| Hotline: 0983.970.780

Khó xóa triệt để nạn buôn bán động vật hoang dã trá hình

Thứ Năm 11/01/2024 , 09:30 (GMT+7)

LONG AN Để giải quyết tình trạng buôn bán động vật hoang dã ‘núp bóng’ tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa, việc thực hiện các phương án chuyển đổi công năng chợ cần nhanh chóng triển khai.

Được biết, vào năm 2022, UBND tỉnh Long An đã có chủ trương xây dựng chợ chim cảnh Thạnh Hóa trở thành Khu thương mại Thạnh Hóa, tích hợp xây dựng trạm dừng chân, khách sạn, siêu thị, cửa hàng xăng dầu… với diện tích hơn 22.000m2.

Tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa, các tiểu thương phải bỏ ra 4 – 5 triệu đồng/tháng để thuê kiot mới thực hiện kinh doanh chim cảnh. Ảnh: KA.

Tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa, các tiểu thương phải bỏ ra 4 – 5 triệu đồng/tháng để thuê kiot mới thực hiện kinh doanh chim cảnh. Ảnh: KA.

Đến nay, các hạng mục đang được triển khai thực hiện, hoạt động mua bán chim cảnh tại chợ chim Thạnh Hóa đã trở nên trật tự, ổn định hơn. Tuy nhiên, việc “xóa sổ” nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn còn là dấu hỏi lớn và còn đang bị bỏ ngỏ.

Trao đổi với đại diện cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (Bộ NN-PTNT), đơn vị này khẳng định, đối với các loài động vật hoang dã được quy định tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, trong quá trình nuôi, chủ cơ sở phải thực hiện quy trình đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp mã số cơ sở nuôi.

Đối với các loài động vật rừng thông thường, chủ cơ sở gây nuôi khi vận chuyển đi ra ngoài tỉnh phải được Chi cục Kiểm lâm địa phương cấp phép vận chuyển. Ảnh: KA.

Đối với các loài động vật rừng thông thường, chủ cơ sở gây nuôi khi vận chuyển đi ra ngoài tỉnh phải được Chi cục Kiểm lâm địa phương cấp phép vận chuyển. Ảnh: KA.

Đối với trường hợp gây nuôi vì mục đích thương mại, phải đảm bảo nguồn gốc khai thác hợp pháp. Đồng thời, chủ cơ sở phải có bảng kê lâm sản khi thực hiện hoạt động bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển, xuất lâm sản để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.

Việc một số tiểu thương tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa thực hiện buôn bán động vật hoang dã “ngầm” mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của lâm sản, được xem là trái quy định pháp luật. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm, trước đó nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT đã vào cuộc, lên tiếng phản đối hoạt động tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa nhưng cũng không đi đến đâu.

Mặc dù UBND tỉnh Long An đã có những chỉ đạo quyết liệt, siết chặt quản lý và đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại đây nhưng đến nay, tuy phạm vi hoạt động của chợ có phần thu hẹp, nhưng hình thức hoạt động ngày càng tinh vi hơn.

Ở góc độ ngành nông nghiệp địa phương, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết, thời điểm lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát hầu như không phát hiện dấu hiệu sai phạm. Cán bộ quản lý cũng không thể trực tiếp giám sát xuyên suốt tại đây, nên rất khó khăn trong việc xử lý.

Mặc dù việc xây dựng chợ chim cảnh Thạnh Hóa trở thành điểm dừng chân, chợ nông sản đang được triển khai, tuy nhiên vẫn chưa đi đến đâu. Ảnh: KA.

Mặc dù việc xây dựng chợ chim cảnh Thạnh Hóa trở thành điểm dừng chân, chợ nông sản đang được triển khai, tuy nhiên vẫn chưa đi đến đâu. Ảnh: KA.

Được biết, mới đây, các sở, ban ngành chuyên môn của tỉnh Long An đã làm việc trực tiếp với huyện Thạnh Hóa để tính toán phương án chuyển đổi công năng chợ nông sản Thạnh Hóa để phục vụ buôn bán sản phẩm đặc trưng của địa phương. Mục tiêu là không để xảy ra tình trạng buôn bán động vật sống, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả cũng như giải pháp hợp lý. Và thực tế như phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh trong bài viết "Mua bán động vật hoang dã trá hình trong chợ chim cảnh lớn nhất miền Tây", chợ nông sản Thạnh Hóa vẫn đìu hiu, thưa khách, sản phẩm tại chợ cũng chưa phong phú, đa dạng.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Long An cũng khẳng định, do phần lớn các tiểu thương tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa thuê lại vị trí của doanh nghiệp để mua bán, không cố định. Vì thế, khi thực hiện phương án sắp xếp lại công năng chợ, việc chuyển đổi nghề cho tiểu thương phụ thuộc vào địa phương và sẽ có giải pháp hài hòa nhất đảm bảo quyền lợi cho bà con.

Chính quyền địa phương cũng tính đến phương án kêu gọi mạnh thường quân mua lại toàn bộ các loài động vật tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa từ gia cầm thông thường, chim cảnh cho đến các loài động vật quý hiếm trong danh mục cấm để phóng sinh.

Việc mua bán động vật hoang dã tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa chuyển từ mua bán trực tiếp sang hoạt động âm thầm, lén lút, gây khó khăn trong công tác kiểm dịch và vệ sinh môi trường. Ảnh: KA.

Việc mua bán động vật hoang dã tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa chuyển từ mua bán trực tiếp sang hoạt động âm thầm, lén lút, gây khó khăn trong công tác kiểm dịch và vệ sinh môi trường. Ảnh: KA.

Thực tế, các tiểu thương tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa thuê mặt bằng để thực hiện mua bán với mức phí khá cao. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh “ế ẩm” gây nhiều khó khăn cho bà con, dẫn đến vì lợi nhuận một số tiểu thương chấp nhận việc mua bán thêm các sản phẩm động vật hoang dã ngoài phạm vi pháp luật cho phép.

Để nhanh chóng giải quyết triệt để “điểm nóng” mua bán động vật hoang dã tại chợ chim cảnh Thạnh Hóa, rất mong tỉnh Long An có những giải pháp căn cơ hơn, sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phương án quy hoạch, sắp xếp lại công năng tại đây, ổn định đời sống tiểu thương.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.