| Hotline: 0983.970.780

Khoác 'áo gấm' cho chè cổ thụ Suối Giàng

Thứ Hai 13/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

YÊN BÁI Bài toán nâng giá trị đang được các hợp tác xã chú trọng nhằm tìm hướng đi cho chè cổ thụ Suối Giàng.

Được thành lập tháng 3/2007 với 7 thành viên, đến nay, HTX Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có hơn 30 thành viên, trong đó có nhiều thành viên là người Mông, gắn bó với nghề chè ở địa phương từ bao đời nay.

Bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng giới thiệu sản phầm trà của HTX. Ảnh: Thanh Tiến. 

Bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng giới thiệu sản phầm trà của HTX. Ảnh: Thanh Tiến. 

Bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết: HTX ra đời và đi vào hoạt động với mục tiêu sản xuất các sản phẩm chè chất lượng cao, xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng và giúp bà con dân tộc Mông thay đổi tư duy để vừa gìn giữ cây chè quý, vừa sản xuất theo quy trình đảm bảo các tiêu chuẩn thị trường.

Với phương châm “chất lượng làm nên thương hiệu”, HTX nỗ lực tìm tòi, học hỏi cách sản xuất, chế biến và liên kết với doanh nghiệp để nâng cao giá trị cây chè. Từ chỗ chỉ vài nghìn đồng/kg chè búp tươi, đến nay, giá chè búp đã dao động từ 20.000 - 300.000 đồng/kg (tùy theo chất lượng, cách thu hái).

Mô hình HTX giúp người dân ở Suối Giàng yên tâm sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến. 

Mô hình HTX giúp người dân ở Suối Giàng yên tâm sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến. 

Bài liên quan

Theo bà Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX Suối Giàng, diện tích chè cổ thụ ở Suối Giàng thường phân tán, do nhiều hộ dân sở hữu, mỗi hộ có diện tích nhỏ nên việc đánh số trên lô thửa để sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn hữu cơ gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những hạn chế trên và nâng cao giá trị kinh tế cây chè, HTX đã cùng địa phương lên kế hoạch xây dựng vùng sản xuất chè hữu cơ, hướng dẫn người dân sản xuất theo chiều sâu, hỗ trợ vay vốn của ngân hàng với lãi suất thấp… Kể từ khi đi vào hoạt động, HTX cùng với bà con tự ủ phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc BVTV hóa học, thuốc diệt cỏ trên đồi chè cổ thụ. Chú trọng vào khâu sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản...

Chè Suối Giàng ngày càng được đầu tư đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã đẹp. Ảnh: Thanh Tiến. 

Chè Suối Giàng ngày càng được đầu tư đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã đẹp. Ảnh: Thanh Tiến. 

Năm 2012, HTX đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng khang trang, đầu tư thiết bị hiện đại với công suất sản xuất 2 tấn chè búp tươi/ngày. HTX còn liên kết với một số chuyên gia trong ngành chè cùng đào tạo thành viên, người lao động theo phương pháp "cầm tay chỉ việc" và đưa thành viên, người lao động đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số nhà máy chè ở các địa phương khác. Nhờ đó, HTX Suối Giàng đã trở thành một trong những đơn vị có đội ngũ lao động lành nghề trong sản xuất, chế biến chè của tỉnh Yên Bái.

Đến nay, HTX Suối Giàng đã có 6 sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, được đóng gói với mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Giá bán chè tùy thuộc theo loại, dao động từ 250 nghìn đến 650 nghìn đồng/ kg và cao nhất là hơn 3 triệu đồng/kg.

Năm 2019, sản phẩm Tuyết Sơn Trà của HTX Suối Giàng trở thành sản phẩm đầu tiên của huyện Văn Chấn được công nhận sản phẩm OCOP. Đó không chỉ là tin vui của HTX Suối Giàng mà còn khẳng định chất lượng, thương hiệu chè “Tuyết Sơn Trà”.

Từ thành công ban đầu, HTX tiếp tục sản xuất 4 dòng trà gồm: Diệp trà (trà xanh), Hồng trà (trà hồng), Bạch trà (trà trắng), Hoàng trà (trà vàng). Mỗi kg trà thuộc dòng này có giá từ 400 nghìn đồng đến 10 triệu đồng. 

Chè Suối Giàng được canh tác đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến. 

Chè Suối Giàng được canh tác đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Thanh Tiến. 

Giám đốc Lâm Thị Kim Thoa chia sẻ thêm: Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ, thị trường đóng băng, sản phẩm tiêu thụ hết sức khó khăn. "Cái khó ló cái khôn", HTX chuyển từ việc bán hàng theo phương thức truyền thống sang bán hàng trực tuyến, bán hàng qua các trang mạng xã hội, livestream… Đồng thời, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hội chợ nhằm tiếp thị, quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Với phương thức bán hàng mới, sản phẩm của HTX Suối Giàng được biết đến rộng rãi, khách hàng nhiều, doanh thu tăng. Đặc biệt, một số sản phẩm trà của HTX đã vào được thị trường khó tính như Anh, Nhật Bản…

Năm 2021, HTX có doanh thu trên 3 tỷ đồng, năm 2022 trên 3,5 tỷ đồng và năm 2023 dự kiến thu hơn 4 tỷ đồng. Ngoài sản xuất, kinh doanh, Giám đốc HTX Suối Giàng còn vận động một số hộ dân xây dựng khu giới thiệu sản phẩm trà và các sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái với tên gọi “Bản Giàng Chân Mây” tại xã Suối Giàng để vừa quảng bá sản phẩm, phát triển du lịch, vừa đào tạo thế hệ trẻ ở Suối Giàng hiểu thêm bản sắc, văn hóa vùng đất này. Năm 2022, Giám đốc Lâm Thị Kim Thoa là một trong 10 Công dân tiêu biểu của tỉnh Yên Bái.

Nhờ sản xuất hữu cơ và ứng dụng công nghệ hiện đại vào chế biến, chè Suối Giàng đã mang lại nhiều giá trị cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhờ sản xuất hữu cơ và ứng dụng công nghệ hiện đại vào chế biến, chè Suối Giàng đã mang lại nhiều giá trị cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, ông Lường Văn Tâm chia sẻ: Với diện tích hơn 500ha chè shan tuyết cổ thụ, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt từ 600 - 700 tấn, chè cổ thụ Suối Giàng giờ đây không chỉ đơn thuần là sinh kế mà còn mang giá trị văn hoá, bản sắc của đồng bào. HTX Suối Giàng ra đời cùng một số HTX mới thành lập đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho địa phương, giải quyết việc làm, bảo tồn các di sản…

"Quy trình sản xuất hữu cơ vừa nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, vừa bảo vệ môi trường, không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế cao nhờ chất lượng tuyệt hảo của chè, mà còn giúp người dân thu lợi từ du lịch trên vùng đất quanh năm mây mù bao phủ này", Chủ tịch UBND xã Suối Giàng nói.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.