Từ sáng ngày 2/12 đến ngày 3/12, trên địa bàn Bình Định mưa đã ngớt, lũ rút dần, các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tại huyện Tuy Phước, nơi có nhiều xã nằm trong vùng hạ lưu của Sông Kôn nên khi nước lũ đổ về gây nhiều thiệt hại nặng nề, nhất là hệ thống giao thông, kênh mương, sa bồi thủy phá. Trên tuyến tỉnh lộ ĐT640 đoạn qua xã Phước Thuận, có nhiều điểm bị nước lũ cuốn trôi lớp đất đá dưới đường và cả lớp thảm nhựa trên mặt đường, gây sụt lún, nứt gãy nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều khu vực dân cư ở vùng rốn lũ xã Phước Thắng bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày liền, gây thiệt hại nặng cho nhà cửa và tài sản của người dân.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho hay: Đến ngày 3/12 lũ đã bắt đầu rút. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tuy Phước thành lập 3 đoàn công tác đi đánh giá thiệt hại để kịp thời báo cáo UBND tỉnh; đồng thời chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn thành lập các tổ công tác đi xác định thiệt hại trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, nhà cửa của người dân trên địa bàn báo cáo về huyện, để đến ngày 5/12 huyện báo cáo chính thức về tỉnh.
“Đợt mưa lũ vừa qua đã gây hại nặng nề nhất về giao thông, thủy lợi. Nhiều đoạn đê bị sạt mái, trôi lớp mặt. Trong ngày 3 và ngày 4/12, các địa phương phải tập trung kiểm tra những diện tích sa bồi thủy phá để báo cáo tỉnh, xin hỗ trợ nhân lực khắc phục để người dân kịp sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 nên không bị thiệt hại về giống. Riêng thiệt hại về nhà sập, huyện thành lập đoàn công tác riêng để kiểm tra cụ thê có phải do mưa lũ hay không để báo cáo tỉnh có chính sách hỗ trợ”, ông Khiêm cho biết.
Theo ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong những ngày qua, tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân ở các vùng đang bị cô lập do lũ. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ người dân và nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ trên địa bàn. Riêng ngành y tế, triển khai ngay các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ.
“Chúng tôi chỉ đạo cho các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra, khẩn trương đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Nhất là đối với những hộ có nhà bị hư hỏng, sập do mưa lũ. Đặc biệt là khắc phục những diện tích bị sa bồi thủy phá để nông dân kịp bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2021-2022”, ông Nguyễn Phi Long chia sẻ.
Tại Quảng Nam, từ ngày 27 đến 30/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra đợt mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi cao hơn như: Trạm khí tượng Trà My (huyện Bắc Trà My) 344mm, đo mưa Xuân Bình (huyện Núi Thành) 627mm… Một số địa phương khu vực miền núi đã xảy ra sạt lở, nước chảy ngập tại một số vị trí các ngầm tràn đường giao thông trũng thấp.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi đợt mưa lũ ở tỉnh Quảng Nam gây ra rất nhiều sạt lở và chia cắt ở 6 huyện miền núi thì tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo ngay tức thì để nhanh chóng thông tuyến đường cho người dân, tránh chia cắt lâu ngày.
“Chúng tôi đồng thời chỉ đạo có các bộ phận kiểm tra thực địa, tránh những trường hợp những hồ nước còn đọng lại trên các sông suối gây lũ quét, lũ ống; chỉ đạp các cơ quan như y tế, an sinh xử lý những hóa chất có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Tới thời điểm này, vấn đề giao thông của tỉnh Quảng Nam đã thông suốt, bà con đang chuẩn bị bước vào vụ sản xuất sắp tới”, ông Bửu thông tin.
Đối với các công trình thủy lợi bị hư hỏng, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu những đơn vị quản lý cần nhanh chóng kiểm tra, khắc phục để đảm bảo điều kiện cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2021-2022. Ngoài ra, cần tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Tại Quảng Ngãi, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn về nhà ở, sản xuất, diện tích nuôi trồng thủy sản, công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhiều vị trí sạt lở núi, bờ sông, bờ biển tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Ngay sau đợt mưa lũ kết thúc, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả. Trong đó, đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là khu vực đã bị sạt lở núi, bờ sông, bờ biển trong thời gian vừa qua.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người chết, bị thương; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, dọn dẹp vệ sinh môi trường.
“Khẩn trương kiểm tra, sửa chữa, nạo vét các tuyến kênh mương, hồ đập, các tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hỏng trong thời gian qua để kịp thời phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân và vụ sản xuất Đông Xuân 2021- 2022; xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở người, gia súc, gia cầm. Đồng thời rà soát những khu vực dân cư bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ để có kế hoạch hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho người dân”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo.