| Hotline: 0983.970.780

'Khẩu lệnh' bám biển

Thứ Tư 14/08/2019 , 09:07 (GMT+7)

Tại sao có những làng chài sinh ra lớp lớp thanh niên giỏi đi biển, chấp nhận những chuyến lênh đênh vài tháng trời và khi bãi Tư Chính nổi sóng thì họ sẵn sàng đi về phía ấy?

Tại sao những địa phương có cửa biển rộng mênh mông nhưng chỉ tồn tại những con thuyền bé tẻo teo và ngư dân ngại đi biển xa…?
 

Eo biển ngàn năm

Thông tin về vùng áp thấp nhiệt đới có thể biến thành cơn bão số 4 đã khiến hơn 2.500 ngư dân và đội tàu cá đánh bắt xa bờ ở cửa biển Sa Cần (huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) tạm lùi về đất liền. Những con tàu với giàn phơi mực khủng đội trên nóc đứng soi bóng nước trong xanh.

3-dnh-luoi-tren-bien-x134912682
Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt trên vùng biển Trường Sa, bãi Tư Chính.

Ngư dân câu mực thường chia sẻ, mỗi con tàu này là một ngôi nhà, chở theo 30 đến 40 ngư dân đi câu ở Trường Sa, bãi Tư Chính, cứ mỗi năm ở vùng biển này 9 tháng nên ai cũng xem Trường Sa là nhà. Tất cả các đảo Tiên Nữ, An Bang, Trường Sa Lớn, Nam Yết cho đến Sinh Tồn đều có bóng dáng của những con tàu câu mực.

Đi dọc các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và có một điểm chung, đó là ngư dân ở những cửa biển rộng mênh mông, tàu ra, tàu vào thuận lợi thì theo thời gian chỉ còn tồn tại những con tàu bé nhỏ.

Lối đánh bắt truyền thống và quan niệm rừng vàng, biển bạc, cứ nhổ neo ra biển vài tiếng đồng hồ rồi quay trở về là kiếm đủ gạo nấu đã vô tình làm mất sức rướn ra xa trong ý chí của trai tráng làng chài. Vì vậy khi chuyển đổi đánh bắt bằng tàu to thay vì đánh bắt gần bờ thì ngư dân ở vùng biển này bị đuối về tài chính, bên cạnh đó là nguồn nhân lực quen đi gần bờ đã khiến làng chài không thể cho ra đời những chiếc tàu như chàng thanh niên vạm vỡ chấp nhận cuộc đời xuôi ngược biển khơi.

Cửa biển Sa Cần ở tỉnh Quảng Ngãi nằm nép ngay trên đường cua của mũi Dung Quất nhô ra biển khá xa. Năm 2005, ngành khảo cổ đã khai quật các cổ vật của người tiền sử Sa Huỳnh có niên đại cách đây 2.400 năm. Làng biển này đã có từ ngàn năm trước. Dấu chân của lớp người sau chồng lên người trước.

Từ biển vào làng chài, đi theo dọc con sông Trà Bồng để tiến sâu vào nội địa. Những người dân chài sống ở cửa biển nhỏ hẹp này đã thành công ở việc không bao giờ an phận với những chiếc thuyền dài 15m và đánh bắt theo kiểu sáng sớm mở biển, chiều thì vào bờ. Theo thời gian, đội tàu cá của ngư dân ở cửa biển Sa Cần liên tục được phát triển và nổi tiếng nhất là gần 100 chiếc tàu làm nghề câu mực của xã Bình Chánh. Nhiều tàu cá tại cửa biển đã có kích thước 17 đến hơn 25m.

Ông Tuấn, một lão ngư dân đứng nhìn ra cửa biển Sa Cần cho biết, trong quá khứ, Bình Chánh gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển nghề biển, người dân nơi khác gọi Bình Chánh là làng Cù Lao. Nhưng nghĩ lại thì cũng vì khó khăn nên bà con càng cố gắng và cho tới bây giờ thì cái khó khăn, gian khổ cũng đã đi qua.

Những làng chài Bình Đông, Bình Thạnh nằm ở 2 bên bờ sông thì có những đội tàu lớn chuyên làm nghề lưới rút, nhưng quy mô đứng sau làng chài Bình Chánh. Trai tráng ở làng Bình Chánh vẫn được xem như những ngư dân dày dạn nhất ở cửa biển Sa Cần. Dày dạn vì họ chấp nhận chuyến biển kéo dài từ 2,5 đến 3 tháng ở khu vực Trường Sa, bãi Tư Chính. Những ngày tháng lênh đênh biển cả, con tàu chở ngư dân cập vào từng đảo để thăm anh em bộ đội.

Hiện nay cơ sở hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây đã trở thành một trạm tiếp nhiên liệu, đỡ bớt đi gánh nặng cho bà con. Bên cạnh đó là sự ra đời của máy lọc nước biển thành nước ngọt đặt trên tàu đã giúp giảm nỗi lo về nước ngọt, vốn từng  là bài toán vắt óc của các thuyền trưởng.
 

Đừng ngã tay chèo

Điều gì đã ăn sâu trong tâm trí những thế hệ ngư dân nối tiếp ở làng chài Sa Cần, làm cho tinh thần bám biển không bao giờ nguội? Không đơn thuần là vì kinh tế.

Đến làng chài Bình Chánh vào dịp lễ giỗ thần Nam Hải và ra quân nghề cá đầu năm, tôi chợt lặng đi khi nghe ông Lê Văn Đồng cất lời hò giữa hàng ngàn bà con dân làng: “Anh em ơi, đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo…!”.

Tiếng hò của ông Đồng được nhiều ngư dân đồng thanh đáp lại. Những cậu học sinh khoác áo, đội nón sơn, lưng đeo gươm…mô phỏng giống những người lính chèo tham gia vào đội hình của buổi lễ cũng đồng thanh hò điệu chèo thuyền. Từ thuở ấu thơ, những đứa trẻ trong làng chài đã thấm vào lòng điệu hò bám biển, Hoàng Sa, Trường Sa.

2-tre-em-nghe-loi-ho134912453
Từ thời học sinh, thiếu niên ở làng chài Bình Chánh đã được nghe lời hò bám biển.

Ông Đồng được xem như nghệ nhân của làng chài. Thời còn trẻ, ông theo tàu xuôi ngược ở bãi Tư Chính, hàng đêm ném lưới câu xuống nước, mắt nhìn xa xăm ra mặt biển đen ngòm, chờ dây câu rung lên là kéo mực. Tàu mẹ chở 30 chiếc thúng ra biển, mỗi đêm lại thả thúng cho ngư dân chèo chống đi câu cho đến lúc trời sáng bạch thì tàu mẹ gom đàn thúng trở về.

Những đêm dài vô tận, có lúc trên thúng, có khi trên tàu, ông Đồng đã lắng đọng sâu trong lòng mình cuộc sống dọc ngang trên biển. Khi ông Đồng tạm biệt nghề biển, ông đã sáng tác ra các bài hò, vè để thỉnh thoảng lại ngân lên, thúc giục trai tráng đừng quay lưng và đừng sợ hãi những chuyến đi xa.

Tôi đã đi dọc nhiều làng chài ở các tỉnh miền Trung và chiêm nghiệm được rằng, những làng chài mà ngày thường chỉ có phụ nữ và người già ở nhà; làng chài nào vài năm lại có một vụ ngư dân tai nạn trên biển; những đền thờ thần Nam Hải đại tướng quân với lễ cúng tế linh đình thì đó là một làng chài có đội ngũ ngư dân kiên cường bám biển. Chuyện tai nạn trên biển thì không ai muốn, nhưng so với xác suất trên bờ thì thấp hơn, nhưng nếu không có vụ tai nạn nào trong suốt nhiều năm thì có nghĩa là anh sống an phận và không phải là những kình ngư dám xả thân trên biển cả. Làng biển trọn vẹn đúng nghĩa, “chơi hết mình” là làng biển có nụ cười và đôi khi có cả nỗi buồn, nước mắt.

Ở thôn Hải Ninh, cách nhà ông Đồng một đoạn, ngay cạnh cửa biển Sa Cần cũng có một nghệ nhân thường cất lời hò thúc giục ngư dân bám biển, đó là ông Vũ Huy Bình. Ông Bình từng làm cán bộ văn hóa ở địa phương, sau đó chuyển lên Tây Nguyên rồi lại quay về quê và những năm cuối đời ông chuyên tâm đi sưu tầm, lưu giữ lại những bài hò, vè đã thất lạc.

Điệu hò của ông Bình kể về phép xử thế của người đời, cuộc sống của làng chài, ra khơi bám biển. Nhưng tiếng hò kêu gọi những kình ngư vượt sóng thì không thể khẩu khí và mạnh mẽ như lời hò của nghệ nhân Lê Văn Đồng. Tuy nhiên, những lời hò của ông cũng luôn nhắc nhở ngư dân nhớ đến thời cha ông mở cõi, lập ra làng chài, nhớ lại cuộc sống đầy khó khăn vào thời thuyền còn nhỏ bé, ra biển đánh lưới phải nhìn mây, nhìn nước, nhìn cá để sẵn sàng giật buồm đi nhanh vào bờ, kẻo gió lốc ập đến, thuyền bè trôi dạt.                       

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, tôi thích cụm từ “văn hóa bám biển”, văn hóa bám biển của một làng chài đã thúc giục ngư dân ở vùng đó cùng nhau lên đường, ra vùng biển xa để đánh bắt, vừa khẳng định chủ quyền.

Vậy thì văn hóa bám biển, dòng chảy ngầm ở các làng chài được trộn lẫn từ các bài hò, vè; những lão ngư kỳ cựu một thời xuôi ngược biển cả, bao lần gặp rủi may, khi lui về bờ lại nắm giữ nhiệm vụ như những thủ lĩnh tinh thần; những kình ngư chấp nhận những rủi ro trên biển để xác lập những chuyến đi hầu khắp Hoàng Sa, Trường Sa.

Cứ đến dịp cả làng chài trở về đông đủ, những lão ngư kỳ cựu lại ôn chuyện năm tháng gian nan trên biển, rồi cất lời ca để lớp thanh niên sau thấm vào lòng tình yêu biển cả dạt dào, khi bãi Tư Chính nổi sóng thì họ lại cho tàu sẵn sàng hướng về nơi đó.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất