| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

Hợp tác quốc tế cùng xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững

Thứ Năm 06/10/2022 , 08:46 (GMT+7)

Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp giúp thay đổi quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất, kết nối thị trường, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp bền vững.

Đổi mới sáng tạo thay đổi chuỗi giá trị

Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ĐBSCL. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo không gian chung cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, các đối tác quốc tế và cơ quan nhà nước cùng trao đổi các cơ hội hợp tác cụ thể, thảo luận về các mục tiêu cho tương lai của nông nghiệp ĐBSCL. Đây là một hoạt động quan trọng của Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam (GIC Việt Nam), một dự án hỗ trợ các đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài.

Hội thảo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ĐBSCL do Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức. Ảnh Trung Chánh.

Hội thảo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ĐBSCL do Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức. Ảnh Trung Chánh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam, với 3 sản phẩm chủ lực là lúa gạo, trái cây và thủy sản. Đổi mới sáng tạo chúng ta tập trung vào thay đổi quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, kêt nối thị trường tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo và trái cây (cụ thể là xoài). Đối tượng để tham gia thực hiện dự án là các hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, cần thay đổi quản trị sản xuất bằng nông nghiệp số. Ngoài ra, dự án cũng cần phải tập trung vào việc thu gom, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất, để gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm Việt Nam là một sáng kiến rất hay và thiết thực. Dự án tập trung và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch, sơ chế, chế biến, hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ. Chuỗi giá trị các ngành hàng này gắn với những vùng nguyên liệu lớn đã được xác định, như: vùng trồng xoài, vùng nguyện liệu lúa gạo và vùng nguyên liệu lúa - tôm, một mô hình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu rất hiệu quả.

Các đại biểu thăm khu trưng bày các kết quả về chương trình canh tác lúa bền vững SRP và thúc đẩy sáng tạo chế biến rơm rạ. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu thăm khu trưng bày các kết quả về chương trình canh tác lúa bền vững SRP và thúc đẩy sáng tạo chế biến rơm rạ. Ảnh: Trung Chánh.

Để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững các ngành hàng, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022  2025. Đề án sẽ được triển khai trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh ĐBSCL. Mục tiêu chung của đề án là hình thành năm vùng trọng điểm sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN-PTNT) cho biết, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tập trung vào 6 vấn để cốt lõi, giải quyết các vấn đề còn bất cập trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đó là, đầu tư phát triển hạ tầng sản xuất kinh doanh, xây dựng các cơ sở chế biến để hoàn thiện sản phẩm thương mại. Củng cố tổ chức sản xuất, trong đó chú trọng củng cố hợp tác xã để tập hợp nông dân cùng nhau sản xuất đạt các chuẩn theo quy định. Phát triển Tổ khuyến nông cộng đồng để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phát triển các hoạt động liên kết chuỗi giá trị ngành hàng. Hỗ trợ các dịch vụ công trong xác nhận chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thực hiện tốt quản trị vùng nguyên liệu, dựa trên nền tảng quản trị số.

Hỗ trợ nông hộ tham gia đổi mới nông nghiệp

GIC Việt Nam là một hợp phần của Chương trình Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh trong Nông nghiệp và Thực phẩm (GIC), thuộc sáng kiến toàn cầu về chống đói nghèo, “Một thế giới không nạn đói”, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, thực thi bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại 15 nước Châu Phi và Châu Á.

Dự án GIC Việt Nam được triển khai tại sáu tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng, thông qua thúc đẩy và tăng cường năng lực áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo và những mô hình kinh tế có tính cạnh tranh. GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường quốc tế. Dự án sẽ giúp cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu của hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở ĐBSCL là lúa gạo và xoài.

Trạm quan trắc thông minh giúp nông dân theo dõi, quản lý sinh vật gây hại trên đồng ruộng được lắp tại Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 7A, giúp nông dân quản lý tốt đồng ruộng. Ảnh: Trung Chánh.

Trạm quan trắc thông minh giúp nông dân theo dõi, quản lý sinh vật gây hại trên đồng ruộng được lắp tại Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 7A, giúp nông dân quản lý tốt đồng ruộng. Ảnh: Trung Chánh.

Tại ĐBSCL, dự án GIC Việt Nam đã xác định được những đổi mới chính cho chuỗi giá trị lúa gạo và xoài, bao gồm các giải pháp kỹ thuật và tổ chức trong sản xuất, chế biến và tiếp thị. Dự án đặt trọng điểm vào những đổi mới sáng tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó có thể kể tới việc thúc đẩy các giống lúa có nhu cầu cao, các tiêu chuẩn nông nghiệp cải tiến, tuân thủ an toàn thực phẩm và chứng nhận chất lượng, cung cấp dịch vụ cho các nông hộ nhỏ theo định hướng kinh doanh. Thêm vào đó, dự án cũng triển khai các sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và tái chế rơm rạ và trấu.

Với chuỗi giá trị xoài, các đổi mới sáng tạo bao gồm cải thiện quản lý vườn cây ăn quả và sức khỏe cây trồng, giảm thất thoát sau thu hoạch được thực hiện thông qua mô hình trung tâm xúc tiến phát triển xoài.

Các đại biểu đã đi tham quan thực địa tại Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 7A, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang, đơn vị đang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng theo tiêu chuẩn SRP.. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu đã đi tham quan thực địa tại Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 7A, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang, đơn vị đang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng theo tiêu chuẩn SRP.. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Oemar Idoe, Phó Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam cho biết, việc áp dụng thành công các đổi mới sáng tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Cần có các giải pháp đổi mới, cạnh tranh, đồng thời xây dựng năng lực áp dụng các đổi mới này, sau đó thúc đẩy triển khai mở rộng các đổi mới sáng tạo thông qua các cơ chế dựa trên thị trường với sự hỗ trợ có tính hệ thống từ Chính phủ.

Tại hội thảo, các hợp tác xã và các doanh nghiệp đã nêu ra những thuận lợi và khó khăn vướng mắc trong quá trình hợp tác cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về thúc đẩy đổi mới sáng tạo để phát triển các vùng nguyên liệu lúa gạo và trái cây.

Thăm khu trưng bày các kết quả về chương trình canh tác lúa bền vững SRP và thúc đẩy sáng tạo chế biến rơm rạ. Chương trình thúc đẩy phát triển hợp tác xã và đào tạo kinh doanh cho nông dân (FBS). Chương trình xây dựng chuỗi giá trị xoài. Buổi chiều, các đại biểu đã đi tham quan thực địa tại Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 7A (xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) đơn vị đang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng theo tiêu chuẩn SRP.

Trưởng nhóm dự án GIC, ông Treffner Jens cho biết: “Trong thời gian triển khai thực hiện (2020-2024), GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình, nâng cao thu nhập từ 15-20%. Đào tạo 12.000 nông hộ để áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp”.

(Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 10 tháng tăng cả về khối lượng và giá trị

Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120 nghìn tấn, trị giá gần 212 triệu USD.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.