Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số mới nhất cho thấy, mặc dù số lượng trẻ em gái được sinh ra ở Trung Quốc đã tăng nhẹ trong mười năm qua, nhưng vấn đề mất cân bằng giới tính ở nước này vẫn khó có thể được giải quyết sớm.
Trong khi những người đàn ông độc thân ở các nước khác đi tìm kiếm cô dâu ở nước ngoài, ông Cai cho biết chuyện này ở Trung Quốc không phải là một giải pháp dễ dàng. “Khi chúng ta nói về 20 đến 30 triệu đàn ông đang tìm kiếm một người vợ, con số này thậm chí còn nhiều hơn dân số của một số quốc gia”, ông Cai khẳng định.
Dựa theo dữ liệu công bố chính của Cục Thống kê Quốc gia vào tuần trước: Trong số 12 triệu trẻ được sinh ra vào năm 2020, cứ 100 bé gái thì có 111,3 bé trai. Và số liệu nghiên cứu toàn quốc trước đó, hoàn thành vào năm 2010, tỷ lệ này là 118,1 bé trai trên 100 bé gái.
Theo giáo sư khoa học xã hội và chính sách công Stuart Gieten-Basten (Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông), các con số trên vẫn phản ánh mong muốn phổ biến của các gia đình Trung Quốc là “có con trai vẫn hơn”.
“Thông thường ở Trung Quốc, đàn ông khi kết hôn thường lấy người phụ nữ trẻ hơn họ rất nhiều, nhưng khi dân số bị già đi thì ngày càng dôi ra nhiều đàn ông lớn tuổi hơn, điều này càng làm căng thẳng thêm tình hình. Ngoài ra, xu hướng ngày càng có nhiều phụ nữ sống độc thân hơn, khiến cho hệ thống hôn nhân khó được cải thiện”, ông Basten nói.
Ước tính, trong số 12 triệu trẻ sinh ra vào năm ngoái, thì sẽ có tới 600.000 bé trai lớn lên sẽ không thể tìm được bạn đời bằng tuổi.
Jiang Quanbao, giáo sư nhân khẩu học (Đại học Giao thông Tây An) cho biết: "Trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2020, ở Trung Quốc có khoảng từ 30 đến 40 triệu nam giới được sinh ra chênh với nữ giới. Và họ đang thuộc diện phải chật vật đi tìm kiếm cô dâu".
Theo ông Jiang, chính sách một con của Trung Quốc, được thực hiện vào năm 1979 và bị thu hồi vào năm 2016 đã làm trầm trọng thêm hành vi phá thai lựa chọn giới tính theo hướng “thiên về bé trai”.
Cục Thống kê Quốc gia thì cho biết, hiện tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,3 trẻ em trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Cai Yong, phó giáo sư nhân khẩu học xã hội (Đại học Bắc Carolina) cho biết, đàn ông thuộc các tầng lớp xã hội thấp hơn thường gặp khó khăn nhất trong việc tìm kiếm vợ. “Họ có xu hướng yếm thế và không có kỹ năng để cạnh tranh vì đa số là dân các vùng nông thôn và ít được giáo dục", ông Cai nói.
Giáo sư Jiang cho biết thêm, những nam giới ế vợ cũng có nhiều khả năng đối mặt những vấn đề về sức khỏe cả thể chất lẫn tâm lý nếu không có đời sống hôn nhân. "Người Trung Quốc thường dựa vào vợ hoặc chồng và cậy nhờ con cái khi tuổi già, nhưng những người đàn ông ế vợ này không có những mối quan hệ như vậy", ông Jiang nói thêm.
Ông Cai thì cho rằng, mối tương quan giữa mất cân bằng giới tính và tỷ lệ tội phạm không phổ biến ở Trung Quốc và bác quan điểm của một số người nói rằng những người đàn ông không được thỏa mãn nhu cầu tình dục có thể gây ra vấn đề cho xã hội.
Isabelle Attane, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Pháp cho biết, tình trạng khủng hoảng thiếu phụ nữ ở Trung Quốc đã khiến địa vị xã hội của họ được cải thiện chút đỉnh.
“Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc bắt đầu coi trọng con gái hơn và coi chúng đáng tin cậy hơn trong việc hỗ trợ khi về già”, theo nghiên cứu. Do đó, bà Isabelle hy vọng tỷ lệ giới tính khi sinh của Trung Quốc sẽ bình thường hóa trong thập kỷ tới, là khoảng 105 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia quốc tế nhìn nhận kém lạc quan hơn, khi cho rằng việc thay đổi thái độ trong xã hội Trung Quốc “sẽ phải mất một thời gian”, nhưng không rõ là trong bao lâu.