| Hotline: 0983.970.780

Khó bảo vệ tác quyền điện ảnh và văn học

Thứ Năm 19/12/2013 , 10:02 (GMT+7)

Ở nước ta, việc sử dụng video đều không có bản quyền, các trang mạng chỉ đưa video lên để thu hút người truy cập sau đó bán quảng cáo.

Ngày 15/12/2013, Nghị định 131/2013/NĐ-CP về quyền tác giả và công tác bảo vệ, kiểm soát, chống và xử phạt vi phạm quyền tác giả chính thức có hiệu lực. Ngay sau đó, liên tiếp hai ngày 17-18/12, Hội Điện ảnh và Hội Nhà văn đã tổ chức hai hội thảo với mong muốn tìm ra hướng đi tích cực trong việc bảo vệ tác quyền trong điện ảnh và văn học.

Thất thoát nghiêm trọng

Vấn đề bản quyền điện ảnh ở nước ta, NSND Đặng Nhật Minh nhận xét: “Không có lĩnh vực nào mà bản quyền bị vi phạm trắng trợn như điện ảnh. Trong cơ chế Nhà nước bao cấp làm phim thì người ta cho làm phim là tốt rồi, phim làm ra được chiếu ở đâu thì đạo diễn cũng không được thông báo”.

Nhiều bộ phim truyền hình chưa phát sóng đã bị in đĩa lậu, nhiều bộ phim nổi tiếng thế giới tràn ngập trên mạng internet cho khán giả xem miễn phí. Một lần nữa, sau lời kêu gọi “nghe có ý thức”, xem ra, những nhà làm điện ảnh Việt lại phải kêu gọi “xem có ý thức”. 

Tình trạng vi phạm bản quyền trong văn học cũng diễn ra khá phổ biến. Theo ông Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học (Hội Nhà văn Việt Nam), thì thậm chí có truyện ngắn còn được thay tên, đổi họ rồi đăng nguyên trên một tờ báo có lượng độc giả đông có thứ hạng. Khi Trung tâm Quyền tác giả văn học chuyển bản thảo gốc ra so sánh đồng thời chuyển công văn tới tờ báo đó thì họ mới ớ ra rằng đó là sai và gửi trả lại nhuận bút.


Cảnh trong phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Nhưng những vi phạm đó vẫn chưa thấm tháp gì so với hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn bị đưa vào khai thác trái phép trên các địa chỉ ebook. Trong đó có nhiều trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài vì thế việc đề nghị trả tiền bản quyền cũng chưa biết giải quyết thế nào.

Thất thoát của các nhà làm phim và Nhà nước từ việc khán giả xem phim miễn phí trên mạng chưa từng được thống kê, song theo ông Đào Việt Dũng, Trưởng phòng Thương mại điện tử (Cty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao): Thống kê của Cty trên một trang mạng, có 7 chương trình video gồm 2 chương trình ca nhạc và 5 bộ phim, nếu mỗi người xem chỉ trả 1.000 đồng thì chỉ trong vòng nửa năm, số tiền đã lên đến 95 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở nước ta, việc sử dụng video đều không có bản quyền, các trang mạng chỉ đưa video lên để thu hút người truy cập sau đó bán quảng cáo. Việt Nam hiện có khoảng 400 trang web sử dụng video (phim và nhạc), với 90% lượng người dùng internet đều sử dụng sản phẩm video thì lượng tiền bản quyền bị thất thoát sẽ khổng lồ.

Cần một tổ chức quản lý tập thể?

Để giải quyết vấn nạn này, Chủ tịch Hội Điện ảnh, NSND Đặng Xuân Hải cho rằng đã đến lúc cần thành lập một tổ chức quản lý tập thể cho môi trường điện ảnh ở Việt Nam, giống như trong lĩnh vực âm nhạc có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam được thành lập cách đây hơn 10 năm.

Song thực thế, việc thành lập trung tâm như vậy cũng chưa phải là giải pháp thực sự tốt bởi như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học mặc dù đã thành lập được 9 năm với hơn 900 hội viên ủy thác nhưng mọi hoạt động dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Trong 11 tháng gần đây nhất, đơn vị này chỉ giải quyết được vài vụ việc đơn lẻ với các nhà xuất bản (NXB) và số tiền tác quyền “đòi” được cả thảy chỉ 15 triệu đồng. Cũng chính lý do hoạt động thiếu chuyên nghiệp và cầm chừng này mà một số nhà văn như Hoàng Quốc Hải dù biết tác phẩm của mình bị vi phạm tác quyền nhưng cũng đành chấp nhận mà chưa “dám” ủy quyền cho Trung tâm này.

Giải thích về sự èo uột này, ông Đỗ Hàn cho rằng trước hết do nhân lực của Trung tâm phần lớn là kiêm nhiệm và quan trọng hơn là rất nhiều nhà văn, nhà thơ vẫn rất mơ hồ với khái niệm bản quyền.

Có trường hợp như nhà văn Ông Văn Tùng, mặc dù ông than vãn rằng tác phẩm của mình bị nơi này, nơi kia in mà không xin phép nhưng rồi cuối cùng lại xuề xòa cho qua với tâm niệm “họ in cho mình là vui rồi!”. Hay có những trường hợp sau khi Trung tâm “tham chiến” gửi công văn tới NXB nhưng sau đó NXB và tác giả lại tự thỏa thuận mà phớt lờ vai trò của Trung tâm đi.

Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, dù có lý giải cách gì thì cũng không thể phủ nhận một sự thật là Trung tâm này đang hoạt động yếu và thiếu chuyên nghiệp.

Bởi vậy, một tổ chức quản lý tập thể thực sự hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, sát sao mới chính là yếu tố cần thiết để Luật Bản quyền và các Nghị định được thực thi nghiêm túc ở Việt Nam trên mọi lĩnh vực.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.