Trắng tay
Chúng tôi có mặt tổ dân phố Thuận Hải, phường Cam Thuận những ngày này chứng kiến người nuôi tôm hùm buồn ra mặt, vì bao nhiêu tiền của đầu tư bỗng dưng trôi theo bọt nước.
Nhiều người nuôi tôm hùm ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đang “khóc ròng” vì tôm bỗng dưng bỏ ăn, chết hàng loạt |
Theo bà con, sự việc xảy ra vào chiều ngày 1/12, khi họ ra thăm bè thì thấy tôm có biểu hiện bỏ ăn, bơi lờ đờ và chết rải rác. Tưởng chừng việc tôm bỏ ăn là bình thường nên nhiều người nấn ná để qua đêm theo dõi. Không ngờ đến sáng 2/12 họ tá hỏa khi phát hiện tôm chết hàng loạt.
Trong số đó, có bè của ông Phạm Ngọc Thành, với 12 lồng tôm hùm xanh chuẩn bị xuất bán đã ngửa bụng hết sạch, cộng thêm 2.500 con tôm hùm giống mới thả được gần một tháng cũng theo bọt nước, ước thiệt hại hàng tỷ đồng.
Theo ông Thành, khi tôm chết quan sát vùng nước nuôi có màu đen đậm như màu nhớt xe thải. Mặc dù khi bắt đầu phát hiện tôm chết ông có gọi người ra vớt nhanh rồi liên lạc với thương lái để bán vớt vát, nhưng không kịp trở tay. “Tất cả giờ mất sạch, trắng tay”, ông Thành buồn bã nói.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Năm, cùng tổ dân phố với ông Thành cũng bị thiệt hại 11 lồng tôm hùm chuẩn bị xuất bán, chỉ sau một đêm. “Đáng lẽ tôm hùm bán từ tuần trước nhưng bão vào nên bán chưa kịp. Nào ngờ hôm nay tôm chết hết. Mỗi lồng chỉ còn sót lại chưa tới 10 con. Tính ra 11 lồng thiệt hại lên đến hàng trăm triệu. Giờ không biết gia đình lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng”, ông Năm than vãn.
Ông Nguyễn Giọng, tổ trưởng tổ dân phố Thuận Hải cho biết, hiện chưa thống kế số tôm bị chết tại địa phương. Tuy nhiên tại tổ dân phố Thuận Hải, có gia đình chết trắng 200 lồng tôm như hộ ông Đỗ Văn Lam, thiệt hại khoảng 10 tỷ. Hộ bà Phạm Thị Kim Thủy có gần 100 lồng tôm chết, hộ ông Đặng Văn Châu có 80 lồng tôm chết…
Người nuôi khóc ròng vì tôm chết |
Tôm chết bán cho thương lái chỉ vớt vát được khoảng 10% so với giá tôm sống, tương ứng từ vài chục ngàn đến trăm ngàn/kg. Nhìn những ghe chở tôm vào đất liền, xe đông lạnh chở đi bán nườm nượp mà người nuôi không khỏi chua xót.
Theo UBND phường Cam Thuận, thống kê ban đầu, toàn phường có trên 100 hộ nuôi, với khoảng 5.000 lồng bị thiệt hại (tương đương khoảng 40 tấn tôm thương phẩm).
Ghi nhận tại vùng nuôi ở các phường Cam Phú, Cam Linh cũng xảy ra tình trạng trạng tôm chết. Theo thống kê ngày 4/12, phường Cam Linh có khoảng 1.580 lồng với trên 183 hộ nuôi. Số tôm hùm bị chết khoảng 3% số lồng. Tôm chết bất ngờ nên khiến nhiều người điêu đứng.
Đâu là nguyên nhân?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước cơn bão số 9 vừa qua, các hộ nuôi tôm đã hạ lồng xuống độ sâu từ 2 - 3m và chưa đưa lên mặt nước. Qua khảo sát, các lồng càng ở sâu thì tôm càng bị chết nhiều. Nhiều người nghi ngờ tôm chết do thiếu oxy, nhưng cũng có nghi vấn do ô nhiễm từ một nguồn nước thải nào đó.
Tôm chết bán giá rẻ như bèo |
Vậy đâu là nguyên nhân gây nên tôm hùm chết? Theo bà Nguyễn Thị Toàn Thư, Phó trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), cơ quan chức năng đã xuống hiện trường kiểm ra, lấy mẫu để phân tích nhưng chưa có kết quả. Tuy nhiên nhận định ban đầu, nguyên nhân tôm chết không phải nhiễm bệnh mà do ảnh hưởng môi trường. Bởi lẽ quan sát nước tại vùng nuôi có màu đục, độ sâu theo chiều nước thẳng đứng từ trên mặt xuống là 2m. Trong khi đó chỉ số oxy và độ mặn đo tại hiện trường giữa tầng mặt và trong lồng nuôi có sự chênh lệch lớn.
Cụ thể, đối với mẫu nước vùng nuôi (lấy ở tầng mặt) các chỉ số môi trường đa số nằm trong quy chuẩn (độ mặn 28‰, pH 8,5, nhiệt độ 27 độ C; oxy hòa tan 6.0mg/lít). Nhưng đối với nước trong lồng (lấy ở độ sâu 4,5m) thì chỉ số oxy hòa tan chỉ đạt 4.5mg/lít (thấp hơn so với quy chuẩn) và độ trong thấp (0.7m).
“Do sắp bão người nuôi đã hạ lồng xuống để không bị nước đục, nhưng độ mặn chênh lệch và tiêu hao oxy ở tầng dưới, trong khi tôm hùm rất nhạy với sự thay đổi độ mặn. Độ mặn mà giảm nhanh sẽ gây sốc cho tôm, gây yếu rồi bỏ ăn, dẫn đến chết”, bà Thư giải thích.
Nguồn nước tại vùng nuôi đục |
Còn theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định, khu vực nuôi phường Cam Thuận, Cam Phú, Cam Linh có mật độ lồng đặt dày, vùng nước nông từ 4 - 5m nên lưu lượng nước lưu thông rất kém. Với việc lồng nuôi không được vệ sinh thường xuyên, thì nguy cơ gây ra tôm chết rất cao.
Trước tình hình tôm chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa khuyến cáo, bà con cần tiếp tục theo dõi thời tiết cũng như biến đổi môi trường vùng nuôi (màu nước) để kịp thời ứng phó. Di dời lồng bè ra xa bờ. Khi phát hiện tôm chết bất thường phải thông báo cho các hộ nuôi trong vùng và cơ quan chức năng, để được hướng dẫn khắc phục kịp thời. Hạn chế việc thả nuôi lồng chìm hoặc đặt lồng thưa đúng quy định các lồng cách nhau từ 5 - 10m để đảm bảo lưu thông nước. Trường hợp trường hợp thiếu oxy mà không di chuyển được lồng thì treo túi vải chứa oxy hạt trong lồng… |