Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020-2025 vào sáng 13/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, mục tiêu xây dựng Khánh Hòa giàu đẹp đã tích cực được triển khai thực hiện. Từ đó đã giúp tỉnh từng bước trở thành một trong những trung tâm kinh tế động lực, trung tâm du lịch lớn của khu vực và cả nước.
Giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của Khánh Hòa đã chuyển dịch theo hướng tích cực, đã chú trọng đầu tư phát triển ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. GRDP của tỉnh đứng thứ 23 cả nước, quy mô ngành dịch vụ đứng thứ 12. Hiện nay Khánh Hòa tiếp tục là một trong 16 tỉnh, thành phố cân đối được ngân sách và có làm nghĩa vụ nộp về ngân sách Trung ương…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Khánh Hòa vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Khánh Hòa còn 4/20 chỉ tiêu chưa hoàn thành theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để ra. Đây là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là tốc độ tăng trưởng GRDP; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được mục tiêu đề ra, nhưng chưa tương xứng với khả năng của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, ở miền núi còn cao.
Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực như: đất đai, quy hoạch, xây dựng, công tác thẩm định giá... chưa tốt nên còn để xảy ra sai phạm, dẫn đến tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng, UBND tỉnh và một số cán bộ chủ chốt của tỉnh bị xử lý kỷ luật. Điều này làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cấp ủy, chính quyền, địa phương và gây bức xúc trong xã hội.
“Tại Đại hội này, để đáp lại niềm tin, sự kỳ vọng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, tôi đề nghị các đại biểu dự Đại hội cần tập trung phân tích, thảo luận, đánh giá đúng mức những kết quả đạt được, đồng thời cùng thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan để có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Để Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch cả nước
Theo Chủ tịch Quốc hội, để Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, bên cạnh ý chí, khát vọng, quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng và triển khai có hiệu quả quy hoạch tính phù hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia làm cơ sở định hướng cho phát triển.
Trong đó phải xác định rõ vị trí, vai trò của Khánh Hòa trong việc liên kết vùng miền Trung - Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây. Tập trung phát triển công nghiệp, du lịch chất lượng cao và kinh tế biển, song song với đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, thành phố Nha Trang phải thật sự trở thành đô thị trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh, trung tâm du lịch của cả nước, khu vực và thế giới. Đối với vịnh Cam Ranh, để trở thành trung tâm kinh tế động lực phía Nam của tỉnh, khu vực này cần được ưu tiên đầu tư để phát triển sôi động hơn về cảng biển, du lịch, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh. Đối với khu vực vịnh Vân Phong, cần phát triển thành trung tâm kinh tế biển hiện đại về du lịch, cảng biển logistics, thương mại, công nghiệp công nghệ cao...
Bên cạnh đó Chủ tịch Quốc hội còn lưu ý tỉnh cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, cung ứng và chất lượng nguồn lao động để đón những luồng đầu tư mới từ nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Khánh Hòa cần tận dụng quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt trong Luật Đầu tư (sửa đổi) để thu hút những dự án đầu tư lớn, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt là chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển các doanh nghiệp phụ trợ. Cần định hướng cho các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và nắm bắt cơ hội đến từ các hiệp định song phương, đa phương, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA...) để gia nhập vào thị trưởng quốc tế, tham gia mạnh hơn nữa vào các chuỗi giá trị toàn cầu.