| Hotline: 0983.970.780

Nạn bắn phá chim cò hoang dã hoành hành tại vườn cò Sáu Sôm

Thứ Tư 27/12/2023 , 13:20 (GMT+7)

SÓC TRĂNG_ Vườn cò Sáu Sôm đứng trước nguy cơ thu hẹp số lượng loài do nạn bắn phá, người dân cần sự chung tay bảo tồn môi trường tự nhiên cho chim cò phát triển.

Vườn cò Sáu Sôm ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Vườn cò Sáu Sôm ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

4h sáng, nhóm PV Báo Nông nghiệp Việt Nam khởi hành từ TP Sóc Trăng, đi theo tuyến Quốc lộ 1A hướng về tỉnh Bạc Liêu. Qua khỏi cầu Nhu Gia thuộc địa phận xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, rẽ trái vào tỉnh lộ 940 để tìm đến vườn cò Sáu Sôm, ở ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên. Đây là một trong số ít những khu vườn vẫn còn giữ được nét hoang sơ, tự nhiên, tạo môi trường sống, sinh sản và bảo tồn các loài chim cò hoang dã, quý hiếm.

Đây là một trong số ít những vườn cò ở khu vực ĐBSCL còn giữ lại được nét hoang sơ tự nhiên. Ảnh: Kim Anh.

Đây là một trong số ít những vườn cò ở khu vực ĐBSCL còn giữ lại được nét hoang sơ tự nhiên. Ảnh: Kim Anh.

Ở vùng nông thôn, từ sớm rất đông bà con ấp Trung Hòa đã đi tập thể dục buổi sáng, nên không khó để chúng tôi hỏi thăm đường.

“Chim cò giờ đâu còn nữa mà tìm”

“Người ta bắn phá rồi bán cho cô nè, chim cò bay đi hết rồi”.

Đó là những lời cảm thán và cũng là thực trạng khó khăn mà vườn cò Sáu Sôm đang đối diện.

Đón chúng tôi ở cổng, ông Lâm Văn Huy, chủ nhân vườn cò Sáu Sôm nói thẳng vào câu chuyện “bây giờ cò chuẩn bị bay đi kiếm ăn, đến chiều tối lại bay về đây ngủ. Gần đây, người ta bắn phá quá, nên số lượng cò về đây trú ngụ cũng giảm đi nhiều”.

Vườn cò được hình thành và phát triển hơn 100 năm, với số lượng lên đến hàng ngàn con, trong đó có nhiều loài thuộc danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm như: cò trắng, cò quăm đầu đen. Ảnh: Kim Anh.

Vườn cò được hình thành và phát triển hơn 100 năm, với số lượng lên đến hàng ngàn con, trong đó có nhiều loài thuộc danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm như: cò trắng, cò quăm đầu đen. Ảnh: Kim Anh.

Được biết, vườn cò này có tuổi đời trên 100 năm, được cải tạo, duy trì và phát triển qua 3 thế hệ. Đây là nơi trú ngụ, làm tổ sinh sản của hàng ngàn con chim cò. Trong đó có nhiều loại quý hiếm như: cò rắn, diệc, cò ngà, còng cọc, vạt, cò trắng, cò quăm đầu đen, quắm trắng...

Gắn bó lâu năm, ông Huy có thể nhận diện đặc điểm, hình dạng cũng như tập quán của từng loài. Có loài buổi sáng đi kiếm ăn, chiều lại bay về vườn ngủ, ngược lại với loài vạc thì buổi chiều bắt đầu đi kiếm ăn và sáng lại bay về, nên lúc nào trong vườn cũng có âm thanh chim cò ríu rít.

Theo lời kể của ông Huy, từ thời kháng chiến chống Mỹ, khu vườn là đất trồng lúa. Trải qua quá trình ông cha khai khẩn, ngăn đất lập vườn, lên liếp trồng dừa và các loại tre, bần, mắm, trâm bầu, hình thành khu vườn rộng 4ha. Cây cối ngày càng phát triển khá dày và cao, cũng là lúc chim cò bắt đầu tìm về làm tổ, phát triển đàn “đặc kẹo” cả khu vườn.

Ông Lâm Văn Huy, 71 tuổi, chủ nhân vườn cò Sáu Sôm và cũng là thế hệ thứ 3 trong gia đình giữ gìn và bảo tồn các loài chim, cò hoang dã. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lâm Văn Huy, 71 tuổi, chủ nhân vườn cò Sáu Sôm và cũng là thế hệ thứ 3 trong gia đình giữ gìn và bảo tồn các loài chim, cò hoang dã. Ảnh: Kim Anh.

Trước năm 1975, chiến tranh còn ác liệt, số lượng loài cũng sụt giảm nhiều. Đến năm 1994, gia đình ông Huy tiến hành cải tạo lại vườn, trồng thêm cây cối, thả nuôi cá, làm bờ bao để giữ đất và thuận lợi trong việc quản lý vườn cò. Đồng thời, ông cũng đầu tư hệ thống 3 cống lấy nước đảm bảo vườn không bị ứ đọng, không khí trong lành, thông thoáng cho chim cò sinh sống.

Đưa chúng tôi dạo một vòng quanh vườn, ông Huy buồn bã tâm sự, năm nay ông đã 71 tuổi, sức khỏe cũng không tốt. Có thời gian, ông phải nằm viện ở TP Sóc Trăng để điều trị bệnh, lúc này vườn có không ai trông coi, quản lý. Nhiều đối tượng bên ngoài xâm nhập vào vườn, bắn phá, bắt chim cò, khiến chỉ sau vài tháng số lượng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Nếu như trước đây, từ xa, tiếng kêu của đủ loại chim cò vang rền, dễ chịu, náo nức cả một vùng quê. Thì nay, âm thanh ấy đã lắng dịu hơn rất nhiều, thậm chí vào sáng sớm chỉ rải rác vài đàn cò bay đi kiếm ăn.

Ông Lâm Văn Huy chỉ về vị trí bị các đối tượng lạ đột nhập vào vườn bắn phá chim cò. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lâm Văn Huy chỉ về vị trí bị các đối tượng lạ đột nhập vào vườn bắn phá chim cò. Ảnh: Kim Anh.

Chỉ vào những bụi dừa nước bị dẫm đạp, nằm ngổn ngang trên lối đi trong vườn, ông Huy rưng rưng, các đối tượng lạ dùng nạng thun, gắn vào đó một cục đất to, bắn phá khiến chim cò hoảng sợ bay đi hết. Có những con khi được phát hiện vẫn còn “mảnh đạn” ghim trong mình, không sống nổi. Hay những con bị thương, gãy cánh ông Huy cố gắng mang vào nhà chăm sóc để mong chữa trị được.

Lực lượng công an xã Gia Hòa 1 cũng thường xuyên vận động người dân không bắn phá chim cò, tuy nhiên do chưa có chế tài xử phạt, nên thực trạng này thường xuyên tái diễn, các đối tượng cũng trở nên manh động hơn.

“Có khi các đối tượng “đột nhập” vào vườn ban đêm, sử dụng cả mã tấu, xảy ra ẩu đả, ba bên bốn phía bắn, chim cò bay lên báo động. Nhưng vườn chỉ có hai vợ chồng tôi trông coi, nên khi phát hiện phải gọi điện thoại nhờ con cháu vào giúp sức hoặc báo công an địa phương để bắt”, ông Huy kể lại.

Cây cối bị dẫm đạp, ngã rạp trên lối đi ra vào vườn cò. Ảnh: Kim Anh.

Cây cối bị dẫm đạp, ngã rạp trên lối đi ra vào vườn cò. Ảnh: Kim Anh.

Trong khi đó, trao đổi với ông Đỗ Văn Hên, Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, ông Hên cho rằng đối tượng bắn phá chủ yếu là thanh niên trẻ, cũng không thường xuyên. Chính quyền xã đã vận động, giải tán, nếu tiếp tục duy trì sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết hơn.

"Hiện nay do chưa có văn bản nghiêm cấm hoặc quy định cụ thể về chế tài xử phạt việc săn bắt chim cò. Do đó, giải pháp để giải quyết vấn đề trên chủ yếu là chủ động tuyên truyền, vận động người dân là chính. Khi nhận được tin báo của bà con, chính quyền xã trong đó có lực lượng công an xuống xử lý", Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 1 cho biết.

Được biết, UBND huyện Mỹ Xuyên đã có chủ trương đầu tư vườn cò Sáu Sôm trở thành khu du lịch sinh thái, tâm linh. Dự án này nhận được sự quan tâm, đầu tư của huyện và sự đồng thuận cao của người dân trong xã. Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến khảo sát và dự kiến phát triển, tuy nhiên, do nạn bắn phá, đốt cây cối khiến chim cò bay đi hết, nên đến nay vẫn chưa “đi” đến đâu.

Hệ sinh thái tự nhiên trong vườn cò Sáu Sôm đang bị đe dọa, nếu không có sự chung tay đồng hành của người dân và chính quyền địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Hệ sinh thái tự nhiên trong vườn cò Sáu Sôm đang bị đe dọa, nếu không có sự chung tay đồng hành của người dân và chính quyền địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lâm Văn Huy mong muốn và quyết tâm giữ gìn khu vườn, giữ một môi trường tự nhiên, hoang dã để chim, cò trú ngụ, sinh sôi phát triển và bảo tồn các loài quý hiếm, tương lai có thể trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cho du khách.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.