| Hotline: 0983.970.780

Học người miền Tây, nuôi lươn không bùn ở miền nắng cháy

Thứ Tư 01/06/2022 , 07:08 (GMT+7)

HÀ TĨNH Ấp ủ, nung nấu khi chứng kiến nhiều mô hình nuôi lươn rất thành công ở miền Tây, anh Thăng quyết tâm đưa nghề này về Hà Tĩnh. Dĩ nhiên, mọi sự không dễ dàng.

Nhiều bất lợi nuôi lươn ở miền nắng gió

Nuôi lươn không bùn là mô hình phát triển kinh tế khá mới mẻ đối với người dân Hà Tĩnh. Nhiều người cũng đã thử nghiệm nhưng không duy trì được lâu dài và chấp nhận bỏ cuộc nhưng đó lại là hướng khởi nghiệp được anh Trần Văn Thăng (sinh năm 1988) ở thôn Chùa, xã Thuận Lộc (Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) lựa chọn và thành công. 

Dù đã dày công vào miền Tây học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn không bùn, nhưng khi triển khai nuôi tại Hà Tĩnh, anh Thăng đã gặp nhiều trầy trật do khó khăn, khác biệt về điều kiện khí hậu. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Dù đã dày công vào miền Tây học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn không bùn, nhưng khi triển khai nuôi tại Hà Tĩnh, anh Thăng đã gặp nhiều trầy trật do khó khăn, khác biệt về điều kiện khí hậu. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Nghề nuôi lươn đến với anh Trần Văn Thăng không hề đơn giản. Trong một lần đi công tác, anh đã chứng kiến nhiều người dân ở miền Tây nuôi lươn không bùn rất thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngay từ lần đó, anh đã nghĩ đến việc mong có cơ hội để đưa mô hình này về thực hiện tại quê mình.

Năm 2016, công việc của anh không được như ý. Một lần nữa, anh lại càng nung nấu thay đổi công việc và anh nghĩ ngay đến việc thực hiện mô hình nuôi lươn ngay tại quê nhà. Ở quê nhà lúc đó để có khoản tiền vài trăm triệu đồng để đầu tư làm ăn rất khó. Một lần nữa, anh đành phải gác lại những ấp ủ và quyết định bàn với vợ đi xuất khẩu lao động, chỉ mong kiếm chút vốn về lập nghiệp tại quê hương.

Năm 2018 trở về quê, với số vốn chắt chiu dành dụm được, việc đầu tiên anh nghĩ đến là xây dựng mô hình nuôi lươn đã ấp ủ bấy lâu. Anh đã không ngần ngại khăn gói quay trở lại miền Nam lần nữa để tìm hiểu kỹ hơn về mô hình nuôi lươn mà trước kia anh đã được chứng kiến. Đúng như dự định và mong muốn từ lâu, sau chuyến đi ấy, trở về anh đã bắt tay ngay vào việc xây dựng bể.

Từ 5 bể nuôi ban đầu, bây giờ anh đã đầu tư thành 18 bể nuôi lươn dưới nhiều hình thức khác nhau. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Từ 5 bể nuôi ban đầu, bây giờ anh đã đầu tư thành 18 bể nuôi lươn dưới nhiều hình thức khác nhau. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Cuối năm 2018, khi bể được xây xong, anh lại vào tận Cần Thơ để mua giống và bắt đầu thả nuôi lứa đầu tiên. Do chưa có kinh nghiệm và vốn đầu tư còn hạn chế nên mới đầu anh chỉ nuôi 5 bể, mỗi bể 7 m2, được xây bằng xi măng.

Anh Thăng tâm sự: Khi đi học hỏi kinh nghiệm, thấy kỹ thuật nuôi lươn không bùn không quá khó. Tuy nhiên, khi bắt tay vào nuôi mới biết thời tiết ngoài miền Trung và miền Bắc rất khó khăn. Mùa hè quá nóng, mùa đông lại quá lạnh, không phải như thời tiết trong miền Nam lúc nào cũng ổn định, thuận lợi cho việc chăn nuôi. Vì thế vụ nuôi đầu tiên, anh đã gặp không ít khó khăn trong cách chăm sóc, nuôi dưỡng và thành quả mang lại không được như mong muốn, song đã cho anh có thêm kinh nghiệm cho những vụ nuôi tiếp theo.

Tháng 9/2019, anh bắt đầu thả nuôi lứa tiếp theo. Vụ nuôi này, anh đã thả nuôi 1 vạn con lươn giống, sau khi trừ chi phí, anh đã thu về hơn 150 triệu đồng. Lần này, xem như đã hòa vốn nhưng anh rất vui mừng vì thành công bước đầu của mình.

Theo kinh nghiệm của anh Thăng, ở miền Trung muốn nuôi lươn phải có mái che tránh nắng, che kín về mùa đông để tránh rét. Thời gian tăng trưởng lươn nuôi ở miền Trung cũng chậm hơn so với miền Nam vì điều kiện thời tiết không thuận lợi. Mùa đông có khi lươn bỏ ăn tới 2 - 3 tháng nên bắt buộc người nuôi phải hiểu rõ đặc tính mới có thể nuôi thành công.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Thăng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhiệt tình để mở rộng thêm các cơ sở nuôi khác ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Thăng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhiệt tình để mở rộng thêm các cơ sở nuôi khác ở địa phương. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Với mô hình nuôi lươn không bùn, có thể tận dụng được những diện tích vườn sẵn có của gia đình. Bể nuôi lươn được anh Thăng thiết kế đáy có độ dốc 5cm, có hệ thống đường ống cấp nước và thoát nước ra bên ngoài để thuận tiện trong việc thay nước liên tục trong bể nuôi. Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc trong bùn, ruộng, mương, đồng cỏ… nên khi nuôi lươn không bùn trong bể xi măng anh Thành đã tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây ni-lon đen.

"Nói không" với kháng sinh

Ngoài khâu chọn lươn giống ở cơ sở sản xuất giống uy tín, đều con và nhiều nhớt thì môi trường sống, nguồn nước phải đảm bảo sạch, đây là yếu tố quan trọng để nuôi lươn thành công. Do đó, để có được nguồn nước sạch, anh Thăng đã sử dụng nước giếng khoan, xử lý trong bể lắng từ 6 - 8 giờ trước khi bơm vào bể.

Mỗi ngày, cho lươn ăn 2 lần vào 7 giờ sáng và 5 giờ chiều. Tùy từng giai đoạn phát triển, cần theo dõi hàng ngày để có tỷ lệ pha trộn và thành phần thức ăn phù hợp. Thành phần thức ăn cho lươn anh Thăng sử dụng chủ yếu là giun quế đã qua xử lý trộn với cám công nghiệp. Sau vài tháng nuôi, lươn được phân loại theo kích cỡ, tách đàn để tiện chăm sóc và hạn chế trường hợp con to ăn con nhỏ. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên những lứa nuôi sau, lươn không bị hao hụt, tỷ lệ sống đạt tới 97%.

Anh Thăng tuyệt đối không sử dụng khác sinh trong phòng, trị bệnh cho lươn, mà chỉ dùng các chế phẩm vi sinh, thảo dược. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tiến tới nuôi theo VietGAP. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Anh Thăng tuyệt đối không sử dụng khác sinh trong phòng, trị bệnh cho lươn, mà chỉ dùng các chế phẩm vi sinh, thảo dược. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tiến tới nuôi theo VietGAP. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Để tăng tỷ lệ sống và nâng cao hiệu quả khi nuôi lươn không bùn, công tác phòng bệnh cũng được anh Thăng hết sức chú trọng. Ngoài việc chọn lươn giống khỏe mạnh, thức ăn đủ dinh dưỡng, anh còn thường xuyên bổ sung vitamin C, khoáng chất. Đặc biệt, trong quá trình nuôi anh không dùng kháng sinh để phòng trị mà tất cả đều sử dụng bằng thảo dược được anh nghiên cứu thử nghiệm rất hiệu quả.

“Trong quá trình nuôi, tôi thường dùng men vi sinh EM tỏi, cho ăn mỗi tuần 1 - 2 lần để phòng bệnh đường ruột; cây cỏ mực trị bệnh xuất huyết đường ruột; cây cỏ Lào trị bệnh nấm ngoài da; lá bàng dùng để sát khuẩn nguồn nước; muối ăn dùng để sát khuẩn trên thân lươn cho sạch sẽ để lươn không bị nhiễm các bệnh. Những thứ này tôi đang dùng thường xuyên và cho hiệu quả rất tốt”, anh Thăng cho hay.

Sau những thành công, năm đầu năm 2020, anh Thăng đã mở rộng quy mô, từ 5 bể nuôi ban đầu, bây giờ anh đã đầu tư thành 18 bể nuôi lươn dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có 5 bể bằng xi măng, 5 bể bằng composite và 8 bể lót bạt. Đây cũng là cách anh Thăng đang muốn thử nghiệm để đánh giá hiệu quả theo từng hình thức nuôi.

Vụ nuôi vừa rồi, anh Thăng đã thả gần 4 vạn con lươn giống, đến thời điểm này, cho thu hoạch ước đạt hơn 9 tấn lươn thương phẩm, với giá bán 160.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh Thăng thu về hơn 500 triệu đồng.

Địa chỉ cung cấp lươn giống uy tín

Hiện nay, ngoài bán lươn thương phẩm, cơ sở của anh Thăng đang là địa chỉ cung cấp nguồn lươn giống đảm bảo chất lượng cho bà con. Nhiều người dân đã đến học hỏi và được anh tận tình hướng dẫn chia sẽ kinh nghiệm của mình. Bên cạnh hướng dẫn cho những khách hàng đến mua lươn giống, anh Thăng còn được mời đến các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn cho bà con nông dân các địa phương trong tỉnh.

Nhờ có kỹ thuật nuôi chặt chẽ, không sử dụng kháng sinh, hóa chất nên chất lượng lươn của cơ sở nuôi của anh Thăng rất cao, được khách hàng rất ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Nhờ có kỹ thuật nuôi chặt chẽ, không sử dụng kháng sinh, hóa chất nên chất lượng lươn của cơ sở nuôi của anh Thăng rất cao, được khách hàng rất ưa chuộng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Thăng cho biết sẽ nuôi lươn theo quy trình VietGAP và xây dựng sản phẩm OCOP với mong muốn đưa sản phẩm lươn vào các kênh như siêu thị, nhà hàng nhiều hơn. Vừa rồi, anh Thăng đã thuê đất để mở thêm trang trại nuôi lươn thương phẩm và sản xuất lươn giống để giảm được chi phí đầu vào, mặt khác lại có được nguồn giống chất lượng tự mình sản xuất và hướng tới tạo sản phẩm mang tính hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đánh giá về mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Văn Thăng, ông Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh cho biết: Anh Trần Văn Thăng là thanh niên dám nghĩ, dám làm, biết vượt khó để vươn lên. Thành công của anh Trần Văn Thăng không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khích lệ tinh thần ham học hỏi đối với nhiều thanh niên cũng như người dân trong xã; góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từ sự thành công của anh Thăng, hiện nay, trên địa bàn đã có thêm 3 mô hình nuôi lươn và được sự hỗ trợ đắc lực từ anh Thăng. Trong thời gian tới, xã sẽ giới thiệu và nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trần Văn Thăng cho nhiều người dân khác học tập làm theo.

Xem thêm
Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.