| Hotline: 0983.970.780

Khi củi ‘bỗng dưng’ trở thành chỉ số kinh tế

Thứ Ba 01/11/2022 , 10:49 (GMT+7)

Trong cơn khủng hoảng thiếu nguồn khí đốt sưởi ấm, người dân nhiều quốc gia ở châu Âu đang phải quay sang tìm củi để sưởi ấm, và làm dấy lên nhiều lo ngại mới.

Nhiều hộ gia đình ở châu Âu, đặc biệt là các nước nghèo, đang phải loay hoay tích trữ củi để sưởi ấm khi mùa đông cận kề. Ảnh: AP

Nhiều hộ gia đình ở châu Âu, đặc biệt là các nước nghèo, đang phải loay hoay tích trữ củi để sưởi ấm khi mùa đông cận kề. Ảnh: AP

Nhu cầu về củi ở châu Âu đã tăng đột biến và bất ngờ đóng vai trò là một chỉ số kinh tế hàng đầu. Đặc biệt là tại một số quốc gia, người dân đang phải lo đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng khi nguồn cung cấp chính là khí đốt từ Nga bị cắt giảm trong bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị gay gắt, cùng với việc thiếu các giải pháp thay thế.

Tại Đức, giá củi, viên nén gỗ hoặc các loại chất đốt tương tự trong tháng trước đã tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại Bulgaria, giá củi dùng cho lò sưởi cũng tăng gần gấp đôi, dẫn đến chính phủ phải ra quyết định ngừng xuất khẩu gỗ sang các nước ngoài khối EU.

Gần đây, một câu chuyện chưa rõ thực hư đã được đưa lên sóng đài phát thanh ở Ba Lan khuyên rằng, người dân nên tận dụng các món đồ gỗ cũ để làm củi sưởi ấm, còn rẻ hơn là mua củi. Trong khi đó ở Hà Lan, các nhà cung cấp than củi cũng hết sách nguồn ngay trước khi mùa hè kết thúc.

Thậm chí ngay cả ở Thụy Sĩ, nơi tỷ lệ lạm phát tương đối ổn định, giá củi cũng đã tăng khoảng 26% trong tháng trước. Theo một báo cáo mới đây, khoảng 64% người Bỉ lo ngại rằng họ sẽ không thể trả hóa đơn năng lượng vào thời điểm mà các gia đình trung lưu đang phải trả chi phí hàng năm cao gấp 10 lần so với năm ngoái.

“Phong trào” dự trữ củi ở khắp châu Âu đang diễn ra do mối quan tâm của người dân trong khu vực ngày một tăng lên trong việc sử dụng viên nén gỗ như một chất thay thế nhiên liệu sạch hơn cho than đá.

Nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ đã đạt dấu mốc mới ở EU vào năm ngoái. Tuy nhiên, nguồn cung tổng thể ở góc thị trường đó gần đây đã bị siết chặt bởi lệnh cấm của liên minh châu Âu đối với viên nén gỗ nhập khẩu từ Nga.

Ông Gheorghe Batca bên những súc củi tích trữ trong nhà ở Chisinau, Moldova, hôm 16/10/2022. Ảnh: AP

Ông Gheorghe Batca bên những súc củi tích trữ trong nhà ở Chisinau, Moldova, hôm 16/10/2022. Ảnh: AP

Theo các nhà quan sát, những loại cây trồng để lấy củi và viên nén dùng làm nhiên liệu không phải là những sản phẩm gỗ duy nhất bị tác động bởi địa chính trị. Thậm chí giá giấy vệ sinh đã tăng lên ở nhiều nơi, do giá nhiên liệu cần thiết để nấu bột gỗ cũng đã tăng lên. Ví dụ, một nhà sản xuất giấy toa lét ở Đức đã phải bắt đầu tận dụng bã cà phê như một chất thay thế bột giấy.

Giá củi ở châu Âu là một ví dụ rất rõ ràng về cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt đang diễn ra ảnh hưởng đến phần lớn thế giới, khi sự bất thường trong chuỗi cung ứng và xung đột làm sai lệch giá trị của mọi thứ, từ bánh mì đến ô tô cũ (mức tăng giá tháng trước đối với ô tô đã qua sử dụng ở Thụy Sĩ là 16 %).

Tuy nhiên theo các chuyên gia, nhu cầu củi gỗ cao bất thường không chỉ là vấn đề kinh tế, mà nó còn có những tác động đến môi trường. Ở Hungary, việc nới lỏng các quy định về khai thác gỗ nhằm giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với củi đốt than đã gây ra các cuộc biểu tình vào tháng trước, thu hút hàng nghìn người tham gia- nhiều người trong số họ đã phản đối nạn trộm gỗ bằng cách ôm cây theo đúng nghĩa đen.

Viên nén gỗ cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Trong khi việc dùng củi làm nhiên liệu đã được quảng bá là không phá hại môi trường, miễn là sau đó cây mới được trồng lại, tuy nhiên những câu hỏi nghiêm túc đã được đặt ra về mức độ sạch và bền vững của hoạt động này.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc đốt củi để sưởi ấm thải ra nhiều carbon dioxide trên mỗi kilowatt giờ hơn so với nhiên liệu hóa thạch, khiến cho yêu cầu trồng thêm nhiều cây mới để hấp thụ khí thải là điều bắt buộc.

“Nạn chặt phá rừng để lấy củi sử dụng làm nhiên liệu không bền vững và cũng không giúp ích gì cho sự độc lập năng lượng của chúng ta”, một nghị sĩ Đức thuộc Nghị viện Châu Âu gần đây tuyên bố.

Không chỉ dừng ở đó, cơn khát củi còn bao gồm những hàm ý khác, ngoài vấn đề  ô nhiễm không khí do đốt củi hay nạn trộm củi mà bức tranh lớn hơn là giá gỗ, củi tăng cao có thể khuyến khích vấn đề khai thác quá mức và khai thác bất hợp pháp…"Nguy cơ mất điện là có thật", người đứng đầu cơ quan lưới điện quốc gia Đức đã cảnh báo rằng nếu tất cả các hệ thống quạt sưởi điện trong nước đều được bật trong trường hợp hết gas, nó có thể gặp sự cố.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất