ mô nữa. Còn cây cầu bắc qua sông gần ga Tân Ấp là đường ray xưa đó. Bộ đội lấy đường ray bắc cầu cho bà con đi”, thầy Tịch thấy tôi tò mò nhìn thì nói. Cách chợ một khoảng đất và con đường là một ngôi nhà xây đã bị sập mái, tường hoen ố vết tích thời gian. Tiếng thầy Tịch sát bên tai: “Nhà ga Thanh Lạng đó chơ chi nữa. Mấy chục năm bỏ hoang nên thành phế tích rứa đó. Đừng có mà bước vô đó, lỡ nó sập tường chạy không kịp”.

Thường thì chúng tôi hay lưu lại Thanh Lạng vài hôm trước khi lên rừng. Mỗi chuyến đi rừng chừng chục ngày lại về Thanh Lạng. Thời gian rỗi nên tôi cũng hay đi khắp làng, chẳng hiểu sao, ai cũng biết tôi học Pháp lý về nhưng chưa xin được việc làm phải đi tìm trầm nên cũng thiện cảm. Có bữa tôi ghé lại nhà ông Phan Phúc chơi. Trước đây, ông là công nhân đường sắt chuyên lái xe goòng tuyến Tân Ấp - Vinh. Thi thoảng đi trên đường sắt, tôi cũng bắt gặp xe goòng đậu trên sân ga. Đó là những đầu xe ô tô hiệu Giải phóng hay Zin-khơ được lắp bánh sắt tàu hỏa, kéo thêm vài toa chạy trên đường sắt.

Rãnh thoát nước trong đường hầm còn lại. Ảnh: T. Đức.

Rãnh thoát nước trong đường hầm còn lại. Ảnh: T. Đức.

Những lần xuyên qua hầm đi nhổ sắn về, thầy Tịch thường kể, hồi thầy sém tuổi thanh niên thường theo mấy anh lớn hơn đẩy xe goòng qua đường hầm lên rừng phía bên kia chặt cây ná mang về làm hàng rào. Từ cửa hầm, đường hơi xuôi nên xe goòng chạy ầm ầm. Mọi người chặt mấy cây táu lớn bằng bắp chân cài vào phía đuôi xe goòng rồi đè xuống đường để giảm tốc độ như kiểu đạp chân phanh. Tiếng cây gỗ đập vào tà vẹt cứ nghe cạch… phầm suốt cả dọc đường. Có khi mấy anh thanh niên phởn chí không cần rà phanh, chiếc xe goòng phi mã trên đường ray. Ai yếu bóng vía chỉ còn cách ngồi thụp xuống, hai tay bưng lấy mặt mà… khóc. Bữa sau, có cho bắp luộc cũng không dám trèo lên xe goòng.

“Sau ngày thống nhất vài năm thì người ta tháo đường ray, tháo tà vẹt… và tuyến đường này cũng dần dần chỉ còn lại trong hoài niệm. Nhà ga tàu cũng bị người ta đập đi để lấy sắt. Sau này nữa thì nền đất nhà ga người ta cũng chia nhau làm nhà ở. Giờ chỉ còn lại đường hầm đó thôi”, tiếng thầy Tịch lẫn trong tiếng gió ù ù thổi qua hầm.

Lần theo lịch sử tuyến đường sắt Tân Ấp - Thà Khẹt

Ý tưởng ban đầu xây dựng nhánh đường sắt sang Lào từ tuyến Bắc - Nam xuyên Đông Dương đã có trong đề án của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer từ năm 1898 với điểm bắt đầu từ Quảng Trị sang Savannakhet (Lào). Thời điểm đó, do khả năng tài chính không bảo đảm nên dự án chưa được triển khai. Năm 1927, Toàn quyền Alexandre Varenne khởi động khảo sát nghiên cứu tuyến đường sắt từ miền Trung Việt Nam sang Lào với tuyến được lựa chọn là Tân Ấp (Tuyên Hóa, Quảng Bình) - Thà Khẹt (Lào), thay vì đề án ban đầu của Paul Doumer.

Từ cửa hầm bên này nhìn xuyên qua bóng tối thấy ánh sáng ở cửa hầm bên kia. Ảnh: T. Đức.

Từ cửa hầm bên này nhìn xuyên qua bóng tối thấy ánh sáng ở cửa hầm bên kia. Ảnh: T. Đức.

Năm 1929, tuyến đường này được tiến hành ở Tân Ấp và Xóm Cục (Khe Ve), dự định sẽ hoàn thành vào năm 1936 để thông thương với Trung Lào nhằm khai thác tài nguyên, khoáng sản, thuốc phiện... ở vùng này.

Công trình được đồng thời thi công hai đoạn. Đoạn thứ nhất từ Tân Ấp, Hương Hóa (Tuyên Hóa) đến Xóm Cục là đường sắt dài 18km với 4 trạm gồm Tân Ấp (Km 0), Xóm Danh (Thanh Thạch Km 5,5), Thanh Lạng (Thanh Hóa Km 9,2) và Xóm Cục (Khe Ve Km 18).

Đoạn thứ 2 từ Xóm Cục đến bản Banaphao. Ở đoạn này, do địa hình hiểm trở, độ dốc cao, việc xây dựng tuyến đường sắt khó khả thi nên phương án làm cáp treo được lựa chọn thay thế. Nguồn vốn cho công trình cáp treo là đền bù phí chiến tranh của Đức trả cho Pháp, nhà thầu Heckel ở Sarrebruk (Đức) được lựa chọn thi công. Ngày 13/9/1933, đoạn từ Tân Ấp đi Xóm Cục được đưa vào khai thác. Mỗi ngày chỉ có một đoàn tàu gồm một toa khách và hai toa hàng.

Tuyến cáp treo nối Xóm Cục đến bản Banaphao (Lào), qua đèo Mụ Giạ dài khoảng 39km, được xem là tuyến cáp treo dài nhất thế giới thời điểm lúc bấy giờ. Tuyến này có 7 trạm dừng chân gồm Xóm Cục, Cha Mác (vùng Y Leng), Xóm Man, Bãi Dinh, Mụ Giạ, Pou Toc Vou và Banaphao. Tuyến cáp treo hay còn gọi là “không trung thiết lộ” (tức là đường sắt trên cao),  gồm hệ thống các trụ đỡ bằng bê tông cốt thép cao 12m, cáp treo và trục quay dây tời.

Tường và vòm hầm Thanh Lạng vẫn còn nguyên màu trắng xi măng. Ảnh: T. Đức.

Tường và vòm hầm Thanh Lạng vẫn còn nguyên màu trắng xi măng. Ảnh: T. Đức.

Lộ trình vận hành bắt đầu dùng ô tô cải tiến gắn bánh sắt chạy trên đường ray xuất phát tại ga trên bộ trước. Từ điểm đầu tiên là ga Tân Ấp đến ga Xóm Cục. Từ ga Xóm Cục cáp treo sẽ chuyển các thùng goòng hàng từ đường sắt trên bộ lên cáp treo hai chiều để đi sang ga Banaphao.

Theo tư liệu cũ, tuyến Tân Ấp - Thà Khẹt phải vượt qua độ cao 400m, bao gồm hàng chục cây cầu và 5 căn hầm, hầm dài nhất là 650m. Ở điểm cuối cùng Banaphao, hàng hóa được chuyển bằng đường bộ đến Thà Khẹt (Lào) cách Tân Ấp 187km. Tuyến cáp treo này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/12/1933 nhưng hiệu quả không cao vì thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, chi phí duy tu, bảo dưỡng quá lớn.

Sau gần thế kỷ trôi qua, tuyến đường sắt xuyên Đông Dương chỉ còn lại những vết tích ở miền tây Quảng Bình với hầm Thanh Lạng và bốn nhịp trụ cầu sừng sững bắc qua. Lớp cha ông đã phải bỏ mình, hay tàn phế, còm cõi vì những tháng năm đục núi, đập đá, đắp đường để làm nên hầm, cầu, tuyến đường ray. Máu xương có thể chất thành gò để có được tuyến đường này, nhưng đó cũng là niềm tự hào của con cháu vì cha ông đã làm nên những điều mà bây giờ tưởng tượng ra cũng thấy khó.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, toàn bộ nền đường, cầu, hầm của tuyến này đã hoàn thành, chỉ còn đặt ray, nhưng đã bị đình chỉ hoàn toàn. Việc hủy bỏ đã kéo theo sự đình trệ một đề án khác ở Đông Dương. Sau năm 1945, tuyến đường này luôn bị lực lượng bộ đội Việt Minh phá để thực hiện kháng chiến và hư hỏng hoàn toàn vào sau năm 1947.

Cửa vào hầm Thanh Lạng. Ảnh: T. Đức.

Cửa vào hầm Thanh Lạng. Ảnh: T. Đức.

Góc nhìn khác sau gần 40 năm trở lại…

Một ngày cuối năm, tôi có dịp về lại Thanh Lạng. Thầy Tịch đã nghỉ hưu được mấy năm. Anh em gặp nhau mừng khôn xiết. Ôn lại chuyện xưa, anh em chúng tôi lại lội vào đường hầm như để tìm lại dấu tích ngày nào.

Con đường dẫn vào cửa hầm không còn cây cối chắn lối nữa mà đã quang hơn. Hai bên hằn sâu dấu bánh xe thành rãnh lớn. Thầy Tịch bảo: “Bây giờ, đường hầm là tuyến cho máy cày kéo móc chuyên chạy xuyên qua để chở cây keo tràm cho bà con đó mà”.

Đường hầm Thanh Lạng bây giờ thành tuyến đường cho xe kéo chở keo tràm cho bà con. Ảnh: T. Đức.

Đường hầm Thanh Lạng bây giờ thành tuyến đường cho xe kéo chở keo tràm cho bà con. Ảnh: T. Đức.

Cửa hầm phía đông đã thoáng hơn. Chúng tôi nhìn rõ cả mảng trần hầm bị vỡ, nhìn thấy cả lớp bê tông dày. Thầy Tịch chỉ tay lên trần hầm, nơi trơ ra lớp bê tông: “Hồi chiến tranh, hầm này là kho chứa vũ khí, lương thực để vận chuyển lên phía tây Trường Sơn đưa vào nam đó, nên máy bay Mỹ thường hay bắn phá. Có lần, chiếc máy bay bổ nhào, bắn tên lửa vào trúng miệng hầm. Sức công phá tên lửa mạnh như rứa mà cũng chỉ phá được chừng chục mét miệng hầm thôi. Trần hầm sập xuống thì bộ đội dọn bê tông vỡ ngay. Còn hai bên vách hầm chỉ sơ sơ thôi chứ không hề hấn gì”.

Nền hầm không còn đá nữa mà khá lầy lội bùn đất. Vách và trần hầm không hề có vết nứt hoặc thấm dột. Tất cả đều còn nguyên màu trắng nhờ nhờ của xi măng, chứ chưa có dấu vết của thời gian. Hai bên thành hầm được bố trí 5 ô vòm (đủ chỗ cho ba người lớn đứng khuất vào đó), chìm vào phía tường vách. “Mấy chỗ đó là nơi để cho người tuần đường tránh lỡ khi có tàu goòng đi qua đó mà”, thầy Tịch giải thích.

Những trụ của cây cầu qua sông Ka Tang qua Lào còn lại. Ảnh: T. Đức.

Những trụ của cây cầu qua sông Ka Tang qua Lào còn lại. Ảnh: T. Đức.

Hai bên chân tường hầm là hai rãnh thoát nước được đổ bằng bê tông có nắp đậy. Phần lớn, hai rãnh thoát nước này đều đã bị bùn đất lấp đầy. Duy ở phía hai đầu cửa hầm thì vẫn còn nguyên. Tiếng thầy Tịch âm vang trong lòng hầm: “Hồi gần 40 năm trước, cái hồi mà anh em ta đi qua là hai tuyến thoát nước đó còn nguyên nha. Sau này, bà con vào cạy lấy về lát đường nên thành ra như vầy chứ”.

Dọc hai bên tường hầm, thi thoảng lại bắt gặp những ô hình chữ nhật rải đều. Thấy tôi cứ chăm chú nhìn, thầy Tịch giải thích: “Nghe mấy cụ lớn tuổi kể lại là khi xây dựng hầm này, họ khoan cắt vô để kiểm nghiệm chất lượng bê tông đó”. Không biết có chính xác như lời thầy Tịch giải thích hay không, nhưng tất thảy chúng tôi đều gật đầu đồng ý về mặt “quan điểm”.

Nhà ga Tân Ấp thời Pháp. Ảnh: Tư liệu.

Nhà ga Tân Ấp thời Pháp. Ảnh: Tư liệu.

Chúng tôi đi ngược lại đường hầm, bước nhanh hơn vì bàn chân như đã quen lối. Ra khỏi hầm,  thầy Tịch quay người chỉ tay lên phía núi: “Em nhớ không, núi trên hầm đó, hồi anh em mình đi chặt ná, chặt củi là trên đỉnh hầm mà”.

Rồi cũng đến lúc tôi rời Thanh Lạng. Thầy Tịch tiễn tôi đi ra phía cuối làng, nơi ngày xưa là nhà ga đường goòng, bây giờ nhà cửa đã san sát. Em Niệm cũng không được gặp lại. Em đi lấy chồng xa, ở tận ngoài thị trấn Đồng Lê, tôi chỉ nghe thầy Tịch nói vậy. “Nó thi thoảng có về thăm quê. Vẫn có hỏi là có lúc nào em về thăm lại Thanh Lạng không. Biết em về dịp này, anh đã gọi cho em nó biết tin rồi”, tiếng thầy Tịch như thoảng nhẹ trong gió chiều phảng phất mùi khói của nhà ai đốt cỏ phía đầu gió.

Chúng tôi xuôi về ngầm Ka Tang trên tuyến đường Hồ Chí Minh, hai bên đường, rừng đã lên xanh ngút ngàn. Giữa sông, mấy trụ cầu lớn, dấu tích còn lại của chiếc cầu đường sắt bắc qua sông vẫn còn đó, sừng sững giữa trời chiều. Mấy trụ cầu bên trái đã bị cây dây leo phủ kín thành những cột trụ xanh biêng biếc. Duy chỉ còn lại trụ cầu phía phải vẫn còn trơ màu xi măng xám vết tích của thời gian…

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

  • Phía ấy, biên thùy...
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:10

    Đầu tháng 9/2024, tôi được mời đến dự Triển lãm 'Non nước biên thùy'. Ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được trở lại với những vùng đất đã từng qua. 

  • Cây mang quần áo, sách vở đến miền đất khó
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:00

    Mỗi lần ngắt từng hạt đỏ đỏ, xinh xinh xuống, vị trưởng bản huyện Sốp Cộp lại như chạm vào kỷ niệm của một ngày chưa xa.

  • Mường Lay, thị xã ven trời
    Phóng sự 04/12/2024 - 06:00

    Nằm cuối trời Tây Bắc, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên giống như số phận của một bậc hồng nhan, một thiếu nữ Thái trắng đẹp tuyệt trần nhưng cũng lắm đa đoan.

  • Nghĩ về luồng gió mới nơi cực Tây Tổ quốc
    Phóng sự 03/12/2024 - 10:29

    Ánh chiều từ phía Tây hắt bóng Cột mốc số 0 về phía Việt Nam, quang cảnh cô tịch mà thiêng liêng, im lặng đến không ai nỡ cất tiếng.

  • Trở lại Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc
    Phóng sự 02/12/2024 - 09:30

    Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc hôm nay vẫn còn gian khó nhưng thấm đẫm tình đất, tình người, tình đoàn kết của đồng bào miền xuôi và miền ngược.

Xem thêm
Phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, các cơ quan báo chí

Trong quá trình sắp xếp các Bộ, trường hợp có 2 báo đang tự chủ chi thường xuyên trở lên thì trước mắt duy trì và thực hiện lộ trình sắp xếp phù hợp.

Hợp tác báo chí - khoa học tăng cường an toàn thực phẩm

Những thách thức trong truyền thông về an toàn thực phẩm đã tạo ra không gian trao đổi sôi nổi giữa các nhà báo, nhà khoa học và đại diện cộng đồng.

Làng hoa An Lạc chong đèn phục vụ thị trường Tết

Quảng Trị Năm nay, làng hoa An Lạc tăng khoảng 20% diện tích. Những ngày đầu tháng 11 âm lịch, làng hoa đỏ đèn suốt đêm để điều tiết hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.