| Hotline: 0983.970.780

Hồng không hạt Bắc Kạn thất thu vì nhiễm bệnh

Thứ Tư 14/10/2020 , 06:35 (GMT+7)

Nhiều diện tích thất thu vì cây hồng bị nhiễm bệnh thán thư. Cá biệt có những xã mất tới 70% sản lượng, gây thiệt hại nặng cho người trồng.

Khoảng 70% diện tích hồng Bắc Kạn bị thất thu do cây ít quả do bị rụng, quả còn lại nhỏ hơn năm trước. Ảnh: P.V.

Khoảng 70% diện tích hồng Bắc Kạn bị thất thu do cây ít quả do bị rụng, quả còn lại nhỏ hơn năm trước. Ảnh: P.V.

Huyện Ba Bể là địa phương có diện tích hồng không hạt lớn bậc nhất của Bắc Kạn, trong đó, có nhiều vườn hồng hàng chục năm tuổi, đang độ cho thu hoạch tốt. Tuy nhiên, vụ hồng năm nay, nhiều người dân méo mặt vì quả rụng đầy gốc.

Xã Quảng Khê có diện tích hồng không hạt lớn nhất huyện Ba Bể với gần 70ha, năm nay có tới 70% diện tích hồng bị rụng quả, không cho thu hoạch.

Ông Đồng Văn Lợi Giám đốc HTX Đồng Lợi, xã Quảng Khê cho biết, HTX có 10 thành viên trồng hồng thì vụ này có tới 8 thành viên thiệt hại nặng vì quả rụng.

Từ 2018 trở lại đây, cây hồng bắt đầu xuất hiện bệnh thán thư. Người trồng chưa thấy cây hồng bệnh này bao giờ nên rất hoang mang, chưa biết cách phòng trừ bệnh triệt để. Năm nay, một số hộ có phun và phòng trừ được chu đáo thì kết quả cũng khá tốt nhưng những hộ còn hoài nghi, chưa thực hiện đầy đủ cách phòng trừ thì hiệu quả rất thấp.

Huyện Ba Bể có 15 xã trồng hồng với tổng diện tích hơn 300ha thì có tới hơn 100ha bị rụng quả từ 30 - 70% diện tích. Trong đó, có khoảng 30% mất mùa do thời tiết, 10% do cây thiếu dinh dưỡng và 60% do bị bệnh thán thư. Mất mùa, thất thu nhưng giá quả hồng trên thị trường cũng thấp hơn so với mọi năm, dao động từ khoảng 25.000 - 35.000 đồng/kg cho nên người trồng càng thiệt hại nặng.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Ba Bể, ngay từ đầu khi phát hiện tình hình thán thư khô cành, phòng chuyên môn cũng tham mưu cho huyện phun phòng trừ hỗ trợ phun tập trung, vận động bà con nông dân phun. Vì vậy, nhiều diện tích đã được bảo vệ, tuy nhiên năng suất những diện tích này cũng bị giảm so với trước.

Từ năm 2019, cây hồng không hạt tại Bắc Kạn bắt đầu xuất hiện tình trạng quả bị rụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng. Năm 2020, tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn hiện tượng rụng quả tiếp tục diễn ra và có xu hướng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thán thư, bệnh khô cành, nấm hồng gây hại; thời tiết phức tạp và thiếu chăm sóc cho cây. Toàn tỉnh có hơn 700ha hồng, tập trung ở Chợ Đồn và Ba Bể thì tỷ lệ rụng quả khi còn non lên tới 40%, trong đó từ 50-60% diện tích rụng do nhiễm bệnh hại.

Quả hồng bị rụng khi còn non gây thiệt hại nặng cho người trồng ở Ba Bể. Ảnh: P.V.

Quả hồng bị rụng khi còn non gây thiệt hại nặng cho người trồng ở Ba Bể. Ảnh: P.V.

Để phòng, trừ bệnh hại cây hồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn đã ban hành các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn cho người dân phun phong, trừ bệnh hại. Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể và UBND xã Quảng Khê tiến hành hướng dẫn bà con cắt tỉa cành bị bệnh và phun trừ bệnh thán thư bằng thuốc Score 250EC trên diện tích 31 ha tại thôn Nà Chom, xã Quảng Khê.

Cơ bản những diện tích được phun trừ bệnh đã dừng không lây lan ra những diện tích khác. Những diện tích thực hiện chăm sóc, phun phòng, trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ rụng quả chỉ khoảng 10 - 20%, thấp hơn so với các vườn chăm sóc kém, phòng, trừ bệnh không kịp thời hoặc không phòng, trừ bệnh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Kạn Hoàng Thanh Bình cho biết, việc phòng, trừ hiệu quả nhất là khi cây hồng bắt đầu đơm quả phải phun thuốc ngay. Tuy nhiên, phần lớn diện tích người dân chỉ phun trừ khi phát hiện dịch bệnh vào thời điểm quả hồng đã lớn cho nên hiệu quả bảo vệ thấp.

Do đó, đơn vị kiến nghị các địa phương cần tăng cường hướng dẫn người dân cắt tỉa, loại bỏ những cành nhỏ, cành yếu, cành sâu bệnh, cành khô; thường xuyên tưới nước nhất là khi cây đang trong giai đoạn ra hoa, nuôi quả; bón phân cho cây. Để phòng bệnh thán thư, bệnh nấm hồng, bệnh khô cành cần thực hiện phun phòng sớm vào thời điểm cây ra lộc, trước khi nở hoa năm ngày, hoa nở 30 - 40%.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính gây thất thu hồng ở Bắc Kạn vụ năm nay là do đại bộ phận người dân chủ quan, chính quyền các địa phương triển khai thiếu quyết liệt công tác phòng, trừ dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đây là bài học đắt giá cần được Bắc Kạn sớm rút kinh nghiệm, không để tái diễn trong vụ hồng tới.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.