| Hotline: 0983.970.780

Phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp

Thứ Ba 26/04/2022 , 19:55 (GMT+7)

Tỉnh Khánh Hòa sẽ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo phương thức công nghiệp, hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với thiên tai.  

Chiều 26/4, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức hội thảo phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Hướng tới nuôi biển quy mô công nghiệp

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, cho biết, trong 10 năm tới, nuôi trồng thủy sản, nhất là lĩnh vực nuôi biển rất quan trọng vì chúng ta sẽ giảm khai thác nhưng tăng cường sản lượng nuôi. Cùng với đó, chuyển nghề cá nhân dân tự phát quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nghề cá thương mại bền vững, công nghệ cao, quy mô lớn, trong đó doanh nghiệp là chủ thể.

Nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Về lợi thế phát triển nuôi biển công nghiệp tại Khánh Hòa, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng đánh giá rất nhiều thuận lợi so với các địa phương trên cả nước. Bởi ngoài có vùng biển thích hợp thì tỉnh Khánh Hòa đã hình thành ban đầu 2 mô hình nuôi biển biển công nghiệp (mô hình của Cty Australis và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) với công nghệ tiên tiến, phương thức quản lý hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nơi tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học-công nghệ (trường, viện, trung tâm) và rất đông doanh nghiệp chế biến hải sản, du lịch, đóng tàu, vận tải biển…

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết, theo Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng “Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.

Sau đó, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có chương trình hành động số 30-Ctr/TU ngày 23/02/2022 thực hiện Nghị quyết 09 cũng khẳng định cần phải “Xây dựng Đề án nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, cùng với đó đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư trên lĩnh vực nuôi biển công nghệ cao” để nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển và phát triển toàn diện kinh tế biển.

Tỉnh Khánh Hòa định hướng phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa định hướng phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Vì vậy, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy nghề nuôi biển Khánh Hòa phát triển nhanh theo hướng công nghệ cao, bền vững, theo ông Lê Tấn Bản, đối với vùng ven bờ, tỉnh sẽ hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái cho người dân; đồng thời thực hiện giao mặt nước biển cho người dân theo Điều 44, Luật Thủy sản 2017.

Trong đó ưu tiên cho các hộ sinh sống tại địa phương trực tiếp nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, để người nuôi trồng thủy sản yên tâm đầu tư sản xuất ổn định đời sống.

Đồng thời tuyên truyền hướng dẫn ngư dân chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bằng vật liệu mới (HDPE) chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn và mỹ quan gắn với phát triển du lịch của địa phương; ưu tiên đối tượng nuôi trọng điểm tại vùng ven bờ là tôm hùm.

Đối với vùng biển hở, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm có tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi công nghiệp; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thương phẩm. Trong đó ưu tiên đối tượng nuôi tại vùng biển hở là các loài cá biển có giá trị kinh tế cao.  

Cùng với đó, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa nâng cao hiệu quả kinh tế; nâng cao giá trị các loài thủy sản trên đơn vị diện tích, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biển, xuất khẩu. Hình thành các tổ liên kết nuôi trồng thủy sản tiến tới thành lập các Hợp tác xã trong nuôi trồng thủy sản và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để ổn định thu nhập cho người dân.

Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nuôi biển

Tại hội thảo các nhà khoa học, doanh nghiệp cho rằng, để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp, tỉnh Khánh Hòa cần quy hoạch sử dụng không gian biển; cùng với đó xây dựng đề án phát triển nuôi biển công nghiệp; đồng thời giao khu vực biển lâu dài cho các tổ chức, cá nhân nuôi biển. Đặc biệt xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn trại nuôi, vật liệu an toàn và có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng các ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ du lịch...

Khánh Hòa có tiềm năng nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Khánh Hòa có tiềm năng nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Ghi nhận các ý kiến, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh sẽ tập trung quy hoạch biển để xác định khu vực nuôi biển nào phù hợp; cùng với đó xây dựng đề án phát triển nuôi biển làm sao từng bước tiến lên nuôi biển quy mô công nghiệp; kết hợp du lịch.

Về việc hỗ trợ người dân chuyển đổi lồng bè nuôi bằng gỗ sang lồng HDPE để thích ứng biến đổi khí hậu, thiên tai, theo ông Thiệu, hiện tỉnh đang xây dựng  chính sách, cùng với đó giao Sở NN-PTNT xây dựng chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, để việc phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp được bền vững.

Cũng tại hội thảo này, Phó Chủ tỉnh cho biết sẽ tổng hợp các nội dung để kiến nghị Bộ NN-PTNT, trong đó hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn trang trại, từ đó đảm bảo cho các doanh tham gia bảo hiểm trong ngành nuôi biển.

Đối với Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, tỉnh mong muốn tiếp tục được hỗ trợ chia sẻ về chính sách, kinh nghiệm về nuôi biển. Cũng như hỗ trợ tìm kiếm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để triển khai các mô hình nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại; xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực và hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nuôi biển công nghiệp.

Đối với các viện, trường tiếp tục hỗ trợ tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nuôi biển. Còn các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu các khu vực nuôi phù hợp trên vùng biển Khánh Hòa để đề xuất ý tưởng đầu tư. Nếu phù hợp tỉnh sẽ cập nhập đưa vào quy hoạch.

“Tỉnh luôn mời gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển ở Khánh Hòa. Đối với các doanh nghiệp đã đầu tư trên địa bàn tỉnh mong muốn tiếp tục mở rộng và có phương án nuôi biển vươn xa hơn”, ông Thiệu bày tỏ.

Theo ông Arne Kjertil Lian, Tham tán thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Na Uy chú trọng việc xây dựng các trang trại trình diễn nuôi cá kết hợp với du lịch đón khách tham quan, trải nghiệm. Để phát triển về lĩnh vực này, Cơ quan quản lý thủy sản Na Uy lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, đồng thời cấp giấy phép miễn phí có thời hạn 10 năm cho các trang trại trình diễn nuôi cá kết hợp du lịch trên biển tại các địa phương có thế mạnh về du lịch. Cũng theo ông Arne Kjertil Lian, đến nay Tổng cục Thủy sản Na Uy đã cấp giấy phép cho 30 trang trại, có 27 trang trại đã đi vào hoạt động rất hiệu quả, 3 trang trại đang được hoàn thiện. Đây là kinh nghiệm Khánh Hòa có thể học tập để khai thác tiềm năng nuôi biển kết hợp du lịch tại địa phương.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.