| Hotline: 0983.970.780

Khống chế dịch viêm da nổi cục: [Bài 3] Trâu, bò bớt nỗi lo lâm bệnh

Thứ Hai 10/06/2024 , 07:44 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Cơ chế hỗ trợ 100% chi phí tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục sẽ khiến người chăn nuôi thoát nỗi ám ảnh trâu, bò mình nuôi nổi u cục dẫn đến tử vong.

Cơ chế hỗ trợ 100% chi phí tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục sẽ giúp trâu, bò ở Bình Định bớt bị căn bệnh nguy hiểm này đe dọa. Ảnh: V.Đ.T.

Cơ chế hỗ trợ 100% chi phí tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục sẽ giúp trâu, bò ở Bình Định bớt bị căn bệnh nguy hiểm này đe dọa. Ảnh: V.Đ.T.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục đạt cao

Từ năm 2024 trở đi, người chăn nuôi trâu, bò ở Bình Định sẽ thoát được nỗi ám ảnh vật nuôi của mình bị mắc bệnh u cục nổi khắp mình mẩy khi tỉnh này đã ban hành cơ chế hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục.

Theo ông Nguyễn Quang Ân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh, trên địa bàn huyện này hiện có đàn trâu, bò hơn 14.000 con, trong đó có 13.574 con thuộc diện tiêm. Đàn trâu, bò ở Vân Canh được nuôi rải đều khắp 7 xã, thị trấn, nhiều nhất là ở xã Canh Liên và xã Canh Vinh.

Khi bệnh viêm da nổi cục hoành trên địa bàn vào năm 2021, hoảng quá, người chăn nuôi đành chấp nhận đối ứng 50% chi phí vacxin, đăng ký tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục được 6.000 - 7.000 con. Từ năm 2022 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được khống chế, nên người chăn nuôi ở Vân Canh lại “quay lưng” với vacxin viêm da nổi cục vì ngại phải đối ứng 50% chi phí tiêm phòng.

“Năm nay, nhờ được hỗ trợ 100% vacxin nên tỷ lệ tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục trên địa bàn đạt tỷ lệ cao. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh nhận vacxin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp cho các xã theo tổng đàn trâu, bò; thú y xã và thú y tư nhân lên lịch triển khai tiêm phòng, Trung tâm kiểm tra giám sát tiến độ tiêm”, ông Nguyễn Quang Ân cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện An Lão, địa phương này hiện có đàn trâu bò trên 12.000 con. Là huyện miền núi, đàn trâu bò ở An Lão chiếm phần nhiều được nuôi trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa.

Trước khi tỉnh Bình Định có cơ chế hỗ trợ 100% vacxin viêm da nổi cục, người chăn nuôi trâu bò ở An Lão hầu như không có tiền để đối ứng 50% chi phí tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nên số trâu bò được tiêm vacxin viêm da nổi cục rất hạn chế.

Ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, địa phương có đàn bò 18.135 con và hơn 1.000 con trâu cũng lâm tình trạng tương tự. Theo ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, là địa phương miền núi, nên chăn nuôi trâu bò được xem mũi nhọn kinh tế của người dân huyện Vĩnh Thạnh. Trâu bò được bà con nuôi đều khắp trên địa bàn 8 xã và 1 thị trấn với 57 thôn, mỗi xã nuôi bình quân từ 1.000-2.000 con.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò mới xuất hiện tại Bình Định vào năm 2021, lúc ấy tỉnh Bình Định chưa có cơ chế hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng loại vacxin này, mới chỉ hỗ trợ 50%, nên khi ấy người chăn nuôi ở Vĩnh Thạnh không tha thiết lắm với việc tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục.

Sau khi được hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục, người chăn nuôi bò ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) phấn khởi đăng ký tiêm cho đàn bò của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi được hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục, người chăn nuôi bò ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) phấn khởi đăng ký tiêm cho đàn bò của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Tiêm phòng khép kín trong năm

Theo ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, trước đây, trong tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, loại vacxin nào cũng được bà con chăn nuôi hưởng ứng tiêm trên 80%. Riêng vacxin viêm da nổi cục tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, do người chăn nuôi phải đối ứng 50% chi phí.

“Bắt đầu từ năm nay Bình Định ban hành cơ chế hỗ trợ 100% vacxin viêm da nổi cục, riêng người chăn nuôi ở Vĩnh Thạnh được hỗ trợ cả tiền công tiêm. Ngành chức năng huyện đang triển khai tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục, tỷ lệ tiêm phòng loại vacxin này trong năm nay đạt tỷ lệ rất cao. Từ ngày 10/5 Vĩnh Thạnh tập trung tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục, đến ngày 10/6 là kết thúc”, ông Lê Văn Thuận phấn khởi chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Văn Thạnh, chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, trong thời điểm bò cao giá, đàn bò ở An Nhơn đạt đến khoảng 32.000 con. Mấy năm gần đây giá bò thịt giảm mạnh, nên tổng đàn bò ở An Nhơn cũng đang trên đà giảm theo.

Năm 2024, người dân vùng cao Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) hưởng ứng cao tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho đàn bò. Ảnh: V.Đ.T.

Năm 2024, người dân vùng cao Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) hưởng ứng cao tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho đàn bò. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Thạnh, trong năm 2024, lẽ ra vào tháng 4 ngành chức năng thị xã An Nhơn sẽ triển khai tiêm phòng vacxin lở mồm long móng, sau đó sẽ tập trung tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho đàn bò.

Nhưng năm nay do công tác đấu thầu vacxin gặp trở ngại, nên vacxin lở mồm long móng nhập về trễ, nên đến ngày 10/5 ngành chức năng An Nhơn mới triển khai tiêm nhằm tránh lịch gieo sạ, thời điểm bà con nông dân không ra đồng để tỷ lệ số gia súc được tiêm đạt cao.

Do đó, đợt tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục năm nay cũng muộn theo, trong tháng 6/2024 ngành chức năng thị xã An Nhơn mới triển khai tiêm tập trung.

“1 lọ vacxin viêm da nổi cục tiêm được 10 liều. Vacxin viêm da nổi cục tiêm mỗi năm 1 lần, nhưng cơ quan chức năng luôn dự trữ vacxin để tiêm cho bê nghé mới đẻ sau, tiêm khép kín quanh năm nhằm khống chế triệt để bệnh viêm da nổi cục. Hộ chăn nuôi có nhu cầu thì đăng ký với trưởng thôn hoặc thú y thôn, xã; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã gom đủ 10 con sẽ cấp 1 lọ vacxin viêm da nổi cục, chứ nếu đăng ký chưa đủ số lượng mà khui lọ vacxin ra mà tiêm không hết sẽ hỏng lượng vacxin còn lại”, anh Huỳnh Văn Thạnh, chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn chia sẻ.

Xem thêm
Giá lợn hơi sẽ tiếp tục đứng ở mức cao

Mùa hè, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn thường giảm do học sinh nghỉ hè, qua đó khiến giá lợn hơi giảm. Nhưng hè năm nay, giá lợn hơi vẫn ở mức cao.

Người trồng cam xoay xở chống hạn

HÀ TĨNH Đợt nắng nóng gay gắt tại Hà Tĩnh dự báo kéo dài. Đây là thời điểm cây cam ở giai đoạn nuôi quả, quyết định năng suất nên người dân đang xoay xở chống hạn.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm