| Hotline: 0983.970.780

Học nghề mới, làm nghề cũ

Thứ Hai 05/03/2012 , 10:20 (GMT+7)

Nhiều người sau khi được đào tạo thì chữ thầy... trả lại cho thầy, buồn hơn là có người học chỉ để lấy tiền.

Học nghề trồng nấm, sau một thời gian làm, nhiều trang trại nấm đã bỏ trống

Trong bức tranh sinh động về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) ở TT- Huế  vẫn có những mảng tối. Nhiều người sau khi được đào tạo thì chữ thầy... trả lại cho thầy, buồn hơn là có người học chỉ để lấy tiền.

Học trồng nấm, về... trồng lúa

Nhằm khôi phục và phát triển các làng nghề trên địa bàn, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, Trung tâm Khuyến công TT- Huế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp đào tạo, truyền nghề nhằm cung ứng lao động cho các cơ sở SX, làng nghề.

Từ năm 2010 đến nay, đã có hàng trăm lớp đào tạo nghề được tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn lao động ở các vùng nông thôn. Việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho LĐNT tạo ra một luồng sinh khí mới ở các làng quê. Người nông dân một đời chân lấm tay bùn, nay biết đến nghề mới có thể tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình, bởi thế khi đi đăng ký danh sách ở các đơn vị xã, phường ai nấy đều rất phấn khởi.

Đầu năm 2011, nhằm đào tạo nghề và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho các hội viên tại xã Hương Văn (nay là phường Hương Văn, thị xã Hương Trà), Trường Trung cấp nghề số 10 thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh TT- Huế phối hợp với Hội Nông dân phường Hương Văn đã khai giảng lớp nghề trồng nấm rơm và nấm sò cho 35 hội viên nông dân của địa phương.

Toàn bộ kinh phí do trường Trung cấp nghề số 10 hỗ trợ 100%, lớp học sau 4 tháng là bế giảng và các hội viên được cấp chứng chỉ nghề. Ngày đăng ký danh sách học, cả 35 thành viên đều ai nấy rất phấn khởi. Bởi, nghề trồng nấm là một nghề mới lạ ở địa phương vốn quen với trồng lúa và rau màu như Hương Văn.

Thế nhưng, sau gần một năm trở lại, hỏi về nghề trồng nấm của bà con, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Văn ngán ngẩm: “Công toi cả rồi anh à. Sau bốn tháng học, mỗi học viên là hộ nghèo thì được hỗ trợ 15.000 đồng/ngày. Học xong rồi chữ thầy lại trả cho thầy. Từng ấy người học nhưng hiện nay địa phương chỉ có 3 người theo với nghề mới được học, mà cũng lay lắt lắm, còn lại thì làm vài tháng, đầu tư cả đống bạc nhưng đành vứt không vì bà con không nắm được kỹ thuật trồng nấm, mới qua được một mùa thì nấm bị bệnh tràn lan nên ai cũng nản.”

Tới thăm cơ sở SX nấm của anh Lê Đình Hiền (thôn Bàu Đưng, xã Hương Văn). Nói là cơ sở cho oách chứ chẳng có chi ngoài mấy đống rơm, bịt nấm đang ươm dở dang. Hỏi về nghề mới, anh Hiền buồn buồn: “Bỏ thời gian bốn tháng trời theo học, khi học thì bà con thấy cũng hay, cũng dễ, nhưng khi bắt tay vô làm tui mới thấy khó. Trồng nấm không đơn giản chút nào, nói là đầu tư ít nhưng mất rất nhiều thời gian. Lý thuyết thì học mù cả mắt, mà ra áp dụng thì nó lại không… như lý thuyết mới chết chứ! Nếu trong mấy tháng học cộng với thời gian tui lao vào trồng cây nấm thì cũng không bằng làm mấy sào ruộng hay xuống chợ bốc vác kiếm ngày vài chục nghìn”.

Theo lời anh Hiền kể thì đúng là…nông dân thật. Bởi, bà con khi nghe học trồng nấm thì rất nhiệt tình tham gia, học vài buổi thấy ngán thì lên ngồi cho có mặt để được nhận 15.000 đồng tiền hỗ trợ, sau 4 tháng đào tạo thì học nghề mới nhưng cũng làm lại nghề cũ, quay về với nhánh lúa, củ khoai!

Anh Trương Văn Đông, một hộ dân từng học lớp trồng nấm góp chuyện: “Thiệt tình mà nói, khi học bọn tui cũng cố gắng lắm chứ. Lúc tiến hành mở trại nấm, gặp khó khăn là mình gọi điện hỏi thầy ở trung tâm ngay. Nhưng sản phẩm thì không biết sao vẫn cứ tong teo, làm vài vụ nản quá”.

Anh Nguyễn Văn Xuân- Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương Văn cho hay: “Năm 2011 đã có gần 120 lao động trên địa bàn được tham gia các lớp học như sinh vật cảnh, may mặc, trồng nấm… nhưng sau lớp học đa số bà con đều không theo nghề mới mà quay lại với nghề cũ. Nguyên nhân là tự bản thân bà con chưa chịu khó, chưa hấp thụ được nghề, học rồi nhưng không làm, làm mới thất bại bước đầu là nản. Số hội viên thành công với nghề, có sản phẩm thì không kiếm được đầu ra, vì thế là nghề mới được đào tạo không sống nổi.”

Học nghề thêu, về... cấy thuê

Cũng giống như phường Hương Văn, tại xã Phú Xuân (huyện Phú Vang) cũng là một xã thuần nông, lúc nông nhàn thì bà con nông dân phải chạy vạy kiếm việc nhiều nơi, có lúc lên tới thành phố là đủ thứ nghề, từ đạp xích lô cho đến bốc vác. Thông qua nguồn vốn khuyến công của tỉnh TT- Huế, năm 2010, UBND xã Phú Xuân phối hợp với trường dạy nghề của huyện Phú Vang mở lớp dạy nghề thêu cho 62 học viên trên địa bàn xã.

Nghe được học nghề miễn phí, gác lại việc đồng áng, chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân) liền đăng ký tham gia lớp học. Buổi đầu ai cũng khấp khởi mừng, thế nhưng, chị Thúy kể: “Khi đăng ký học thì có 62 học viên, xong một tháng đầu thì “quân số” đã vơi đi hơn một nửa. Gặp mấy chị em hỏi mới biết là họ không tiếp thu được vì tay chân chị em rất vụng, có học xong nghề thì chẳng nên xôi nên cháo chi. Thà nghỉ giữa chừng kiếm việc khác làm hay trở lại mấy sào lúa có ăn hơn.”

UBND tỉnh TT- Huế đã phê duyệt Chương trình khuyến công của tỉnh đến năm nay (2012) với tổng kinh phí hơn 42,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là gần 5,2 tỷ đồng, ngân sách các huyện 4,6 tỷ đồng; đồng thời huy động các nguồn vốn từ Trung ương thông qua các đề án khuyến công quốc gia và các nguồn vốn khác.

Tuy nhiên, nhìn bức tranh lao động nông thôn từ các làng quê thông qua các lớp đào tạo nghề, bài toán về người lao động có hấp thụ được nghề hay không đó là điều cần thiết phải tính đến.

Nghe chị em nói thế nhưng chị Thúy vẫn không nản, cố gắng thu xếp việc gia đình, con cái, tham gia không thiếu một buổi nào. Mấy tháng trời miệt mài theo nghề thêu, sau khi kết thúc khóa học, chị cùng hơn 20 học viên còn sót lại được nhận vào làm ở doanh nghiệp Kinh Đô thêu ren xuất khẩu. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị Thúy cho biết: “Đa số bà con ở đây quen với việc đồng áng cả mấy chục năm nay, tự dưng đi học nghề thêu, cái nghề cần sự khéo léo và kiên trì. Mấy tháng trời mù mắt mù mũi, dù cố gắng chị em vẫn không thể cho ra những sản phẩm khá hơn được. Sản phẩm làm ra không bán được, không có sức cạnh tranh, thu nhập bấp bênh, chỉ 600- 700 nghìn đồng/tháng, nên chị em đều bỏ nghề thêu cả.”

Chị Thúy nói thêm: “Mà mình thêu sao đẹp bằng máy móc họ làm được. Thấy không ra trò trống chi nên nhiều chị em bỏ sang làng bên làm nghề phụ hồ hay về đi cấy thuê mỗi khi có mùa vụ. Thế mới biết sống được bằng cái nghề mới thời ni cũng cam go lắm chú à.” Ông Đặng Ngọc Phê- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho bà con ở địa phương rất khó khăn. Nhiều năm qua, chúng tôi đã phối hợp mở nhiều lớp học nghề cho lao động trên địa bàn nhưng đa số đều không đạt được kết quả tốt, bà con học nghề mới rồi quay lại nghề cũ. Cái khó là bà con lâu nay quanh năm quen với mùa vụ, đến khi nông nhàn thì tứ tán làm thuê, được học nghề mới nhưng khả năng hấp thụ rất hạn chế.”

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất