| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 24/04/2021 , 08:26 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 08:26 - 24/04/2021

Khóc cây

Một người đàn ông 'có tầm nhìn chiến lược' nói theo cách nói thời nay thì phải biết quy hoạch mảnh vườn của mình cho muôn đời con cháu.

Có vú sữa tím, vú sữa vàng cho khác biệt sân trước sân sau. Xoài bên đường xuống bến cho lòa xòa trên đầu đám đàn bà con gái luôn có việc phải đi từ bếp đến mé nước.

Những cây dừa xiêm quỳ bên cái xẻo để ghe thuyền. Hai hàng cau để ngồi trên bờ bến những đêm trăng. Không quên những bụi chuối bên đầu hè để cho lũ chim ríu rít vào những sáng sớm. Và những cây mai cây ngâu bên mép sân gạch, hướng chính cửa cùng những khóm hoa cho các loại bướm rập rờn.

Làm sao liệt kê hết các thứ bởi tầm quán xuyến của một người đàn ông nửa đầu thế kỷ cũ. Giữa nhà kho nhỏ tiếp giáp các loại chuồng là một cái ao cạn. Các loại rau nước và rau chỉ có thể sống không ngập nước.

Kia nữa là một vạt đất cho các loại cây lá thuốc, ở đây sẽ có cả cây bèn nưa để nhớ gốc gác Hà Tĩnh - Bình Định của ông bà, củ nưa để làm bột chữa nhiệt, chữa kiết lỵ. Cả xóm có thể gặp nhau ở đây những ngày mưa nắng chập chờn tháng tư, họ đến xin lá thuốc về để nấu xông, có nhà còn phải đi xin từng nắm sả, từng nắm lá lốt chỉ vì họ không siêng năng, thế thôi.

Thực sự vườn là cây hàng hóa, cam quýt bưởi cau dừa. Thời thương lái chưa đông đúc do chưa có đường bê tông, mỗi tháng gia đình phải đi chợ xa một lần bằng ghe tam bản có mui. Riêng dừa có thương hồ đi ghe tải trọng lớn ghé qua, cau thì bổ ruột phơi khô để chuyển lên Sài Gòn cho nhà vựa đưa ra miền Trung.

Người đàn ông đánh dấu lãnh thổ của mình bằng một bờ bao trồng toàn sao. Dưới tán sao là những liếp dành cho khoai củ, mùa khô phơi đất, mưa xuống đặt mầm, vài tháng đã thấy cây khoai mì vọt lên trước, vạt kia là một hàng rào bằng tre trúc cho dây khoai từ, khoai lang, khoai ngọt bám vào.

Không quên cổ thụ cho mặt tiền nhà. Một hàng sao thẳng thớm trên cả lũ cây ăn trái. Những gốc sao với gờ rễ để bọn trẻ làm cái mốc chạy ù đến và ngồi xuống đó trên mặt đất mỗi đêm thanh. Nếu không có cây sao thì ký ức chỉ là mùi thơm của cây trái và hoa bướm chim chóc.

Cổ thụ để tĩnh tâm, bởi con người không phải lúc nào cũng cần cái gì đó cho dạ dày. Cổ thụ không cho thức ăn, riêng cây sao không cho cả hoa và trái bởi nếu chúng cho, thì gió cũng đã cuốn đi. Cổ thụ cho tất cả, cả một đời người không là gì so với đời cây.

Đã đào sâu khó nhọc trong dày đặc tối om như cây chưa để tìm cái gọi là sự sống? Đã thẳng thớm và hiên ngang như cây chưa trong nắng mưa, bão giông, sấm sét? Đã hiền minh như cây chưa trong tỏa bóng, che đỡ? Và đã mãi mãi như cây chưa trong sự hiến dâng hữu ích cả khi nằm xuống?

Chỉ có chiến tranh mới làm nổi sự hủy diệt. Không còn một cây đứng trong khu vườn, kể cả những cây sao. Nhưng thời gian nhiệm mầu, thời gian đã làm lại tất cả.

Cô bé từng vấp té tưởng chừng như vỡ ngực vì những gờ rễ sao, cô bé từng thủ thỉ với lũ bạn của mình dưới gốc sao những năm tháng thần tiên ấy đã có một hành trang vững chải, nhờ mang theo tâm hồn mình tiếng lá tiếng cây.

Những hàng sao Sài Gòn cho cảm xúc vỡ òa như gặp lại ân nhân, hơn cả ân nhân, là những vị thầy đã thì thầm mãi với cô bé ngày trước về lẽ ở đời. Chừng như sao Sài Gòn cùng tuổi với sao vườn nhà ông nội từng dành cho con cháu.

Những cây sao được đánh số trên vỉa hè nhưng hoa của nó trong những cơn gió tháng tư thì không ai đánh số nổi. Rợp trời, thảng thốt, nâu sồng màu đất. Không ai khó chịu vì thứ bông chỉ hai cánh khô nen của sao. Ngay cả việc cho hoa dường như cổ thụ cũng rất hiểu con người.

Những hàng xà cừ đường Láng (Hà Nội) cho người phụ nữ nay đã trung niên những ngạc nhiên kỳ thú về những cái bướu. Sài Gòn có sao, Hà Nội có xà cừ. Có lẽ bướu xà cừ giống như bướu lạc đà, bướu trữ sự sống mỗi khi Hà Nội vào mùa cay cực. Những hàng cây lẫm liệt nhân chứng của mọi thứ bi tráng có tên là lịch sử.

Không còn chiến tranh nhưng cổ thụ ở Sài Gòn và Hà Nội đang phập phồng. Những thường dân chịu ơn cổ thụ chẳng thể làm gì hơn.

Ban đêm, họ hẹn nhau ra với cây để vòng tay quanh nó, để áp ngực vào nó, để thầm thì với nó và… để dùng nước mắt mình tưới cho nó (hay là khóc tiễn). Rốt cùng, cây vẫn phải lìa đời, không thể khác. Trên những vết cưa gần sát mặt bê tông có những cánh hoa đặt lên.

Ai, ai viếng, ai tưởng niệm, ai thương nhớ cây, có lẽ, không cần nói ra nhưng ai cũng biết.