Thời gian gần đây, phong trào nuôi lươn, nhất là lươn giống ở tỉnh Vĩnh Long ngày càng phát triển, thu hút nhiều nông dân học tập kỹ thuật, mở trang trại chăn nuôi.
Điển hình như tại ấp Tân Mỹ, xã Chánh An, huyện Mang Thít, đầu năm 2022 này, các ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ 7 nông dân trong huyện thành lập HTX Sản xuất và Tiêu thụ lươn Công nghệ cao Sông Măng Vĩnh Long. Đây là HTX chuyên về con lươn đầu tiên của huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Dù HTX mới thành lập nhưng hoạt động khá hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho bà con xã viên. Trước đó, những nông dân này cũng đã tự liên kết với nhau để hình thành nên chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ ổn định trong hơn 1 năm.
Để các thành viên hoạt động có hiệu quả, bài bản hơn nữa, Liên minh HTX Vĩnh Long đã hỗ trợ tư vấn thành lập HTX. Theo đó, Liên minh HTX Vĩnh Long đã hỗ trợ tập huấn cho Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban giám đốc của HTX về các kiến thức trong hoạt động...
Theo đó, các thành viên ương nuôi gia công lươn bột thành lươn giống với các kích cỡ để HTX cung cấp cho thị trường. Tuỳ vào kích cỡ mà có giá bán khác nhau từ 2.500 - 5.000 đồng/con lươn giống. Những tháng qua, HTX đã xuất bán ra thị trường trên 200 nghìn lươn giống/tháng, mang về thu nhập cho các thành viên từ 20 triệu đồng/hộ trở lên.
Ông Phạm Hoàng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ lươn Công nghệ cao Sông Măng Vĩnh Long là thành viên nồng cốt, hoạt động tích cực, tạo tiền đề thành lập HTX. Theo ông Minh, ông vốn là nông dân trồng thanh long từ nhiều năm trước.
Cách đây 3 năm, do thấy thị trường tiêu thụ trái thanh long thường xuyên bấp bênh nên ông đã tìm hiểu thêm lĩnh vực thuỷ sản. Khi đó, thị trường cung cấp lươn giống còn khan hiếm, thiếu hụt nên ông Minh đã mạnh dạn đầu tư, tìm hiểu kỹ thuật để phát triển nuôi.
Ông Minh kể: “Năm đó thị trường lươn giống bố mẹ rất khan hiếm. Mình có tiền mua vàng thì dễ chứ mua lươn giống thì khó. Tôi tìm mãi cũng chỉ được 6 tấn lươn bố mẹ”.
Năm đầu tiên bước vào lĩnh vực mới này, ông Minh gặp vô vàn khó khăn. Những khi lươn bệnh, chết nhiều khiến ông rất lo lắng, bị thiệt hại hết khoảng 5 tỷ đồng nhưng ông không nản chí. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm, cuối cùng ông cũng đã tự nhân giống thành công lươn giống và chia sẻ kinh nghiệm ương, nuôi với các thành viên.
Đặc biệt, trong quá trình nuôi, ông Minh không lạm dụng chất kháng sinh. Thay vào đó, ông sử dụng thuốc trị bệnh cho lươn có nguồn gốc thảo dược. Lươn giống khoẻ mạnh, được khách hàng rất tin tưởng ưa chuộng do rất ít hao hụt.
Ông Phạm Hoàng Minh cho biết: Hiện nay, các thành viên sẽ nhận nuôi lươn gia công cho HTX với chi phí khoảng 1.000 đồng/con. Bà con nhận của HTX lươn giống cỡ 1.000 con/kg, ương nuôi lên cỡ 500 con/kg. Hàng tháng, bình quân mỗi thành viên sẽ giao HTX xuất bán khoảng 30.000 con. Trừ các khoảng chi phí và hao hụt, mỗi thành viên còn thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Ông Trần Văn Phục, thành viên HTX ở xã An Phước, huyện Mang Thít có đàn lươn bố mẹ khoảng 5 tấn cho hay: HTX mới thành lập nhưng thấy hoạt động đã dần ổn định. "Sản phẩm đầu ra của HTX cũng đang dần tốt hơn. Các thành viên tích cực hoạt động, trách nhiệm với công việc. Tôi tham gia HTX với mong muốn được hỗ trợ kỹ thuật phát triển quy mô nuôi lươn của gia đình ngày càng tốt hơn", ông Phục cho biết.