| Hotline: 0983.970.780

Huyện có hơn 1.000 lồng cá lòng hồ

Thứ Hai 06/11/2023 , 17:33 (GMT+7)

Để hoạt động nuôi, trồng thủy sản hồ chứa tại Đà Bắc phát triển, người sản xuất phải giải quyết được 'bài toán' chi phí đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ chưa ổn định…

Tại huyện Đà Bắc, các hộ nuôi cá lòng hồ đã đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, hình thành các chuỗi liên kết... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Tại huyện Đà Bắc, các hộ nuôi cá lòng hồ đã đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, hình thành các chuỗi liên kết... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Với lợi thế có hơn 7.000ha mặt nước hồ thủy điện, trong những năm qua, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển nuôi, trồng thủy sản khu vực lòng hồ nhằm góp phần tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đà Bắc, từ chỗ số lượng hộ, lồng nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến hiện tại, toàn huyện có hơn 1.000 lồng nuôi cá, sản lượng trung bình hằng năm trên 1.000 tấn; tập trung tại các xã Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong.

Để giữ vững được thương hiệu “cá sông Đà - Hòa Bình”, gia tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các hộ đã đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, hình thành các chuỗi liên kết, gắn hoạt động sản xuất với phát triển du lịch.

Theo anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc HTX Đà Giang Eco, để hoạt động nuôi, trồng thủy sản lòng hồ phát triển, các hộ phải giải quyết được cùng lúc nhiều 'bài toán'. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc HTX Đà Giang Eco, để hoạt động nuôi, trồng thủy sản lòng hồ phát triển, các hộ phải giải quyết được cùng lúc nhiều “bài toán”. Ảnh: Trung Quân.

Ghi nhận trên địa bàn xã Tiền Phong, anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc HTX Đà Giang Eco, xóm Điêng Lựng, xã Tiền Phong chia sẻ, HTX có 10 thành viên với 40 lồng nuôi cá lăng, trắm đen. Sản lượng trung bình thu được 7-8 tạ/lồng/lứa.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX đã thống nhất với các thành viên áp dụng chung quy trình kỹ thuật chăm sóc (mật độ nuôi, phối trộn thức ăn…); tuân thủ những nguyên tắc bất di, bất dịch như: sử dụng con giống, thức ăn từ các đơn vị uy tín; không lạm dụng kháng sinh; có nhật ký ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc; thực hiện giám sát, quản lý chéo giữa các hộ…

Theo anh Hưng, việc phát triển nuôi, trồng thủy sản trên hồ chứa có nhiều thuận lợi như diện tích mặt nước lớn, nguồn nước ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nông nghiệp, công nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn tại chỗ như ngô, khoai, sắn, cỏ, cá, tép tạp… dồi dào, giúp người nuôi giảm được nhiều chi phí thức ăn, gia tăng chất lượng, giá bán sản phẩm.

Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự đạt được hiệu quả, người nuôi phải giải quyết được cùng lúc nhiều “bài toán” như chi phí đầu tư ban đầu lớn (1 lồng nuôi để có thể đưa vào hoạt động tiêu tốn khoảng 90-100 triệu đồng); phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên nên việc quản lý, bảo vệ, thu hoạch thủy sản khó khăn; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định…

Ông Bùi Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết, toàn xã có gần 800 lồng cá với 400 hộ tham gia nuôi. Trước đây, thu nhập của người dân trên địa bàn xã chủ yếu dựa vào cây ngô, sắn, luồng, số ít phát triển trồng rừng nhưng hiệu quả rất thấp. Từ khi nghề nuôi cá lồng hình thành và phát triển đã góp phần không nhỏ giúp đời sống người dân "thay da, đổi thịt” từng ngày; thu nhập bình quân đầu người trong xã tăng lên 34 triệu đồng/người/năm.

Ông Đặng Minh Vương, xóm Túp, xã Tiền Phong cho rằng, nếu Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp đồng hành thì các hộ nuôi cá lồng sẽ vững tâm hơn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Đặng Minh Vương, xóm Túp, xã Tiền Phong cho rằng, nếu Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp đồng hành thì các hộ nuôi cá lồng sẽ vững tâm hơn. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Ánh, tiềm năng phát triển nuôi, trồng thủy sản khu vực lòng hồ gắn với du lịch trải nghiệm của xã nói riêng, các xã khác trong huyện nói chung còn rất lớn và đây là một hướng đi cần được đầu tư phát triển bài bản. Thời gian tới, xã đang định hướng cho các HTX, hộ sản xuất bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống sẽ mở rộng thêm các đối tượng nuôi theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, khuyến khích hình thành các HTX, tổ sản xuất, chuỗi liên kết để đảm bảo đủ nguồn cung, chất lượng sản phẩm, minh bạch hóa thông tin, thuận lợi tiêu thụ…

Ông Đặng Minh Vương, xóm Túp, xã Tiền Phong có 14 lồng nuôi cá cho rằng, thuận lợi, tiềm năng của việc nuôi, trồng thủy sản khu vực lòng hồ ai cũng nhìn thấy, nhưng để hộ nào cũng có thể “đổi đời” thì những chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước (quy hoạch, cấp phép sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản, ưu đãi nguồn vốn vay… ); doanh nghiệp (liên kết thu mua, chế biến sản phẩm…) cần cụ thể hơn nữa thì người dân mới thực sự an tâm sản xuất.

“Kinh nghiệm, dám vay mượn đầu tư, cần cù, chịu khó "chúng tớ" có cả. Tuy nhiên, nuôi cá lồng không khác gì đánh một canh bạc, sơ sẩy là rất dễ trắng tay. Do đó, nếu Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia đồng hành thì các hộ nuôi sẽ vững tâm hơn rất nhiều”, ông Vương bộc bạch.  

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất