| Hotline: 0983.970.780

Hỏi - đáp về nuôi và thương mại yến sào

Chủ Nhật 11/12/2022 , 16:07 (GMT+7)

Chuyên gia Cục Chăn nuôi giải đáp một số nội dung về nuôi và thương mại yến sào nhân Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Ngày 10/12, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Bộ NN-PTNT đã tổ chức diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”. Tại diễn đàn, một số vấn đề về nuôi và thương mại yến sào được doanh nghiệp đặt ra. Sau đây là giải đáp của chuyên gia Cục Chăn nuôi một số nội dung:

Hỏi:

- Với tư cách chủ nhà yến, nếu tôi đăng ký vào chuỗi cung cấp nguyên liệu cho 1 công ty sơ chế xuất khẩu nào đó, rồi công ty đó chưa có khách hàng nên họ không thu mua yến nhà tôi, cùng lúc đó có 1 đơn vị chế biến xuất khẩu khác có khách hàng và muốn mua yến nhà tôi để làm xuất khẩu; vậy tôi có được đăng ký thêm làm chuỗi cung cấp cho đơn vị đã có đơn hàng xuất khẩu kia không? vì theo một chuyên gia nói ở Diễn đàn nông sản 970 ngày 7/12/2022, một nhà yến chỉ được đăng ký cho 1 đơn vị chế biến xuất khẩu. Có nghĩa là, nếu chủ nhà yến đăng ký làm chuỗi cung cấp cho 1 công ty xuất khẩu, và công ty đó họ không có đơn hàng, vậy chủ nhà yến sẽ không bán được yến xuất khẩu giá cao, và một số công ty có đơn hàng thì lại không có nguồn nguyên liệu để mua.

-  Trong nghị định thư có nói về việc giám sát quy trình thu hoạch - vận chuyển nguyên liệu tổ yến thô từ nhà nuôi đến cơ sở sản xuất, ví dụ nhà nuôi ở Tây Ninh còn cơ sở sơ chế xuất khẩu thì ở TP.HCM, vậy quy trình giám sát sẽ như thế nào để đảm bảo việc nguồn nguyên liệu không bị pha trộn hàng có xuất xứ nơi khác? (Công ty yến sào Nam Hải)

to yen 3

Chế biến yến sào xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trả lời:

1. Chủ nhà yến cung cấp tổ yến cho một nhà thu mua hay nhiều người thu mua sẽ do thỏa thuận của chuỗi liên kết mà doanh nghiệp xuất khẩu kiểm soát, một nhà yến có thể cung cấp cho nhiều tổ chức xuất khẩu, quy định pháp luật hiện hành không quy định hoạt động này.

Nhưng để đủ điều kiện xuất khẩu đối với cơ sở nuôi yến và sản phẩm tổ yến của anh chị khi và chỉ khi đáp ứng các yêu cầu sau:

- Đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được cấp mã định danh cơ sở nuôi chim yến và nằm trong danh sách cơ sở cung cấp tổ yến nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu, đã được doanh nghiệp đăng ký và gửi cho Tổng cục Hải quan (TCHQ) Trung Quốc phê duyệt.

- Phải được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle (thực hiện theo chương trình giám sát dịch bệnh hằng năm) và không nằm trong vùng có dịch cúm gia cầm trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm xuất khẩu.

- Phải tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp xuất khẩu và thực hiện các quy định về sổ sách ghi chép, kiểm soát quá trình thu hoạch, chế biến, đóng gói và vận chuyển.

2. Việc giám sát tại cơ sở nuôi và cơ sở chế biến, đóng gói sẽ có những quy định cụ thể để đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc, một nguyên tắc đặt ra là cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và chủ hộ phải đồng bộ trong hành động.

- Cơ quan quản lý sẽ phải làm nhiệm vụ như sau:

+ Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát bệnh Cúm gia cầm và Newcastle tại các nhà nuôi yến.

+ Xây dựng quy trình quản lý nhà yến, kiểm soát vệ sinh đối với tổ yến trong quá trình thu hoạch và vận chuyển.

+ Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát an toàn thực phẩm tổ yến.

+ Thực hiện kiểm dịch, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thú y cho tổ yến xuất khẩu.

+ Hằng năm, cung cấp cho TCHQ Trung Quốc báo cáo kết quả giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm và kế hoạch của năm tiếp theo.

+ Thẩm định và cung cấp cho TCHQ Trung Quốc danh sách nhà yến đủ điều kiện.

+ Thẩm định và hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký trên hệ thống CIFER của TCHQ Trung Quốc theo Lệnh 248.

+ Giám sát doanh nghiệp chế biến tổ yến có biện pháp khắc phục khi có vấn đề không đạt yêu cầu xảy ra, bao gồm cả biện pháp thu hồi sản phẩm, đình chỉ xuất khẩu nếu thấy cần thiết.

- Đối với cơ sở nuôi yến:

+ Phải đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền và gửi danh sách cho TCHQ Trung Quốc.

+ Phải được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh Cúm gia cầm và Newcastle.

+ Có sổ sách ghi chép nhật ký nuôi chim yến, thu hoạch tổ yến.

+ Phải được cơ quan thú y kiểm soát trong quá trình thu hoạch và vận chuyển tổ yến đến doanh nghiệp chế biến.

- Đối với cơ sở chế biến:

+ Phải được Cục Thú y thẩm định, giám sát an toàn thực phẩm.

+ Phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc từ nhà yến đến sản phẩm xuất khẩu.

+ Có hệ thống xử lý nhiệt hiệu quả.

+ Có hệ thống quản lý chất lượng (ví dụ HACCP, ISO…).

+ Phải đăng ký với TCHQ Trung Quốc theo Lệnh 248 và được TCHQ Trung Quốc chấp thuận.

Để bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mỗi khâu trong chuỗi sản phẩm phải được nghi chép cụ thể, số liệu được lưu bằng sổ sách hoặc phần mềm quản trị.

Có nhiều biện pháp để giám sát đối với trường hợp vận chuyển tổ yến từ Nhà yến đến cơ sở sơ chế biến để không bị pha trộn trên đường vận chuyển. Tùy thuộc vào yêu cầu của phía doanh nghiệp xuất khẩu, nước nhập khẩu, cơ quan quản lý sẽ có hướng dẫn cụ thể. Biện pháp trước mắt là dán niêm phong bao bì vận chuyển và ghi đầy đủ thông tin về hàng hóa bên trong bao bì, tên phương tiện vận chuyển, tên lái xe, thời điểm giao hàng, địa chỉ giao hàng, người giao và người nhận, lập phiếu giao hàng.

***

Hỏi:

Để xây dựng thêm vùng nguyên liệu yến sào, với quy định hiện nay thì chỉ đất nông nghiệp khác mới được phép xây nhà yến nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện theo Nghị định 13. Như vậy hầu như là rất khó để có một nhà dẫn dụ nuôi yến hình thành đúng quy định. Vì vậy cần mở rộng thêm quy định đối với đất được phép xây dựng nhà dẫn dụ chim yến chỉ cần là đất nông nghiệp là được, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương và chỉ cấp phép là nhà dẫn dụ nuôi yến, không cấp phép là nhà ở. Theo rà soát sơ bộ hiện nay với hơn 100 tấn tổ yến/năm của 44 tỉnh thành, chỉ hơn 30% là đủ tiêu chuẩn, gọi là tổ yến đẹp, quá ít để xuất khẩu lâu dài? (Hội Yến sào tỉnh Phú Yên)

Trả lời:

Quản lý nuôi chim yến được quy định tại Điều 64 và điểm h khoản 1 Điều 80 Luật Chăn nuôi; Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Điều 4 và Phụ lục II, III Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP quy định về quản lý nuôi chim yến. Đối với vùng nuôi chim yến (khoản 1) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, vùng nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.

Đối với cơ sở  nuôi chim yến (khoản 2), yêu cầu nhà yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới.

Đối với nhà yến xây dựng mới vào thời điểm sau khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực ban hành thì vị trí xây dựng phải thuộc “Vùng nuôi chim yến” do Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, đồng thời đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP.

to yen 2

Nhà nuôi yến ở Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khi đi vào hoạt động, với quy mô tối thiểu 01 nhà yến phải thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Điều 54 Luật Chăn nuôi và Phụ lục II, III Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT.

Luật Chăn nuôi không quy định nhà yến thuộc đối tượng phải đánh giá và cấp chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi trước khi đi vào hoạt động; do vậy, việc cấp phép xây dựng nhà yến thực hiện theo quy định pháp luật về lĩnh vực xây dựng; có các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; những thiết bị để dẫn dụ yến phát ra âm thanh có cường độ đo tại miệng loa không được vượt quá 70dBA (đề xi ben A).

Như vậy, pháp luật hiện hành đã có những quy định chuyển tiếp để bảo đảm tính hợp pháp của các "nhà dẫn dụ nuôi yến" được duy trì hoạt động, đồng thời mở ra những vùng nuôi mới nhằm phát triển nghề nuôi chim yến.

Về sản lượng, định hướng năm 2023 nước ta có sản lượng khoảng 150 tấn yến sào, trong khi đó nhu cầu của Trung Quốc là rất lớn. Do vậy, để bảo đảm thị trường trong nước và xuất khẩu bền vững, cần triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh yến sào.

Trước mắt cần thống kê chính xác cơ sở nuôi chim yến, dự báo được sản lượng sản xuất trong nước; hướng dẫn quản lý đồng bộ để các địa phương và doanh nghiệp, chủ nhà nuôi yến thực hiện đồng bộ trên toàn quốc. Đồng thời tăng cường biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh cơ sở gây nuôi chim yến. Các địa phương có chim yến cần ban hành quy hoạch phù hợp vùng nuôi mới, giám sát các cơ sở nuôi yến hiện hữu trong khu dân cư.

(ghi)

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất