| Hotline: 0983.970.780

Japfa Comfeed Việt Nam phản hồi việc nông dân liên kết nuôi gà 'ôm nợ"

Thứ Năm 28/04/2022 , 07:21 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Ngày 27/4, Japfa Comfeed Việt Nam có văn bản phản hồi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về việc nông dân Đăk Lăk liên kết nuôi gà với Công ty lâm vào cảnh nợ nần.

Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng các bài viết: "Ôm nợ vì liên kết nuôi gà với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam" (số ra ngày 19/4/2022); "Yêu cầu Công ty Japfa Comfeed Việt Nam giải quyết đơn của người dân" (số ra ngày 20/4/2022); "Người dân liên kết nuôi gà với Japfa Comfeed vẫn khốn đốn" (số ra ngày 26/4/2022).

Người dân liên kết chăn nuôi gà với Japfa Việt Nam đang rất mong chờ một sự thay đổi trong cơ chế hợp tác nhằm tiến tới mối liên kết lâu dài, bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Người dân liên kết chăn nuôi gà với Japfa Việt Nam đang rất mong chờ một sự thay đổi trong cơ chế hợp tác nhằm tiến tới mối liên kết lâu dài, bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Liên quan đến các nội dung phản ánh trong 03 bài viết trên, ngày 27/4/2022, ông Arif Widjaja, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đã có văn bản gửi Báo Nông nghiệp Việt Nam cung cấp những thông tin liên quan đến vụ việc này.

Theo Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (gọi tắt là Japfa Việt Nam): Năm 2020, Công ty phát triển chăn nuôi gà màu tại thị trường Tây Nguyên, bao gồm Đăk Lăk, Gia Lai và một số tỉnh trong khu vực. Tính đến nay, đã có hơn 150 hộ nông dân hợp tác gia công chăn nuôi gà với Japfa Việt Nam.

Theo đó, Công ty cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn với ngân hàng liên kết với lãi suất thấp. Nguồn thu nhập của nông dân được tính dựa trên sản lượng và năng suất chăn nuôi.

Liên quan tới các nội dung chính phản ánh trong các bài viết đã đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Japfa Việt Nam cung cấp thông tin như sau: 

- Đối với phản ánh Công ty giảm tỉ lệ hao hụt xuống 3 – 3,5%:

Trong giai đoạn đầu, nhiều hộ chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên Công ty tăng tỉ lệ hao hụt lên 7% nhằm hỗ trợ cho nông dân. Sau hơn 1 năm được đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật, Công ty giảm tỉ lệ này xuống 3 - 3,5%, và đây cũng là tỉ lệ được áp dụng cho hầu hết hoạt động chăn nuôi gia công trên thị trường hiện nay. 

Rất nhiều hộ dân do liên kết nuôi gà với Japfa Việt Nam bị thua lỗ, đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Ảnh: Minh Qúy.

Rất nhiều hộ dân do liên kết nuôi gà với Japfa Việt Nam bị thua lỗ, đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Ảnh: Minh Qúy.

- Đối với phản ánh xuất bán chậm:

Bài liên quan

Trong giai đoạn bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19, các đợt phong tỏa kéo dài đã dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong giai đoạn này, Công ty rất nỗ lực trong việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cho các hộ nông dân tại đây.

Do nhu cầu thị trường xuống thấp, khó khăn trong khâu vận chuyển và nguồn cung dư thừa sau giai đoạn giãn cách xã hội, dẫn đến xuất bán chậm, khiến Công ty chịu thiệt hại rất nặng nề. Tuy vậy, trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, trong giai đoạn xuất bán chậm từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022, Công ty đã có những chính sách mới linh hoạt như tăng ngân sách và đã giải ngân hỗ trợ tiền cho các hộ chăn nuôi do bán chậm, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi dài ngày và hỗ trợ không phạt các trường hợp năng suất thấp.

Trong năm 2021 và đầu năm 2022, tổng ngân sách Công ty hỗ trợ cho thị trường Tây Nguyên đã giải ngân cho các hộ chăn nuôi lên tới gần 9 tỷ đồng. 

- Về nội dung cần nhanh chóng đối thoại với nông dân trên tinh thần hợp tác:

Bài liên quan

Thực tế, sau khi nhận được phản hồi của các hộ chăn nuôi, Japfa Việt Nam đã nhanh chóng gặp gỡ trao đổi với nông dân để tháo gỡ khó khăn.

Đại diện Japfa Việt Nam đã có buổi đối thoại, làm việc chung với hơn 30 hộ chăn nuôi tại địa bàn Đăk Lăk với sự tham dự của Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh. Sau buổi họp này, Japfa Việt Nam tiếp tục có những buổi làm việc chi tiết hơn với nhóm hộ chăn nuôi theo từng khu vực để có thể trả lời, tư vấn chi tiết hơn đối với các phản ánh của từng hộ chăn nuôi.

Riêng đối với hộ bà Hoàng Thị Cúc (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lắk) được phản ánh trong bài viết "Ôm nợ vì liên kết nuôi gà với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam" đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam (số ra ngày 19/4/2022), Công ty đã có buổi làm việc tiếp theo vào ngày 20/4 nhằm tiếp tục tìm ra giải pháp để tiếp tục mối quan hệ hợp tác.

Japfa Việt Nam cho biết, hiện Công ty đã quay lại áp dụng các chính sách về thời gian nuôi gà như trước đây trong khoảng 85 - 90 ngày cho giống gà Mía, đồng thời thay đổi chính sách cho giống gà Mía để đồng hành cùng nông dân tháo gỡ khó khăn.

Các giải pháp này sẽ được gửi đến toàn bộ các hộ chăn nuôi thông qua hệ thống tin nhắn SMS của Japfa Việt Nam. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều mong muốn tiếp tục hợp tác, mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời đang phối hợp với Japfa Việt Nam tìm nguyên nhân và giải pháp để lứa nuôi mới đạt năng suất hơn.

Đặc biệt, trong quá trình làm việc, Japfa Việt Nam luôn phối hợp với đại diện chính quyền địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN-PTNT các tỉnh nhằm cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất cho mỗi bên.

Bà Nguyễn Hà (ngụ xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột), một hộ dân liên kết nuôi gà với Japfa Việt Nam mong muốn giữa người dân và Công ty sẽ sớm tìm được tiếng nói chung để tiếp tục hợp tác. Ảnh: Quang Yên.

Bà Nguyễn Hà (ngụ xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột), một hộ dân liên kết nuôi gà với Japfa Việt Nam mong muốn giữa người dân và Công ty sẽ sớm tìm được tiếng nói chung để tiếp tục hợp tác. Ảnh: Quang Yên.

Bài liên quan

Về dài hạn, Japfa Việt Nam xác định Tây Nguyên là thị trường chiến lược trọng điểm nhờ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và liên kết vùng với các nhà máy của Công ty. Công ty đã đẩy mạnh đầu tư nhà máy ấp hiện đại nhất Việt Nam tại huyện Krông Búk, Thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk), dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022 với công suất 25 triệu gà con/năm trong giai đoạn 1, ứng dụng công nghệ tiêm vacxin vào trứng, cắt mỏ laser giúp tăng năng suất và không gây đau…

Việc đưa vào vận hành nhà máy ấp sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển, đảm bảo sức khỏe gà con, giảm tỉ lệ hao hụt và tăng hiệu quả chăn nuôi. Bên cạnh đó, Công ty đang có kế hoạch phát triển hệ thống trang trại gà bố mẹ công suất 100 – 120 nghìn con tại Tây Nguyên.

Trong giai đoạn tiếp theo, Công ty sẽ đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước trong năm nay bên cạnh nhà máy tại Bình Định nhằm cung ứng tốt hơn cho thị trường miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nhờ sự ủng hộ chặt chẽ của chính quyền địa phương, Japfa Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác với nhiều nông dân tại đây, nâng cao trình độ chăn nuôi nông hộ theo hướng công nghiệp, mang lại giá trị kinh tế ổn định và vươn tới sự thịnh vượng chung cho những nơi mà Công ty có mặt.

"Từ chiến lược đầu tư mạnh mẽ tại khu vực Tây Nguyên, Japfa Việt Nam luôn đặt ra mục tiêu xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững với các hộ chăn nuôi tại Đăk Lăk. Ngoài số lượng hơn 150 hộ chăn nuôi đang hợp tác, Japfa vẫn tiếp tục mở rộng hợp tác với các hộ chăn nuôi mới. Trước những bất cập mà các hộ chăn nuôi phản ánh, Công ty luôn thiện chí thảo luận, tìm ra các giải pháp đồng hành cùng nông dân để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, hướng tới tiếp tục hợp tác lâu dài".

(Ông Arif Widjaja, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam).

 

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.