Ultima Thule có hình dáng như một người tuyết gồm 2 quả cầu chồng lên nhau, trong đó quả cầu lớn được các nhà khoa học đặt tên là Ultima dài khoảng 19km và quả cầu nhỏ với tên gọi Thule dài khoảng 14km |
Những hình ảnh về thiên thạch này được tàu thăm dò vũ trụ tự động của NASA New Horisons chụp lại và gửi về trung tâm điều hành sau khi đạt đến khoảng cách bay xa nhất trong lịch sử khám phá không gian và tiếp cận Ultima Thule vào lúc 12h33 ngày 1/1.
Hình ảnh đầu tiên về Ultima Thule được tàu chụp lại khi ở cách thiên thạch này khoảng 27.000 km với độ phân giải 140m/pixel. Ultima Thule được các nhà khoa học Mỹ mô tả như một người tuyết gồm 2 quả cầu chồng lên nhau. Khoảng cách hai đầu của thiên thạch khoảng 31 km, trong đó quả cầu lớn được các nhà khoa học đặt tên là Ultima dài khoảng 19km và quả cầu nhỏ với tên gọi Thule dài khoảng 14km. NASA tin rằng sự hình thành Ultima Thule là một phần kiến thức rất đặc biệt, phản ánh một cách trực tiếp quá trình hình thành các hành tinh từ khoảng 4,5 tỷ năm trước.
Trưởng nhóm nghiên cứu địa chất học của sứ mệnh New Horisons Jeff Moore cho rằng với những hình ảnh mới được gửi về, tàu thăm dò vũ trụ New Horisons có vai trò giống như một cỗ máy thời gian, đưa con người trở về thời kỳ hình thành Hệ Mặt Trời. NASA tin rằng Ultima Thule là độc nhất vô nhị bởi nó là tàn tích từ thuở sơ khai của Hệ Mặt Trời và việc nghiên cứu thiên thạch này sẽ giúp chúng ta hiểu về quá trình ra đời các hành tinh trong Hệ Mặt trời cũng như những hành tinh khác trong vũ trụ.
Trong thời gian tới, những thông số mới về thiên thạch này sẽ giúp giới khoa học viết nên những chương mới về lịch sử của Ultima Thule và Hệ Mặt Trời |
Trong thời gian tới, những thông số mới về thiên thạch này sẽ được New Horisons gửi về với những hình ảnh có độ phân giải cao hơn. Theo người đứng đầu Dự án New Horisons Helene Winters, những thông số này sẽ giúp giới khoa học viết nên những chương mới về lịch sử của Ultima Thule và Hệ Mặt Trời. Còn trong ngày hôm nay, các nhà khoa học sẽ công bố những thông tin mới về thành phần cấu tạo và khí quyển bao quanh Ultima Thule.
Ultima Thule nằm cách Mặt Trời khoảng 6,4 tỷ km và cách sao Diêm vương khoảng 1,6 tỷ km. Được kính thiên văn Hubble phát hiện từ năm 2014, Ultima Thule được cho là vật thể xa xôi và lâu đời nhất từng được một tàu thăm dò vũ trụ khám phá trong vũ trụ. Ultima Thule hoàn thành một vòng quay quanh chính nó trong khoảng 15 giờ.