| Hotline: 0983.970.780

Khốn đốn vì dông

Thứ Năm 16/01/2014 , 10:58 (GMT+7)

Tiền đầu tư vào chuồng trại thì nhiều, dông đến thời điểm tiêu thụ chạy ngổn ngang trên cát mà không có người mua nên người nuôi lâm cảnh khó khăn.

Cách đây không lâu, nuôi dông là 1 nghề rất “hot” ở một số vùng ven biển Bình Định. Bởi dông dễ nuôi, lại có giá trị kinh tế cao, được xếp vào hàng đặc sản. Không ngờ khi những trang trại bắt đầu thu hoạch rộ dông thương phẩm thì lại bí đầu ra...

Điểm xuất phát mô hình nuôi dông là ở huyện Hoài Nhơn vào năm 2008. Sau đó lan nhanh sang các làng ven biển thuộc huyện Phù Mỹ, tập trung tại xã Mỹ Thắng. Khi ấy, nhiều hộ nông dân không muốn đi theo “đường xưa lối cũ”, nuôi những con vật truyền thống; mà muốn bứt phá, đi theo hướng nuôi con đặc sản để kiếm thu nhập khá hơn.

Trong khi đó, dông vừa là món nhậu đặc sản rất khoái khẩu của cánh mày râu, vừa là món ăn bổ dưỡng cho người ốm mới khỏi nên có giá trị cao. Dông lại phù hợp với môi trường nuôi trên đất cát; vừa dễ nuôi, thức ăn chỉ là rau muống, rau lang, dưa hấu, đu đủ, bí đỏ, cỏ, bèo… vừa dễ tính, người nuôi nếu bận việc 2 - 3 ngày “quên” cho ăn cũng chẳng sao.


Ông Xuân buồn bã nhìn trang trại nuôi dông hoang tàn

Mùa mưa, dông nấp dưới hang cát tự ăn đuôi nhau để sống chứ không cần cho ăn theo bữa. Loài dông cũng ít bị dịch bệnh nên người nuôi không phải lo lắng nhiều chuyện thú y, chỉ cần cẩn trọng trong khâu làm chuồng nuôi. Xung quanh chuồng phải được xây tường cao khoảng 2m hoặc dùng tôn xi măng dựng thành tường, đáy nền lót gạch thẻ để dông không bò được ra ngoài, hoặc đào hang chui ra.

Riêng tại xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ), thời cao điểm có đến 30 trang trại nuôi dông. Dông giống được mua tận tỉnh Bình Thuận với giá 500.000 đ/kg. Khoảng 5 - 6 tháng sau khi thả dông giống, chúng bắt đầu sinh sản; mỗi con dông giống đẻ từ 3 - 6 trứng, khoảng 1 tháng rưỡi sau thì trứng nở, nuôi khoảng từ 10 - 12 tháng là bán dông thịt. Dông thương phẩm giá trị khá cao, có thời điểm bán được 280.000 đ/kg.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ rất hạn chế nên dông bị ế dài dài. Tiền đầu tư vào chuồng trại thì nhiều, dông đến thời điểm tiêu thụ chạy ngổn ngang trên cát mà không có người mua nên người nuôi lâm cảnh khó khăn. Hầu hết các hộ nuôi đang phải gánh nợ, đã tháo dỡ chuồng trại, bỏ nghề. Chỉ còn vài hộ nuôi cầm chừng, chạy tông chạy tột kiếm đầu ra hầu mong vớt vát chút đỉnh tiền vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Xuân (70 tuổi) ở thôn 9, xã Mỹ Thắng từng đích thân vào tận Bình Thuận học nghề nuôi dông. Sau khi năm bắt kỹ thuật nuôi, ông Xuân quyết định mua 80 kg dông giống với giá tiền 40 triệu đồng, sau đó đầu tư thêm 20 triệu nữa để làm trang trại. Thế nhưng sau gần 5 năm nuôi dông, ông Xuân chẳng những đã không thực hiện được ước mơ đổi đời, mà còn lâm vào cảnh trắng tay.

“Tôi biết được thông tin về con dông trong chương trình giúp nhà nông làm giàu trên tivi, thấy nghề nuôi dông trên cát ở Bình Thuận rất phù hợp với đất cát ở quê mình nên quyết tâm nuôi. Nào ngờ thị trường tiêu thụ không có nên nuôi dông lên rồi chẳng biết bán cho ai. Lâu lâu bán được vài ký cho các nhà hàng ở TP Quy Nhơn chẳng bõ bèn gì. Nản quá, tôi chấp nhập thua lỗ, tháo dỡ chuồng trại, tháo luôn cái nghề nuôi con đặc sản này”, ông Xuân than thở.

Buồn bã hơn, ông Trần Văn Mí (57 tuổi) ở thôn 9 thấy bà con trong vùng đua nhau nuôi dông, ông cũng vay mượn anh em họ hàng mua 40 kg dông giống với giá 20 triệu đồng; cộng với tiền làm chuồng trại, tiền mua thức ăn đến nay tính ra đã tốn hơn 40 triệu, nhưng số tiền thu lại từ bán dông chưa đến 10 triệu. Số nợ vay giờ không biết lấy đâu ra để trả.

“Con dông nuôi dễ, thịt ăn ngon, chỉ cần đầu ra ổn định thì nghề nuôi nhông ở địa phương sẽ phát triển tốt”, ông Mí chia sẻ.

Ông Trần Văn Phá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thắng cho biết:

“Địa phương không có chủ trương phát triển mô hình nuôi dông trên cát vì chưa thấy có đầu ra ổn định, thế nhưng nghe ngóng nghề nuôi dông ở các nơi làm ăn khấm khá nên một số hộ dân tự phát nuôi rộ, đến bây giờ phát triển đầy đàn mà không biết bán đi đâu nên lâm cảnh khốn đốn”.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.