| Hotline: 0983.970.780

Hơn 1.000 ha lúa phải chuyển đổi, bỏ hoang do thiếu nước

Thứ Năm 07/07/2022 , 18:30 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Hơn 1.000 ha lúa ở Thừa Thiên - Huế buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc bỏ hoang do không chủ động được nguồn nước tưới và trễ lịch thời vụ.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng, khô hạn và xâm nhập mặn, đã khiến nhiều diện tích đất lúa vụ hè thu 2022 phải chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc bỏ hoang do không chủ động được nguồn nước tưới.

Theo đó, vụ hè thu 2022, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế  gieo sạ khoảng 24.630 ha, đạt 95,8% so với kế hoạch. Cơ cấu giống trong vụ hè thu này chủ yếu nhóm giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, chủ lực là Khang dân, TH5, HT1, HN6, ĐT100...

Nhiều diện tích đất lúa ở tỉnh Thừa Thiên - Huế phải bỏ hoang do thiếu nước và trễ lịch thời vụ trong vụ hè thu 2022. Ảnh: Công Điền.

Nhiều diện tích đất lúa ở tỉnh Thừa Thiên - Huế phải bỏ hoang do thiếu nước và trễ lịch thời vụ trong vụ hè thu 2022. Ảnh: Công Điền.

Diện tích còn lại khoảng 1.073 ha không thể sản xuất, trong đó hàng trăm ha đất lúa buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Số diện tích còn lại chủ yếu do thiếu nước và trễ so với khung lịch thời vụ nên không thể gieo sạ được. Diện tích thiếu nước tập trung chủ yếu ở các khu vực vùng gò đồi, vùng cát ven biển, vùng cuối kênh.

Trước tình hình đó, nhằm đảm bảo cây lúa vụ hè thu sinh trưởng và phát triển ổn định, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, Chi cục Trồng trọt và BVTV Thừa Thiên - Huế đã tham mưu Sở NN-PTNT, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó với thời tiết bất thuận.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Thừa Thiên – Huế cho biết, đối với những diện tích gieo sạ muộn so với khung lịch thời vụ, cần chăm sóc, bón phân cân đối và theo nguyên tắc "nặng đầu nhẹ cuối" giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển và rút ngắn thời gian sinh trưởng.

Riêng các chân ruộng bị chua phèn, cần tăng cường bón vôi hoặc phân lân hạ phèn để thau chua, rửa phèn, thường xuyên giữ nước trong ruộng nhằm hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ ảnh hưởng sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Người dân chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng hoa màu. Ảnh: Công Điền.

Người dân chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng hoa màu. Ảnh: Công Điền.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như bón phân cân đối, thường xuyên theo dõi hiện tượng ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ để có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo và chỉ đạo phòng trừ các sinh vật gây hại trên cây trồng kịp thời, hiệu quả .

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chuẩn bị tốt các phương án chống hạn; vận động nhân dân tham gia bảo vệ công trình đầu mối, tổ chức phát dọn, gia cố kênh mương nội đồng để tích nước, phòng chống khi có hạn xảy ra và các diễn biến xấu của thời tiết…

Trước đó, vụ đông xuân 2021 - 2022, thời tiết đã có diễn biến không theo quy luật, nhất là các đợt mưa lớn bất thường, trái quy luật, làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.