| Hotline: 0983.970.780

Huyện nghèo nhưng lòng dân không khó

Thứ Sáu 25/03/2022 , 09:08 (GMT+7)

Mặc dù thuộc danh sách 74 huyện nghèo nhất cả nước, nhưng người dân ở Mường Tè (Lai Châu) vẫn sẵn sàng góp công, góp sức xây dựng quê hương đổi mới.

Pa Ủ khởi sắc

Vượt qua những khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội với nguồn lực trong dân còn hạn chế, Pa Ủ là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè (Lai Châu) đã và đang nỗ lực trên chặng đường xây dựng nông thôn mới.

Xã Pa Ủ có 855 hộ, hơn 3.300 nhân khẩu với 98% là dân tộc La Hủ sinh sống. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân xã Pa Ủ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu đồng bộ; thiên tai lũ lụt xảy ra hằng năm; tập quán canh tác nông nghiệp của người dân còn lạc hậu...

Xác định tiêu chí thu nhập được coi là cốt lõi, có vai trò thúc đẩy sự phát triển mọi mặt, là nền tảng để thực hiện các tiêu chí khác nên xã tập trung để nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 22 triệu đồng/người/năm.

Ông Thàng Xuân Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, cho biết, cấp ủy đảng, chính quyền xã luôn xác định phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Theo đó, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng lợi thế và điều kiện khí hậu, đồng thời chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.

Ở Mường Tè (Lai Châu) còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của người dân, cuộc sống của họ ngày được cải thiện. Ảnh: T.H

Ở Mường Tè (Lai Châu) còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của người dân, cuộc sống của họ ngày được cải thiện. Ảnh: T.H

Với sự hỗ trợ về nguồn vốn, cây, con giống, tập huấn khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, người dân xã Pa Ủ đã tích cực đầu tư công sức, khai hoang đất đai trồng sa nhân, ngô, các loại hoa màu, trồng cây dược liệu; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cỏ nuôi bò nhốt, nuôi gà, lợn bản...

Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân luôn được quan tâm. Phong trào xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu cư đã được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng tham gia mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người dân và phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 được triển khai bảo đảm theo quy định...

Với tinh thần nỗ lực vượt khó, cùng sự quyết tâm chung sức, đồng lòng của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đem lại diện mạo mới cho xã biên giới của Mường Tè.

Làm kinh tế giỏi được Thủ tướng khen

Sau nhiều năm trăn trở, ông Vàng Văn Bình ở thôn Pặc Pạ, xã Vàng San (huyện Mường Tè) đã tìm ra hướng đi mới để thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ông Vàng Văn Bình cho biết: Trước đây gia đình tôi là một trong những hộ kinh tế kém phát triển, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà mãi vẫn không khấm khá lên được. Có nhiều đêm tôi thức trắng, trằn trọc lo cho cuộc sống gia đình, lo làm sao để con cái có cái ăn, cái mặc và được học hành.

Người dân ở vùng biên giới Mường Tè (Lai Châu) có thu nhập cao nhờ nuôi trâu. Ảnh: T.H

Người dân ở vùng biên giới Mường Tè (Lai Châu) có thu nhập cao nhờ nuôi trâu. Ảnh: T.H

Từ khi phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp phát động, gia đình ông Bình đã mạnh dạn đầu tư mua 2 con trâu sinh sản. Sau một thời gian, 2 con trâu nái này đẻ được 2 con. Từ đấy gia đình tôi quyết tâm đầu tư vào chăn nuôi trâu và mua thêm những con trâu nhỏ khác. Khi nào trâu béo thì nhà tôi lại bán cho các thương lái trên địa bàn và ngoài tỉnh.

Chỉ sau vài năm chăn nuôi trâu, gia đình ông Bình đã thu về số vốn kha khá. Cứ thế, ông Bình tiếp tục kiên trì mua bán, trao đổi trâu. Hiện tại, gia đình nhà ông đang duy trì hơn 10 con trâu.

Cũng nhờ có uy tín, ông Vàng Văn Bình được các thương lái gần xa tin tưởng, mỗi năm nhà ông xuất bán được hơn 20 con trâu. Với giá dao động từ 25-40/triệu đồng/con và chăn nuôi thêm nhiều loại gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, gia đình ông thu về mỗi năm ngót nghét 250 triệu đồng.

Đặc biệt, năm 2019 gia đình ông Vàng Văn Bình được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều năm liền, ông được tỉnh Lai Châu, huyện và xã tặng bằng khen, giấy khen sản xuất - kinh doanh giỏi và được công nhận là gia đình văn hóa.

Có được thành công, ông Bình luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con để mọi gia đình trong thôn, ngoài bản đều có cơ hội thoát nghèo, làm giàu.

Dân góp sức, góp của

Với đặc thù là huyện biên giới khó khăn của tỉnh Lai Châu, huyện Mường Tè đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để vượt khó xây dựng nông thôn mới.

Để các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trở thành hoạt động thiết thực, hiệu quả đi vào thực tiễn cuộc sống, công tác tuyên truyền, vận động được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, với mô hình cụ thể, thiết thực để đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vận động nhà tài trợ, người dân góp sức, góp của, hiến đất làm đường giao thông…

Trong năm qua, huyện vận động được trên 4.000 lượt hộ dân hiến đất, đóng góp ngày công để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng một số công trình công cộng khác. Trong đó, tiêu biểu xây dựng nông thôn mới ở xã Mường Tè, người dân đóng góp 16.070 ngày công, 3 hộ hiến 227,2m2 đất; xã Bum Nưa đóng được 1.500 ngày công và 245 hộ hiến 2.343m2 đất; xã Thu Lũm đóng góp được 2.500 ngày công và có 9 hộ hiến 500m2 đất…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.