I. Gia súc
1. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng
Đây là việc làm cấp bách cần thực hiện ngay sau khi kết thúc mưa bão để tiêu diệt mầm bệnh, tránh lây lan dịch bệnh:
- Vệ sinh, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi.
- Thu gom và xử lý xác động vật chết bằng hình thức chôn hoặc đốt để giảm thiểu lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
- Vệ sinh khử trùng, tiêu độc nguồn nước phục vụ chăn nuôi.
Đối với các vùng chưa có nhà máy cấp nước, phải sử dụng nguồn nước từ sông, suối, nước giếng thì cần xử lý nước trước khi sử dụng theo 3 bước sau:
Bước 1: Vệ sinh giếng nước
Múc cạn nước giếng tồn đọng và nạo vét hết bùn cặn. Nếu không thể thau vét được thì áp dụng biện pháp xử lý tạm thời. Múc nước lên rồi đựng vào bể chứa tạm thời, đánh phèn làm trong nước rồi khử trùng.
Bước 2: Làm trong nước
Sử dụng 1g phèn chua cho 25 lít nước. Trường hợp không có phèn chua có thể thay thế bằng vải lọc (chú ý cần làm nhiều lần để nước trong và thay vải khi thấy cặn trên vải nhiều).
Bước 3: Khử trùng nước
Để khử trùng nước, hiện nay thường dùng hóa chất Cloramin B. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Vệ sinh, khử trùng đồng cỏ, bãi chăn.
2. Quản lý và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Tuyệt đối không chăn thả gia súc ở những khu vực bị ô nhiễm hoặc đồng cỏ chưa được xử lý vệ sinh.
- Khi phát hiện gia súc có dấu hiệu nghi bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định.
- Giữ ấm cho gia súc, tách riêng gia súc ốm, già yếu, gia súc non để có chế độ chăm sóc đặc biệt và điều trị bệnh kịp thời tránh lây lan dịch bệnh.
- Không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết; không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.
- Thực hiện tiêm phòng định kỳ hoặc tiêm phòng bổ sung đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh trên gia súc theo khuyến cáo của cơ quan thú y địa phương.
3. Tái đàn
Chỉ tái đàn khi đảm bảo các điều kiện sau:
a) Tu sửa, xây mới chuồng trại, thực hiện các biện pháp vệ sinh khủ trùng đảm bảo vệ sinh, an toàn trước khi thực hiện tái đàn.
b) Chuẩn bị đầy đủ thức ăn theo yêu cầu của vật nuôi.
c) Chuẩn bị con giống: Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định.
II. Gia cầm
1. Xử lý môi trường chăn nuôi
Bước 1: Thu gom và xử lý xác gia cầm chết theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Bước 2: Thực hiện công tác vệ sinh, quét dọn chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, hệ thống ống dẫn, bể chứa nước và dụng cụ chứa nước.
Bước 3: Tiến hành phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi 2 lần/tuần bằng thuốc sát trùng; rắc vôi bột hoặc phun các loại thuốc sát trùng toàn bộ lối đi, hành lang, cổng, đường đi và phương tiện. Nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng và có tác dụng diệt trùng nhanh, hoạt lực kéo dài, ổn định.
Bước 4: Tiến hành sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước, hệ thống xử lý nước thải (nếu bị hư hỏng).
Bước 5: Nạo vét, khơi thông hệ thống cống, rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm, hố chứa phân, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.
2. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia cầm
Đây là một trong những biện pháp quan trọng, nâng cao sức đề kháng đàn gia cầm sau bão lũ, hạn chế phát sinh dịch bệnh, thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Cung cấp thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng và số lượng phù hợp với từng lứa tuổi gia cầm. Gia cầm bị ngập nước, bị nhiễm lạnh phải sưởi ấm cho đàn gia cầm, đặc biệt là gia cầm non.
Bước 2: Bổ sung vitamin, premix khoáng, B-Complex, men tiêu hóa… cho đàn gia cầm để nâng cao sức đề kháng.
Bước 3: Triển khai tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn gia cầm theo hướng dẫn cơ quan thú y.
Bước 4: Bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn, nước uống và làm đệm lót chăn nuôi gia cầm.
Bước 5: Kiểm tra kỹ khâu bảo quản thức ăn vì sau bão, lũ thời tiết ẩm thấp, mưa dột làm thức ăn hay bị ẩm mốc để phát hiện kịp thời cần loại bỏ ngay, tuyệt đối không cho gia cầm ăn.
Bước 6: Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn gia cầm, tuyệt đối không chăn thả ở những khu vực bị ô nhiễm; hàng ngày kiểm tra đàn gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn; tình trạng sức khoẻ đàn gia cầm để xử lý kịp thời khi đàn gia cầm mắc bệnh.
3. Công tác tái đàn gia cầm
Chỉ tái đàn khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sau:
- Sau khi chuồng trại chăn nuôi đã gia cố xong như mái lợp, hệ thống bạt che chắn xung quanh chuồng nuôi, dụng cụ trang thiết bị chăn nuôi đầy đủ, khu vực chăn nuôi đạt tiêu chuẩn để công tác tái đàn đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học.
- Lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở giống có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng vacxin theo quy định.
- Đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn, nước uống, chất độn chuồng.
- Công tác vệ sinh thú y: Chuẩn bị vacxin, vitamin, premix khoáng, men tiêu hóa, men vi sinh… Ngoài ra cần chuẩn bị dung dịch tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi.