Bị “trói tay”
Các đơn vị sản xuất kinh doanh rừng trồng nên chuyển hướng sang CPH. |
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp lâm nghiệp) thường than thở về quyền tự chủ bị hạn chế, về sự mâu thuẫn trong sứ mệnh và quyền lợi.
Họ thường so sánh, nếu ông chủ tư nhân có toàn quyết định với doanh nghiệp của mình, họ đưa ra những quyết sách trong nhiệm vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngược lại, ông chủ doanh nghiệp nhà nước nhiều việc quan trọng phải chờ xin ý kiến cấp trên. Khi đã có văn bản gửi lên trên, sự đợi chờ về mặt thời gian cũng làm cho họ đuối sức trong cạnh tranh cơ chế thị trường. Có nhiều trường hợp cụ thể, khi có được câu trả lời thì thời cơ đã trôi qua mất.
Dẫn chứng cho câu chuyện này, lãnh đạo Cty Long Đại hay Cty Bắc Quảng Bình đều có những “bài học” rút ra. Nhiều năm trước, bão làm gãy đổ ở mỗi đơn vị hàng trăm ha rừng trồng, rừng thông.
Sau khi bão tan, nếu là tư nhân, việc thu dọn, thanh lý cây gỗ sẽ được hoàn thành sớm. Nhưng các DN này phải làm hồ sơ về thực trạng rừng trong đó phải xác định được tỷ lệ rừng bị thiệt hại có đủ điều kiện để thanh lý hay không?
Sau đó, có văn bản kế hoạch khai thác, tiêu thụ cho Sở NN-PTNT. Sau khi Sở NN-PTNT thẩm định và trình lên UBND tỉnh quyết định. Vòng thủ tục này cũng mất vài tháng.
Cây trên rừng bị gãy, đổ cứ khô dần… Đến khi có được sự chấp thuận thì do cây đã khô nên chi phí khai thác tăng lên, giá thành bán ra giảm xuống.
Thay bằng việc thanh lý rừng bị thiệt hại có thể thu hồi được chút vốn đầu tư thì nay lại bị lỗ thêm. Nói về câu chuyện này, ông Phan Đình Linh (nguyên Giám đốc Cty Long Đại) cho hay, khi xác định rừng trồng bị thiệt hại, một số doanh nghiệp đến đánh tiếng thu mua với giá cao để làm dăm gấy.
Tuy nhiên, khi làm xong thủ tục được khai thác bán thì do cây tràm đã bị khô nên không thể làm dăm được, người ta không mua nữa. Khi đó, lại chuyển qua bán củi. Nhưng bây giờ bán củi cũng chẳng có ai mua cho. Qua đó, gây thiệt hại chồng lên thiệt hại. "Nếu có được quyền tự chủ, chúng tôi đã bán sớm hơn và thu hồi được phần nào vốn đầu tư cho nhà nước", ông Linh nói.
Tình trạng lấn chiếm đất rừng khá phổ biến. |
Chưa dừng ở đó, các DN còn phải xoay xở trong hành lang pháp lý vừa chật hẹp vừa chồng chéo mà nếu không khéo thì bị… tai bay vạ gió. Mỗi DN lâm nghiệp phải lo toan cho đời sống của vài trăm lao động. Lo sao cho có lương, có thưởng, có thu nhập ổn định. Nhưng trong cái lo đó đều phải nằm dưới sự quản lý, can thiệp trong chỉ đạo của cấp quản lý bên trên về nhiều mặt.
Cty Bắc Quảng Bình cũng có các đơn vị bảo vệ, sản xuất kinh doanh rừng trồng kinh tế (cao su, thông nhựa, keo tràm). Ông Trần Quang Đảm mạnh dạn đề nghị, nên quy hoạch cụ thể, sáp nhập các đơn vị đang sản xuất kinh doanh rừng trồng và thực hiện CPH. "Như cậy, cá nhân, tổ chức có điều kiện sẽ tham gia và đó là đòn bẩy để khai thác hợp lý, có hiệu quả diện tích này", ông Đảm nói.
Cũng theo ông Đảm, riêng đối với các đơn vị hiện đang đảm trách BVR tự nhiên nên chuyển sang mô hình Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) và trực thuộc chính quyền cấp huyện hoặc tỉnh. Vì khi đó, BVR chuyên trách sẽ có được những chế độ cụ thể và lực lượng này yên tâm làm tốt nhiệm vụ.
Ở một khía cạnh khác, khi trao đổi về mô hình hoạt động sao cho có hiệu quả thì ông Lương Sỹ Trình, Giám đốc Cty Long Đại còn có những băn khoăn. Theo ông Trình, việc chuyển các đơn vị gắn với sản xuất kinh doang rừng trồng sang hình thức CPH để phát huy tính tự chủ là nên làm.
Tuy nhiên, chuyển mô hình đơn vị BVR tự nhiên sang mô hình BQLRPH thì cân nhắc. Bởi lẽ, hiện Nhà nước đang cấm khai thác rừng tự nhiên, nhưng sau này nếu được khai thác thì khó có lực lượng nào đảm nhận được. "BQLRRH thì chưa có chức năng, DN lâm nghiệp không còn. Vậy sẽ giao cho việc khai thác này cho ai", ông Trình đặt câu hỏi.
Hiện tại, các Cty hoạt động theo mô hình vừa DN công ích vừa sản xuất kinh doanh. DN đang nắm giữ nguồn tài nguyên đất đai lớn nhưng hoạt động lại kém hiệu quả, thậm chí nhiều năm lỗ nặng. Nhiệm vụ đan xen giữa công ích và sản xuất kinh doanh cũng là nguyên nhân “bó tay” DN. "Nếu là DN công ích thì không nên gắn với sản xuất kinh doanh và cấp đủ kinh phí để chúng tôi hoạt động tốt hơn", ông Đảm nhìn nhận.
Cần có chế độ đãi ngộ đối với lực lượng BVR chuyên trách. |
Một điều đáng quan tâm nữa là tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng của các DN khá phổ biến. Khi biết chủ rừng là DN nhà nước, tâm lý người dân không e ngại gì. Tại huyện Bố Trạch, đã có hàng trăm ha đất rừng bị lấn chiếm. Có nhiều hộ dân lấn chiếm đến 5 - 7ha đất rừng. Tuy nhiên, việc xử lý rất lúng túng.
Cần đưa vào chế độ đặc thù
Hiện, Quảng Bình có 8 BQLRPH hoạt động và trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố.
BQLRPH Long Đại (huyện Quảng Ninh) có diện tích trên 52.000ha với tổng quân số 69 người, trong đó có 15 nhân viện hợp đồng. Ông Lê Chí Tấn, Giám đốc Ban cho hay nếu theo quy định mức khoán 700ha rừng/người thì nhân lực còn thiếu nhiều. Tuy nhiên, do kinh phí không chủ động nên rất khó tăng thêm hợp đồng. "Hiện chúng tôi có 7 trạm BVR và 2 đội cơ động nên bố trí nhân lực cũng khá mỏng, khó mà đủ mạnh khi xử lý vi phạm", ông Tấn nói.
Khi Luật Lâm nghiệp được thi hành từ 1/1/2019 thì cũng cần có những văn bản hướng dẫn thi hành bám sát thực tế cuộc sống. Ông Lê Chí Tấn cho rằng, các BQLRPH được ủy quyền của nhà nước làm chủ rừng.
Trách nhiệm lớn, nhiệm vụ nặng nề nhưng lại thiếu quyền hạn trong việc xử lý vi phạm trên chính rừng mà mình làm chủ. Hiển nhiên, cán bộ ở các BQLRPH chính là lực lượng BVR chuyên trách.
Họ là những người trực tiếp hàng ngày những cánh rừng tự nhiên tận đại ngàn xa thẳm. "Nhiệm vụ thì nặng nề, nhưng tuyệt nhiên, chúng tôi chưa có được một chế độ đãi ngộ hay đặc thù nào. Vì vậy, Nhà nước cần xem xét để có chính sách hỗ trợ, động viên hợp lý đối với lực lượng này", ông Tấn nói thêm.
Một chuyến kiểm tra rừng ở Cty Bắc Quảng Bình. |
Anh Trần Khánh Linh, Giám đốc BQLRPH huyện Tuyên Hóa cũng cho rằng quyền hạn không được trao mà chỉ thực thi trách nhiệm thì rất khó xoay xở. Đơn vị quản lý gần 30.000ha rừng, giáp ranh với Hà Tĩnh với nhiều điểm nóng khai thác rừng trái phép.
Một thực tế là, khi làm nhiệm vụ tuần rừng, phát hiện lâm tặc đang vi phạm thì tổ công tác BVR chỉ lập biên bản vi phạm. Thông thường phía lâm tặc bao giờ cũng đông người hơn và biết BVR không có gì để sợ nên cũng rất chống đối. Nhiều trường hợp cãi nhau cho đến tối thì đành mỗi bên một đường chứ không thể làm gì khác. "Khi BVR chỉ có giải thích, động viên thì rất khó", anh Linh nói thêm.
Trở lại với BQLRPH Động Châu (Lệ Thủy), ông Trương Minh Quảng, Giám đốc Ban cho biết đang làm hồ sơ để trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập Khu bảo tồn Động Châu - Khe Nước Trong. Khi đi vào hoạt động sẽ có những giải pháp tốt hơn trong nhiệm vụ BVR. |