Càng nuôi càng lỗ
Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài “Ôm nợ vì liên kết nuôi gà với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam” (số ra ngày 19/4/2022), nhiều hộ liên kết chăn nuôi gà với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam tại Đắk Lắk tiếp tục thông tin, phản ánh với Báo Nông nghiệp Việt Nam về tình hình khốn đốn do nuôi gà thua lỗ.
Anh Trịnh Quang Uyên (ngụ xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho biết, gia đình liên kết với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam (gọi tắt là Công ty Japfa) nuôi gà từ cuối năm 2019.
Vừa qua, gia đình xuất gần 16.000 con gà mía cho Công ty Japfa. Sau khi xuất, gia đình anh lỗ hơn 9 triệu đồng. Cụ thể, gia đình nuôi gia công lứa gà được 118 triệu đồng, tuy nhiên bị Công ty Japfa trừ 127 triệu đồng. Trong đó, Công ty trừ 120 triệu đồng tiền cám vì thông báo gia đình gà nuôi xuất chuồng không đạt các yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định của Công ty và 7 triệu đồng tiền cắt mỏ gà.
Theo anh Uyên, gia đình anh chỉ có lãi 3 lứa nuôi đầu rồi sau đó lỗ liên tiếp. “Lứa lỗ nhiều nhất là 100 triệu đồng vào cuối năm 2021. Lứa gần nhất gia đình nuôi 90 ngày, tất cả các quy trình chăm sóc, giống, thức ăn đều do Công ty Japfa đưa ra nhưng vẫn bị lỗ. Khi gia đình ý kiến lên Công ty thì được thông báo gà không đạt yêu cầu. Tất cả quy trình nuôi gia đình tôi đều làm theo Công ty nhưng thua lỗ phía Công ty lại đổ lỗi cho người chăn nuôi”, anh Uyên bức xúc.
Cũng theo anh Uyên, gia đình anh chỉ mong Công ty Japfa có những thay đổi về chính sách để người chăn nuôi có lời. “Chúng tôi vay mượn tiền để đầu tư trang trại nhưng càng nuôi càng lỗ. Công ty cần có buổi đối thoại trực tiếp với tất cả người chăn nuôi để đưa ra hướng giải quyết hợp lý”, anh Uyên chia sẻ.
Tương tự, gia đình ông Lương Văn Hùng (ngụ xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) cũng vay mượn hơn 2 tỷ đồng đầu tư xây dựng trang trại để liên kết nuôi gà với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam từ năm 2020. Đến nay, gia đình ông Hùng đã nuôi gia công cho Công ty được 5 lứa gà. Trong đó, 3 lứa đầu tiên gia đình nuôi có lời nhưng đến 2 lứa sau thì liên tiếp lỗ.
“Có một lứa nuôi gia đình tôi bị thiệt hại gần 1 tỷ đồng vì gà chết nguyên trại. Công ty có xuống lấy mẫu kiểm tra nhưng vẫn chưa có thông báo chính thức. Lứa còn lại gia đình lỗ gần 200 triệu đồng. Cùng một quy trình kỹ thuật nhưng 3 lứa đầu gia đình có thu nhập, đến 2 lứa sau lại thua lỗ. Khi ý kiến lên Công ty thì chỉ nhận được câu trả lời cho qua chuyện”, ông Hùng bức xúc.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Sang (ngụ Thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) cho biết, bắt đầu liên kết nuôi gà với Công ty Japfa từ đầu năm 2021. Đến nay, gia đình đã xuất được 3 lứa gà với số lượng hơn 50.000 con.
Cụ thể, lứa đầu tiên gia đình lời gần 100 triệu đồng, lứa thứ 2 lời 60 triệu đồng. Tuy nhiên đến lứa thứ 3, gia đình lại lỗ gần 50 triệu đồng dù quy trình kỹ thuật đều làm giống nhau.
Theo anh Sang, thu nhập của người dân ngày càng thấp. Khi thắc mắc thì Công ty chỉ nói chung chung chứ không có trả lời cụ thể. Việc này khiến người chăn nuôi bức xúc.
Cần đối thoại, giải quyết thỏa đáng cho dân
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho biết, cơ quan chức năng nhận được đơn kiến nghị của người dân liên quan đến việc liên kết nuôi gà với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam bị thua lỗ.
Theo bà Thủy, những hộ chăn nuôi cho biết trước đây liên kết với Công ty Japfa thời gian đầu có lời. Tuy nhiên hơn một năm qua họ thua lỗ liên tiếp, phải ôm nợ hàng tỷ đồng.
“Hiện Phòng NN-PTNT đã liên hệ với các hộ chăn nuôi nắm lại thông tin cụ thể để tìm hướng giải quyết”, bà Thủy nói và cho biết người dân ký hợp đồng liên kết trực tiếp với Công ty Japfa chứ không qua chính quyền.
Nhưng về góc độ quản lý nhà nước, Phòng NN-PTNT sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Công ty Japfa để nắm rõ và xem cách giải quyết của công ty này có hợp tình, hợp lý không.
“Trước đây, người chăn nuôi có lời nhưng sao bây giờ lại lỗ liên tục trong khi giá cả thị trường tăng cao. Vì vậy tại sao thua lỗ thì Công ty nên tìm hướng khắc phục cho người dân. Công ty cần chia sẻ với người dân chứ không thể để tình trạng Công ty lời còn người dân thua lỗ và ngược lại”, bà Thủy chia sẻ.
Bà Trần Thị Thủy cho biết thêm, theo hợp đồng liên kết thì con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi là của phía Công ty Japfa cung cấp. Công ty còn cử kỹ thuật, bác sỹ thú y đến từng hộ chăn nuôi hỗ trợ. Người chăn nuôi chỉ có việc gia công. Vì vậy, việc người chăn nuôi liên tiếp thua lỗ Công ty cũng cần chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị có nhận được đơn kiến nghị của người dân liên quan đến Công ty Japfa Comfeed Việt Nam.
Phòng NN-PTNT đang soạn văn bản trả lời cho người dân vì đây là hợp đồng dân sự 2 bên. Nếu thiệt hại thì người dân có quyền khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi.
"Trước đây, người dân tự ký hợp đồng liên kết nuôi gà với Công ty Japfa chứ không thông qua chính quyền địa phương. Chỉ khi người dân lên xin phép xây dựng trang trại, nếu phù hợp đơn vị sẽ cấp phép”, ông Minh nói.
Liên quan đến vụ việc, hàng chục hộ dân đã làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết các bất cập trong quá trình chăn nuôi khi Công ty Japfa thay đổi chính sách. Sở NN-PTNT Đắk Lắk sau đó đã chuyển đơn tập thể của các hộ dân đến Công ty Japfa để được xem xét, giải quyết.