Số liệu thống kê từ Trung tâm BVTV vùng khu 4 cho thấy, niên vụ 2020 diện tích toàn vùng Bắc Trung Bộ nhiễm bệnh khảm lá sắn hiện trên 2.590 ha, trong đó hơn 1.868 ha đã nhiễm nặng.
Trong năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020, UBND các tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt – BVTV tại các địa phương đã hành hàng chục công văn tăng cường chỉ đạo phòng trừ và hướng dẫn công tác tiêu hủy, động thái trên cho thấy khảm lá sắn là bệnh không thể xem nhẹ.
Qua ghi nhận thực tế, địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Thừa Thiên - Huế gần 1.500 ha, kế đó là Thanh Hóa với hơn 666 ha, Quảng Trị 423 ha, riêng 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mức độ chưa lớn, lần lượt chỉ 2,25 ha và 1,2 ha.
Đến thời điểm này, ngoại trừ Quảng Bình thì bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện trên địa bàn của 5 huyện vùng Bắc Trung Bộ.
Phía cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 910 ha sắn bị nhiễm, như vậy gần 2/3 diện tích còn lại chưa được xử lý.
Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của bệnh, những tháng gần đây Trung tâm BVTV vùng 4 đã khẩn trương đốc thúc, yêu cầu các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương nơi có dịch triển khai các phương án phòng chống, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy.
Thực tế, ngay từ giữa tháng 1/2020 Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt – BVTV 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị tiến hành lấy mẫu kiểm tra, qua đó xác định cây sắn trên địa bàn bị bệnh khảm lá sắn do virus Sri Lanka Cassava Mosaicvirus gây hại, bệnh lan truyền qua đối tượng “môi giới” là bọ phấn trắng và hom giống.
Từ ngày 17/2 – 20/2 Trung tâm trực tiếp kiểm tra và làm việc với Sở NN-PTNT, UBND huyện, Chi cục Trồng trọt – BVTV của 4 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh nắm bắt diễn biến tình hình dịch hại nói chung và khảm lá sắn nói riêng, sau đó tiếp tục lấy mẫu giám định.
Nhận thấy dịch hại manh nha xuất hiện tại các địa phương khác trong vùng Bắc Trung Bộ, đầu tháng 3/2020 cơ quan chuyên môn đã kiểm tra thực tế tại 3 huyện Như Xuân, Thường Xuân và Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa để bàn giải pháp phòng trừ.
Vừa qua, Đoàn đã phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt – BVTV Nghệ An thu mẫu giám định bệnh khảm lá sắn tại các xã Nghĩa Đức, Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn để gửi mẫu ra Viện BVTV giám định, kết quả dương tính.
"Trước khi tái canh tác phải vệ sinh, làm sạch vùng trồng, tuyệt đối không sử dụng bộ giống cũ. Tốt nhất nên bố trí cây trồng khác phù hợp nhằm phục hồi chất đất", ông Hải nói.
Ngoài điểm nói trên, ở Nghệ An mới ghi nhận thêm 2 ha nhiễm bệnh tại vùng nguyên liệu của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Anh Sơn (xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn), thuộc Công ty Cổ phần Á Châu Hoa Sơn.
Nguyên nhân được xác định là do nhà máy nhập nguyên liệu đầu vào không đảm bảo từ Thanh Hóa, may thay đơn vị này chỉ xác định trồng thử nghiệm trên quy mô nhỏ nên tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Ông Phan Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Nghệ An khẳng định, trước mắt chủ đầu tư phải rà soát lại số lượng giống đã nhập về, đồng thời lập tức tiêu hủy trên những diện tích nhiễm bệnh nhằm tránh lây lan trên diện rộng.
Nhận xét về khảm lá sắn, các đơn vị chuyên môn chung quan điểm, nguồn bệnh chính xuất phát từ hom giống bị bệnh nhưng không được cơ quan Kiểm dịch thực vật kiểm soát chặt chẽ các bước (nhập, vận chuyển từ nơi này sang nơi khác, không báo cáo kịp thời…), điều này tạo đà thuận lợi giúp bệnh lây lan nhanh chóng...